Một góc vườn nhà tôi. Ảnh: Nông Thanh Tùng. |
Tôi có thói quen khắc số năm sau ngày bà mất lên thanh xà ngang trong nhà vào mùa cây thay lá, bằng một vạch ngang. Căn nhà có bộ khung làm từ gỗ nghiến, ván trải bằng gỗ lim đen bóng.
Vào mùa hè, ngoài đường phố nóng hầm hập như bên bếp lửa nhưng ở ngôi nhà gỗ thật mát mẻ. Làng ven thành phố rặt toàn những ngôi nhà sàn, có nhà ba gian, có nhà sáu gian, có cái nửa nhà sàn nửa nhà đất.
Nhà tôi nằm ở cuối làng, xung quanh nhiều loại cây khác nhau. Từ cây vầu cho măng vào độ xuân đến cây xoan hôi, xoan đào mọc hoang ở bờ vườn khi vào mùa lá rụng lá ngập lối đi.
Cứ dăm ba ngày bà lại dùng cây chổi được làm bằng ba ngọn cây vầu rụng hết lá, chỉ còn trơ lại cành cây khô quét gom lại rồi châm lửa đốt lấy tro bón vào những gốc cây ăn quả ở trong vườn.
Một góc vườn nhà tôi.Ảnh: Nông Thanh Tùng. |
Nhà tôi có hai mảnh vườn, mỗi mảnh rộng mấy trăm mét vuông, mảnh liền nhà để trồng các loại rau xanh, mảnh kia trồng các loại cây ăn quả. Khi xuân đến trong vườn ngập tràn bởi sắc hoa, màu trắng của hoa lê, hoa mận, hòa vào sắc đỏ của hoa đào.
Tháng tư âm lịch những cây mận chín sớm quả từ xanh chuyển dần sang màu vàng, tháng sau thì quả mận máu bắt đầu chín. Mận tháng sáu là cây chín muộn nhất. Nhưng quả mận tháng sáu to và giòn được lũ trẻ ưa thích. Mẹ tôi hái hai lồ đưa ra chợ đầu làng để bà ngồi bán đổi lấy mắm muối, vài lạng thịt lợn về cải thiện bữa ăn trong gia đình.
Giờ đến hàng cây lê bắt đầu ngọt dần. Trong số các loài cây có lẽ bà tôi chăm chút cây lê nhiều nhất. Vào ngày tết tháng bảy những quả lê to bằng hai nắm tay chín vàng, vỏ nhẵn trơn như được bôi một lớp mỡ được bà hái đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên. Có cây quả to mỗi cân chỉ được hai quả, nhiều thì ba quả.
Một mảnh vườn đủ các loài cây ăn quả, trên bờ thì có bụi mai, giang, nứa, bên trong nào mận, lê, đào, mỗi loại cây chiếm một góc vườn làm thế giới của riêng mình.
Trong vườn còn có những bụi chuối, mỗi khi có buồng chín lại thu hút lũ sóc nâu, sóc đen từ trên núi đi xuống ăn. Lũ sóc đã quen với con người nên không tỏ ra sợ sệt. Mặc cho những chú chó sủa inh ỏi dưới gốc cây chúng vẫn nhẩn nhơ trên cành cây cao nhìn xuống vẻ giễu cợt.
Đứng lẻ loi ở góc vườn là cây hồng mà người làng gọi là hồng gấu vì quả to, ít hạt, đó là cái cây cao nhất vườn, quả chín muộn nhất vườn trong năm. Cũng chẳng biết cây hồng này có từ bao giờ. Những cây lê cây mận, cây đào cũng lần lượt theo bà đi sang thế giới bên kia thì cây hồng vẫn đứng đó, hàng năm vẫn cho ra hoa kết trái.
Nhiều lần mẹ bảo chặt đi để trồng các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhưng tôi đã ngăn lại, bởi nhìn vào cây tôi như thấy thấp thoáng bóng dáng của bà tôi với cái lưng còng, cái áo nâu phai màu với đôi guốc tre, quai làm bằng dây gió rất chắc, mỗi khi bà bước đôi guốc luộc khuộc trên mặt đất.
Tiếng guốc của bà đã ghim vào sâu trong kí ức tuổi thơ tôi. Bà đi xa rồi nhưng đôi guốc được mẹ cất dưới gầm cái tủ thờ. Mỗi khi nhìn vào đôi guốc mộc tôi lại thấy bà hiện ra trước mặt. Bà vẫn thế, vẫn đôi mắt hiền từ, đôi tay của bà không ngừng nghỉ.
Mảnh vườn vắng bóng bà cây cối buồn hiu, lũ cỏ ngoi lên mỉm cười. Bụi mai vẫn còn đó, nứa giang vẫn xanh tốt tươi cho măng để người hái về làm thức ăn. Cây lê quả to cũng đã mục gốc rồi.
Mấy cây dâu da cũng bị đốn hạ để thay vào đó những cây trám đen ghép cành. Mận, đào được thay thế bằng những cây cam, quýt... Đi theo dấu chân của bà năm xưa nhưng những hàng cây trong vườn đã có nhiều thay đổi. Chân cứ đi theo nhịp bước, tôi dừng lại ở góc vườn nơi có cây hồng cao to sừng sững giữa trời xanh.
Cây hồng năm nay có còn ra hoa, đậu quả nữa không? Cây hồng không còn thì mảnh vườn chỉ còn trong ký ức xưa cũ của tôi. Mảnh vườn đã đi với bà và tuổi thơ êm đềm của tôi suốt cuộc đời.