Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã ký văn bản gửi các địa phương và sở, ngành về việc nới lỏng giãn cách cách xã hội từ Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15 từ 0h ngày 7/9 đến khi có thông báo mới.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh An Giang, các địa phương căn cứ tình hình, dịch bệnh thực tiễn tại địa phương để quyết định việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cụ thể với cấp độ cao hơn, phù hợp theo từng khu vực. Đối với các xã, phường, thị trấn thuộc vùng cam và đỏ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16.
Người dân không được ra đường ban đêm
Tuy nới lỏng giãn cách, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại An Giang chỉ được bán mang đi hoặc giao hàng tại nhà, không phục vụ tại chỗ. Người dân không được ra đường từ 18h đến 5h hôm sau và đi chợ bằng phiếu 3 lần mỗi tuần.
Các cơ quan, đơn vị giảm số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc tại cơ quan không quá 30%, người ở nhà phải làm việc trực tuyến và không tự ý ra ngoài khi không thật sự cần thiết.
Người dân TP Phú Quốc tắm biển chiều 6/9. Ảnh: Văn Sáng. |
Tại Kiên Giang, 8 huyện, thành phố được nới lỏng giãn cách theo Chỉ thị 15 từ ngày 7/9 là Phú Quốc, U Minh Thượng, An Minh, An Biên, Gò Quao, Giồng Riềng, Tân Hiệp và Kiên Hải.
TP Rạch Giá, TP Hà Tiên và huyện Kiên Lương, Hòn Đất, Giang Thành, Châu Thành, Vĩnh Thuận tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16. Người dân các địa phương này không được phép ra đường ban đêm.
Tại Hậu Giang, UBND tỉnh này cho phép các phường và xã Đại Thành của TP Ngã Bảy được mở cửa các nhà hàng, quán ăn nhưng hạn chế quy mô, mỗi bàn 4 người cách nhau 2 m; không được tập trung trên 10 người tại cùng thời điểm và không được kinh doanh phục vụ tại chỗ đối với các loại thức uống có cồn.
Các cơ sở hoạt động kinh doanh, mua bán các mặt hàng phục vụ học sinh chuẩn bị năm học mới như nhà sách, văn phòng phẩm, dụng cụ học sinh, cửa hàng bán giày dép, quần áo, đồng phục cho học sinh; cửa hàng vật liệu xây dựng, điện, nước; các hoạt động dịch vụ phục vụ người dân như sửa xe, cắt tóc được mở cửa hoạt động.
Các hoạt động thể dục, thể thao ngoài nơi công cộng tại Ngã Bảy không quá 10 người. Các nhà máy, xí nghiệp, công trình xây dựng, cơ sở sản xuất tổ chức hoạt động trong điều kiện bình thường mới; phải có kế hoạch kinh doanh, phương án thi công, phương án phòng chống dịch được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Hàng quán ở một số tỉnh miền Tây đã mở cửa đón khách trở lại. Ảnh: Việt Tường. |
Riêng các công trình xây dựng nhà ở của người dân Ngã Bảy được hoạt động nhưng đảm bảo không tập trung trên 10 người; chỉ sử dụng lao động, công nhân tại địa bàn đến làm việc, đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch. Thời gian áp dụng những quy định mới này tại Ngã Bảy từ 14h ngày 6/9.
Mặc dù nới lỏng giãn cách, người dân Ngã Bảy chỉ được ra đường từ 4h đến 18h. Khung giờ đi chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi buổi sáng từ 4h đến 9h, chiều 15h-18h.
Người dân ở xã, phường nào đi chợ tại xã, phường đó; riêng phường Lái Hiếu và xã Đại Thành được đi chợ tại phường Ngã Bảy; mỗi hộ gia đình chỉ cử một người đại diện đi chợ tối đa không quá 2 lần/tuần.
Khánh Hòa nới lỏng với các vùng xanh
Cùng ngày, Tỉnh ủy Khánh Hòa chủ trương nới lỏng với các vùng xanh, dừng quy định “ai ở đâu ở yên đó” từ 0h ngày 8/9.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, tỉnh đang xây dựng phương án và tính toán lộ trình để nới lỏng giãn cách theo phương châm “nới lỏng từ từ và thận trọng”, trong đó có các địa bàn phức tạp như TP Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh.
TP Nha Trang là địa bàn phức tạp nhất về dịch Covid-19, chiếm hơn 50% tổng số ca mắc cả tỉnh. Tuy nhiên, hiện địa bàn này đã bắt đầu kiểm soát được dịch, số ca mắc Covid-19 giảm xuống rõ rệt.
Theo số liệu đánh giá, phân loại mức độ nguy cơ dịch Covid-19 của 27 xã, phường và 363 thôn, tổ dân phố trên địa bàn TP Nha Trang đã có 6 xã, phường đạt mức bình thường mới. Trong khi 10 ngày trước, địa phương này không có xã, phường nào đạt mức bình thường mới.
Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 3/9 huyện, thị xã, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới, không có ca lây nhiễm thứ phát là Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và Trường Sa.
Sau ngày 8/9, nhiều địa bàn vùng xanh ở Nha Trang được nới lỏng giãn cách. Ảnh: Xuân Hoát. |
Theo ông Tuân, căn cứ vào thực tiễn để nới lỏng giãn cách, trong đó tiêu chí về miễn dịch cộng đồng (tỷ lệ tiêm vaccine và miễn dịch tự nhiên đối với người được chữa khỏi bệnh). Đối với địa bàn là xã, phường thuộc vùng đỏ nhưng có thôn, tổ vùng xanh thì áp dụng nới lỏng giãn cách tương ứng với vùng xanh đối với các thôn, tổ đó; không đánh đồng xã, phường như trước.
Cụ thể, người dân trong vùng xanh được ra khỏi nhà tập thể dục tại chỗ, được đi chợ theo phiếu và phải đảm bảo đúng quy định 5K. Còn các đối tượng người lao động ở vùng xanh đã được tiêm từ một mũi sẽ được tham gia các hoạt động, lao động sản xuất, cho phép mua bán hàng mang về.
Đối với vùng đỏ, việc cung cấp lương thực sẽ do tổ cứu trợ phụ trách hoặc người dân mua hàng online, các đơn vị cung ứng thực phẩm mang đến nhà.
Ngoài hình thức đưa chợ ra phố, tỉnh Khánh Hòa cũng đã triển khai tiêm vaccine đối với tiểu thương, người giao hàng (shipper), nhân viên bán hàng của các cơ sở kinh doanh, siêu thị.