The Guardian dẫn lời Nouriel Roubini - nhà kinh tế học tại trường Kinh doanh NYU Stern, cho rằng “các chính sách lỏng lẻo đã thổi phồng bong bóng tài sản, thúc đẩy tình trạng lạm phát giá tiêu dùng”.
Đối với Roubini, đó là những điều kiện căn bản gây ra tình trạng trì trệ nền kinh tế toàn cầu năm 1970 và cú sụp đổ thị trường chứng khoán năm 2008.
“Những dấu hiệu cảnh báo lên nền kinh tế toàn cầu đang dần hiện ra. Nhiều ngân hàng trung ương sẽ ở thế bị động. Các chính sách tài khóa và tiền tệ lỏng lẻo như hiện nay có thể là nguồn cơn dẫn đến lạm phát, đình trệ nền kinh tế như những năm 1970 khi kết hợp với cú sốc cung ứng”, Roubini khẳng định.
Theo lập luận của chuyên gia kinh tế, tỷ lệ nợ trên tài sản trong những năm 1970 thấp hơn nhiều so với con số hiện tại. “Khi kết hợp các yếu tố như chính sách lỏng lẻo, tỷ lệ nợ cao và cú sốc cung tiêu cực, nguy cơ lạm phát dâng lên cao hơn là giảm phát”, chuyên gia Roubini nói.
“Cuộc khủng hoảng sắp tới có thể tồi tệ hơn nhiều”, ông nhấn mạnh.
Chuyên gia Roubini chỉ ra những bất ổn trên thị trường tài chính, đánh dấu khả năng quay trở lại của cú sụp đổ nền kinh tế những năm 1970 và 2008. Ảnh: B Recorder. |
Những dấu hiệu cảnh báo về nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế đang trở nên rõ ràng. Có thể thấy, ở thời điểm hiện tại, tỷ lệ giá trên thu nhập ở mức cao trong khi phần bù rủi ro vốn chủ sở hữu thấp. Giá trị tài sản công nghệ, bất động sản tăng nóng. Cùng với đó là sự xuất hiện phi lý và bùng nổ của những thương vụ mua lại có mục đích, thị trường tiền mã hóa và cổ phiếu meme.
“Sẽ có lúc, sự bùng nổ này lên đến đỉnh điểm và gặp khoảnh khắc Minsky - sự sụp đổ đột ngột, kết thúc một chu kỳ tăng trưởng trong thị trường tài chính. Đồng thời, các chính sách tiền tệ thắt chặt cũng tác động đến cú đổ vỡ của nền kinh tế”, NYP dẫn lời Nouriel Roubini.
Với cái nhìn bao quát hơn, chuyên gia Nouriel Roubini chỉ ra quan hệ tách biệt giữa Trung Quốc và Mỹ có nguy cơ chia rẽ nền kinh tế toàn cầu khi biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 thúc đẩy chính phủ các quốc gia hướng tới sự tự cường.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện ngày càng thường xuyên của các cuộc tấn công mạng vào các cơ sở hạ tầng quan trọng cùng những phản ứng dữ dội về xã hội, chính trị chống lại vấn đề bất bình đẳng cũng trở thành yếu tố giúp hoàn thiện bức tranh sụp đổ nền kinh tế.
Chuyên gia Roubini nhận định: "Các ngân hàng trung ương đang rơi vào bẫy nợ khi cả nợ công và nợ tư đều tăng vọt. Nếu lạm phát vẫn tiếp tục tăng, các ngân hàng trung ương sẽ đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan".
Nguy cơ xuất hiện khủng hoảng nợ và suy thoái kinh tế ở mức cao khi các ngân hàng này loại bỏ dần các chính sách không phù hợp và tăng cường chính sách chống lạm phát. Tuy nhiên, nếu tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ lỏng lẻo, các ngân hàng trung ương sẽ đối diện với nguy cơ lạm phát 2 con số.
“Chính phủ các nước sẽ nằm lưng chừng trên con dốc vỡ nợ. Do đó, họ không thể hỗ trợ các ngân hàng, doanh nghiệp và các hộ gia đình. Tình trạng lạm phát của những năm 1970 kết hợp với cuộc khủng hoảng nợ công năm 2008 sẽ sớm quay trở lại. Vấn đề ở đây là thời điểm”, Roubini cảnh báo.