Trần Thị Thanh Thúy và đồng đội giành chiến thắng dễ dàng sau 3 set trước Philippines với các tỷ số cách biệt 25-12, 25-16 và 25-16. Bóng chuyền nữ Việt Nam toàn thắng 2 trận và sẽ tranh chức vô địch ở trận đấu cuối gặp chủ nhà Thái Lan vào ngày 11/9. |
Tuyển Việt Nam thể hiện lối chơi tốc độ, biến hóa trong set đầu, khiến Philippines khó bắt bài chiến thuật. Hàng sau ổn định giúp chuyền hai Đoàn Thị Lâm Oanh (số 19) có những đường chuyền tốt, giúp hàng công Việt Nam liên tục ghi điểm. Phụ công Trần Thị Bích Thủy (số 8) chơi nổi bật trong set đầu với các pha tấn công nhanh giữa lưới. |
Đội trưởng Thanh Thúy vẫn là đầu tàu của tuyển Việt Nam với những cú đập uy lực ở hai biên và cả hàng sau. Chủ công đang đầu quân cho đội bóng Nhật Bản trở thành tay đập ghi nhiều điểm nhất trận với 13 điểm, trong đó có 11 điểm tấn công, một điểm chắn bóng và một điểm phát bóng. |
Libero Lê Thị Thanh Liên thể hiện sự nhanh nhẹn với những pha cứu bóng, phòng thủ lăn xả. Cô gái nhỏ nhắn đang được huấn luyện viên Nguyễn Tuấn Kiệt trao nhiều cơ hội hơn ở giải lần này, thế vị trí của Nguyễn Thị Kim Liên. |
Philippines, vẫn với đội hình từng làm khó tuyển Việt Nam tại Cúp châu Á hồi cuối tháng 8, nhưng trong lần gặp lại này, họ luôn trong thế bám đuổi với khoảng cách bị dẫn điểm sâu. |
Philippines phòng thủ khá tốt nhưng họ thiếu đi những cầu công tốt để ghi điểm. Những tay đập có chiều cao hạn chế khiến họ liên tục gặp khó trước hàng chắn của tuyển Việt Nam. |
Sau 2 set đầu thắng cách biệt, HLV Tuấn Kiệt quyết định cho một số gương mặt dự bị vào sân. Nguyễn Thị Uyên, Lưu Thị Huệ, Lý Thị Luyến và Vi Thị Như Quỳnh được trao cơ hội. Dù vậy, tuyển Việt Nam vẫn tỏ ra vượt trội so với đối thủ. |
Sau 2 trận thắng trước Indonesia và Philippines, tuyển Việt Nam tạm dẫn đầu bảng. Thái Lan xếp thứ 2 với một trận thắng và sẽ đánh lượt trận thứ hai gặp Indonesia tối 10/9. ASEAN Grand Prix là giải đấu quy tụ 4 đội bóng chuyền nữ hàng đầu khu vực Đông Nam Á, đánh vòng tròn một lượt tìm ra nhà vô địch. |