Zhong Jinglin - doanh nhân 20 tuổi - rất ngạc nhiên khi thấy quán trà sữa mình đồng sở hữu cùng một vài người bạn tại tỉnh Quảng Đông (miền nam Trung Quốc) bỗng bị bao vây bởi 20 quán trà sữa tương tự khác.
“Ngành trà sữa đang thiếu đất để tăng trưởng. Để đầu tư, bạn cần chọn đúng vị trí mặt bằng và phải theo kịp sự cạnh tranh gay gắt”, anh Zhong nói.
Sau một năm hoạt động, Zhong và những người đồng thành lập buộc đóng cửa công việc kinh doanh khi doanh thu cửa hàng giảm mạnh từ khoảng 6.000 NDT/ngày (925 USD) vào những ngày đầu tiên xuống còn khoảng 1.000 NDT/ngày và rơi vào tình trạng thua lỗ.
Câu chuyện của Zhong đại diện cho bức tranh tổng thể về ngành kinh doanh trà sữa. Bên trong bức tranh đó, ta có thể thấy cả sức tăng trưởng nhanh chóng của các doanh nghiệp lẫn số lượng các công ty dừng hoạt động ngày càng tăng.
Theo dữ liệu ngành của Tianyancha, từ năm 2014-2018, các công ty trà sữa chứng kiến đà tăng trưởng kép hàng năm với tỷ lệ 23%. Dữ liệu từ iiMedia Research cho thấy đến năm 2019, khoảng 26.000 quán trà sữa đã dừng hoạt động. Chỉ 18,8% tổng số quán trà sữa vẫn bám trụ trên thị trường. Tính đến cuối tháng 11/2020, đại dịch Covid-19 buộc hơn 130.000 công ty trà sữa đóng cửa, tương đương với 43% tổng số quán hiện diện trên thị trường.
Nhiều thương hiệu trà sữa từng tạo ra cơn sốt trong xu hướng tiêu dùng của giới trẻ. Ảnh: The Standard. |
Tuy nhiên, ngành kinh doanh trà sữa tại Trung Quốc vẫn nhận được nhiều luồng tiền đầu tư. Theo tạp chí China Venture, danh mục đầu tư vào các nhà sản xuất trà, đồ uống 6 tháng đầu năm nay đạt mức cao nhất trong 10 năm qua với hơn 5,3 tỷ NDT (818 triệu USD).
Dù vậy, ngành công nghiệp này đang ở ngã ba đường, đối mặt với sự cạnh tranh quá mức và luồng đầu tư điên cuồng.
“Bong bóng trà sữa cùng chứng cuồng đầu tư đang xuất hiện. Vấn đề lớn mà các công ty trà sữa phải đối mặt là làm sao để cải thiện sản phẩm, dịch vụ với tiêu chí lành mạnh, ngon, rẻ”, Zhang Yi - CEO iiMedia Research - chia sẻ.
Ở một khía cạnh khác, xu hướng tiêu dùng đã thay đổi khi nhiều người Trung Quốc quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe hơn. “Tôi không uống quá nhiều trà sữa vì lo lắng đến sức khỏe. Trà sữa có rất nhiều phụ gia và đường, khiến tôi dễ tăng cân hoặc tệ hơn là mắc bệnh tiểu đường”, Lai - một người trẻ 20 tuổi, chỉ thỉnh thoảng mua trà sữa vào cuối tuần - cho hay.
Trong cuộc khảo sát của CBNData, 70% người tiêu dùng trà sữa là thế hệ trẻ và đặc biệt quan tâm đến chất lượng cũng như sự an toàn của loại đồ uống. Khoảng 70% nhóm người tiêu dùng có xu hướng chọn thức uống chứa ít đường hơn trong đơn đặt hàng của mình.
Để bắt kịp xu hướng mới, Nayuki Holdings và Heytea - 2 công ty có trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc) - cho ra đời sản phẩm trà sữa bằng trái cây tươi, sữa tươi và ít đường hơn. Loại “trà sữa kiểu mới” trở thành cơn sốt, tạo ra phân khúc đồ uống có giá trị thị trường khoảng 110 tỷ NDT (khoảng 17 tỷ USD) trong năm nay. Một cốc trà sữa mang nhãn hiệu 2 công ty này có giá hơn 30 NDT (4,6 USD), cao gấp 10 lần giá của các thương hiệu khác.
Nayuki cũng cố tạo sự khác biệt bằng cách mở rộng các cửa hàng, tạo ra “không gian thứ ba”, giao thoa giữa trường học nơi làm việc và nhà ở cho những người trẻ tuổi.
Tuy nhiên, chính những nỗ lực này đã trở thành "con dao hai lưỡi" cho Nayuki. Chi phí nguyên vật liệu và nhân viên tại công ty chiếm 66,6% tổng chi phí trong năm 2018 và 2019 và chiếm 68% vào năm 2020. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cấp cửa hàng đã chậm lại trong cùng kỳ. Công ty đã thua lỗ gần 137 triệu NDT (21 triệu USD) từ năm 2018-2020.
“Đối tượng chính của trà sữa kiểu mới là nhân viên văn phòng và sinh viên trẻ tuổi. Do vậy, sẽ rất khó để sản phẩm này thách thức các thương hiệu khác có sản phẩm rẻ và chất lượng tốt hơn”, ông Zhang nhận định.