Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 18/9 lại tuyên bố quân đội nước này sẽ bảo vệ Đài Loan. Ảnh: Reuters. |
Trong cuộc phỏng vấn với chương trình ’60 phút’ của đài CBS, phát sóng hôm 18/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden một lần nữa nói quân đội nước này sẽ bảo vệ đảo Đài Loan.
Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định việc tuyên bố độc lập là quyết định của người Đài Loan - dù chính sách chính thức của Washington là không ủng hộ động thái này.
Dù Nhà Trắng - như thường lệ - đính chính rằng phát biểu của ông Biden không đánh dấu sự thay đổi chính sách của Washington với Đài Loan, một số nhà phân tích cho rằng vị tổng thống - dù cố ý hay vô tình - đã khiến tình hình thêm rối rắm.
Tuyên bố và đính chính
Từ đầu năm đến nay, các quan chức cấp cao của Mỹ - bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin - đều đã khẳng định Mỹ không ủng hộ Đài Loan độc lập, theo Reuters.
Đây là một phần của chính sách mà Washington đã áp dụng trong nhiều năm, với mục đích vừa ngăn Bắc Kinh thu hồi hòn đảo bằng vũ lực, vừa thuyết phục Đài Bắc không chính thức tuyên bố độc lập. Tại Washington, chiến lược này được gọi là “ngăn chặn nước đôi”.
Tuy vậy, ông Biden lần này không khẳng định Mỹ “không ủng hộ” Đài Loan độc lập, mà chỉ nói rằng Mỹ “không khuyến khích”.
“Đài Loan tự đánh giá về khả năng độc lập của họ. Chúng tôi không khuyến khích họ độc lập. Đấy là quyết định của họ”, vị tổng thống Mỹ tuyên bố.
Ông Biden không nói Mỹ "không ủng hộ" Đài Loan độc lập, mà chỉ khẳng định Washington "không khuyến khích". Ảnh: AP. |
Những nhân vật chỉ trích ông Biden lo ngại rằng tuyên bố của ông sẽ bị Trung Quốc coi là động thái ngầm ủng hộ Đài Loan tuyên bố độc lập - điều bị Bắc Kinh coi là “lằn ranh đỏ”.
Phe phản đối cũng cho rằng bình luận của vị tổng thống sẽ làm gia tăng đối đầu, thay vì là lời đảm bảo đối với Đài Loan.
“Việc vừa nói rằng chính sách của Mỹ với Đài Loan không đổi, vừa tuyên bố Mỹ cam kết chiến đấu vì Đài Loan - và Đài Loan có thể tự đánh giá về độc lập - là điều bất nhất”, chuyên gia về chính sách của Mỹ với Trung Quốc Craig Singleton nói với Reuters.
Theo ông Singleton, Bắc Kinh nhiều khả năng lo ngại rằng ông Biden đang gợi ý Đài Loan có thể tự quyết định tuyên bố độc lập.
Phát biểu trong một diễn đàn hôm 19/9, ông Kurt Campbell, quan chức phụ trách khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong Nhà Trắng, tuyên bố các câu nói của ông Biden “chỉ là quan điểm cá nhân” và chính sách của Mỹ vẫn không thay đổi.
Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan nói với các phóng viên rằng ông Biden chỉ trả lời một câu hỏi giả định “với tư cách một người thẳng thắn”.
“Khi tổng thống Mỹ muốn công bố một thay đổi chính sách, ông sẽ làm vậy”, ông Sullivan nói. “Ông ấy vẫn chưa làm vậy”.
Trong khi đó, một số đảng viên đảng Cộng hòa Mỹ - bao gồm Thượng nghị sĩ Ben Sasse - tán dương phát biểu mạnh mẽ về Đài Loan của ông Biden, nhưng chỉ trích Nhà Trắng vì “đính chính” cho vị tổng thống.
Không còn là "lỡ miệng"?
Không chỉ trong nội bộ nước Mỹ, phát ngôn của ông Biden còn được một số chính trị gia nước ngoài hoan nghênh - trong đó có Chủ tịch Nghị viện Lithuania Viktorija Cmilyte-Nielsen, người đang có chuyến thăm Mỹ.
“Tôi nghĩ đây là tuyên bố mạnh mẽ. Chắc chắn đây là giọng điệu đáng hoan nghênh”, bà Cmilyte-Nielsen nói, bổ sung đây là tuyên bố “ý nghĩa và đúng thời điểm”.
Như thường lệ, các quan chức Nhà Trắng lập tức lên tiếng đính chính sau tuyên bố của ông Biden. Ảnh: AP. |
Sau tuyên bố của ông Biden, cơ quan đối ngoại Đài Loan bày tỏ “biết ơn sâu sắc” với sự ủng hộ của người đứng đầu Nhà Trắng với hòn đảo này.
Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cảnh báo nước Mỹ không nên “gửi tín hiệu sai lầm” đến các thế lực đòi Đài Loan độc lập để tránh ảnh hưởng tới quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan và quan hệ Mỹ - Trung.
Ông Jude Blanchette, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định phát ngôn của ông Biden gây rối rắm - thay vì làm rõ - chính sách của Mỹ.
“Sử dụng ngôn ngữ chính xác là điều tối quan trọng trong các diễn ngôn về chính sách Đài Loan của chúng ta”, ông Blanchette nói. “Nếu chúng ta sắp có thay đổi chính sách lớn và bảo vệ Đài Loan, điều này đáng được thảo luận cụ thể hơn, thay vì mọi người chỉ được thông báo qua cuộc phỏng vấn trên chương trình ’60 phút’”.
Trong khi đó, một số nhà quan sát cho rằng khó có khả năng ông Biden “lỡ miệng” tới lần thứ tư kể từ đầu nhiệm kỳ.
Lần đầu tiên vị tổng thống Mỹ đề cập đến cam kết bảo vệ Đài Loan là tháng 8/2021. Khi nhắc lại cam kết “sẽ đáp trả” nếu một đồng minh NATO bị tấn công, ông Biden bổ sung: “Tương tự với Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan”.
Hai tháng sau, ông Biden trả lời “Có” khi được hỏi về cam kết bảo vệ Đài Loan khi hòn đảo này bị tấn công. Điều tương tự lặp lại trong cuộc họp báo giữa ông và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Tokyo hồi tháng 5.
“Khi một vị tổng thống từ bỏ một nguyên tắc chính sách đối ngoại quan trọng lần đầu tiên, dường như đó là sự cố. Nếu điều này xảy ra tới bốn lần, dường như đây là điều ông ấy muốn nói”, cây viết Stephen Collinson bình luận trên CNN.