Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bốn khuyến nghị của WHO để Việt Nam đối phó biến chủng mới

Ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, nêu một số hành động cần cân nhắc để chuẩn bị đối phó biến chủng mới, trong bối cảnh thế giới gấp rút giải mã Omicron.

bien chung Omicron anh 1

Trao đổi với Zing, tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết chưa thể khẳng định chắc chắn Omicron dễ lây lan hơn so với các biến chủng khác, bao gồm cả biến chủng thống trị các ca bệnh hiện nay - Delta, hay không.

Theo Reuters, tính đến ngày 8/12, 57 quốc gia đã báo cáo có ca nhiễm biến chủng Omicron.

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam dự kiến thêm nhiều quốc gia báo cáo các trường hợp mới thời gian tới, khi họ tăng cường giám sát và phân tích.

Để đón đầu khả năng biến chủng Omicron xuất hiện, đại diện WHO đề xuất Việt Nam nên thực hiện 4 nhóm giải pháp chính. Đó là tăng cường giám sát và giải trình tự gene các ca bệnh, tiếp tục tuân thủ 5K và nâng cao độ bao phủ vaccine, củng cố hệ thống y tế, bảo đảm công tác truyền thông xuyên suốt.

Chuẩn bị để ứng phó với biến chủng mới Omicron

WHO đã chỉ định Omicron, tên cũ là B.1.1.529, là biến chủng đáng lo ngại (VoC), trên cơ sở khuyến nghị từ Nhóm Tư vấn Kỹ thuật của WHO về Sự tiến hóa của virus. Quyết định này dựa trên bằng chứng mới đây từ Nam Phi, cho thấy biến chủng mới đã gây ra sự thay đổi bất lợi trong dịch tễ học Covid-19, theo ông Kidong Park.

Bàn về cách chuẩn bị ứng phó với biến chủng Omicron, đại diện WHO đề xuất trước mắt Việt Nam cần tăng cường giám sát, bao gồm giải trình tự gene của các chủng SARS-CoV-2 đang lưu hành, gửi trình tự bộ gene đầy đủ cùng siêu dữ liệu liên quan đến cơ sở dữ liệu có sẵn công khai, như tổ chức Sáng kiến chia sẻ toàn bộ dữ liệu về cúm mùa (GISAID).

bien chung Omicron anh 2

Ông Kidong Park, đại diện WHO tại Việt Nam (trái) trong cuộc họp sáng ngày 30/11 với Bộ Y tế. Ảnh: Trần Minh.

Bên cạnh đó, ông nhận định việc đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 cao ở tất cả nhóm dân số đủ điều kiện tiêm chủng, kết hợp thực hiện các biện pháp 5K, là biện pháp hiệu quả nhất để cứu sống nhiều người trong đại dịch.

“Điều tối quan trọng là tất cả nhóm dễ bị tổn thương ở khắp mọi nơi, bao gồm nhân viên y tế và người cao tuổi, phải được tiêm chủng đầy đủ”, ông Park cho biết. “Việc tiêm đủ liều cơ bản đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giảm thiểu số ca mắc, tử vong và lây lan dịch bệnh, bao gồm cả với biến chủng Omicron”.

Theo ông, ở tất cả quốc gia, các trường hợp mắc và tử vong chủ yếu xảy ra ở những người chưa được tiêm chủng.

Vì vậy, dù đối mặt với biến chủng nào, dựa trên lời khuyên từ Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng (SAGE), vào ngày 25/10, WHO khuyến cáo những người có hệ miễn dịch bị suy giảm từ trung bình đến nặng nên được tiêm bổ sung một mũi vaccine ngừa Covid-19, như một phần của mũi tiêm cơ bản mở rộng.

Đây là những đối tượng ít có khả năng đáp ứng miễn dịch đầy đủ với liều vaccine chính cơ bản. Họ cũng có nhiều khả năng tiến triển bệnh nặng sau khi mắc Covid-19

Bên cạnh đó, ông Park khuyến nghị Việt Nam nên tiếp tục tăng cường năng lực y tế và sức khỏe cộng đồng, cùng với phối hợp tốt hệ thống chuyển tuyến bệnh nhân từ chăm sóc ban đầu đến chăm sóc đặc biệt, để quản lý sự gia tăng các ca bệnh.

Cuối cùng, công tác truyền thông với công chúng cần chính xác, kịp thời, và minh bạch để người dân đưa ra quyết định sáng suốt nhằm bảo vệ bản thân và gia đình.

bien chung Omicron anh 3

WHO khuyến cáo tất cả nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm nhân viên y tế và người già, phải được tiêm chủng đầy đủ. Ảnh: Duy Hiệu.

“WHO sẽ tiếp tục làm việc với Chính phủ Việt Nam để lập kế hoạch và chuyển đổi, hướng tới việc Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu, đồng thời học cách 'chung sống an toàn với virus' về lâu dài, ngay cả khi chúng ta chứng kiến những đợt bùng phát dịch mới trong tương lai”, ông Park chia sẻ.

“Điều này bao gồm tập trung bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương và tránh tình trạng vượt 'lằn ranh đỏ', khi các dịch vụ y tế bị quá tải’, ông nhấn mạnh thêm.

Lệnh cấm đi lại chỉ tạo gánh nặng sinh kế

Chia sẻ với Zing những đánh giá ban đầu về Omicron, ông Park chỉ ra 6 khía cạnh cần lưu ý ở biến chủng mới này.

Trước hết, về khả năng lây lan, vẫn chưa rõ rằng liệu biến chủng Omicron có dễ lây lan hơn so với Delta - biến chủng chiếm ưu thế hiện nay - hay không. “Sẽ mất một thời gian nữa trước khi chúng ta biết điều này”, ông Park cho hay.

Về mức độ nghiêm trọng của bệnh, hiện vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn nhiễm Omicron có gây ra bệnh nặng hơn so với nhiễm các biến chủng khác, bao gồm Delta, hay không. Tuy nhiên, theo ông Park, một số báo cáo ban đầu cho thấy biến chủng này có thể gây bệnh nhẹ hơn, nhưng vẫn còn quá sớm để nói chắc chắn bất cứ điều gì.

Về nguy cơ tái nhiễm, bằng chứng sơ bộ cho thấy Omicron có thể làm tăng nguy cơ tái nhiễm, tức những người từng mắc Covid-19 có thể bị tái nhiễm dễ dàng hơn với Omicron, so với các biến chủng đáng lo ngại khác. Tuy nhiên, thông tin về khía cạnh này vẫn còn hạn chế, dự kiến được làm sáng tỏ hơn trong những tuần tới.

Ngoài ra, ông Park cho biết WHO đang làm việc với các đối tác kỹ thuật để hiểu tác động tiềm tàng của biến chủng Omicron đối với vaccine. “Chúng tôi chưa có bằng chứng nào cho thấy sự thay đổi hiệu quả vaccine, nhưng chúng ta cần chuẩn bị cho tình huống đó”, ông Park chia sẻ.

bien chung Omicron anh 4

WHO đang làm việc với các đối tác kỹ thuật để hiểu tác động tiềm tàng của biến chủng Omicron đối với vaccine. Ảnh: Reuters.

Đại diện WHO cho biết các xét nghiệm PCR được sử dụng rộng rãi sẽ tiếp tục phát hiện các ca mắc, bao gồm cả với trường hợp nhiễm Omicron. Song song đó là quá trình nghiên cứu để xác định xem liệu biến chủng có bất kỳ ảnh hưởng nào đến các loại xét nghiệm khác, bao gồm xét nghiệm kháng nguyên nhanh, hay không.

Về các phương pháp điều trị hiện tại, Corticosteroid và thuốc ức chế thụ thể IL6 vẫn có hiệu quả trong điều trị bệnh nhân bị Covid-19 nặng.

“Các phương pháp điều trị khác sẽ được đánh giá để xem chúng có còn hiệu quả hay không trước những thay đổi ở một số bộ phận của virus trong biến chủng Omicron không”, ông Park thông tin thêm.

Trong khi Việt Nam chưa chính thức có động thái đóng cửa biên giới với các quốc gia xuất hiện biến chủng mới, nhiều nước trên thế giới có xu hướng siết chặt nhập cảnh và mở rộng biện pháp cách ly bắt buộc giữa lúc chạy đua giải mã biến chủng Omicron.

Theo đại diện WHO, các biện pháp kiểm soát biên giới có thể trì hoãn quá trình virus xâm nhập và câu giờ, nhưng mọi quốc gia và cộng đồng phải chuẩn bị cho những đợt tăng ca mắc Covid-19 mới.

“Các lệnh cấm đi lại sẽ không ngăn được sự lây lan toàn cầu của biến chủng Omicron. Chúng tạo ra gánh nặng cho cuộc sống và sinh kế”, ông Park nhận định.

“Dựa trên thông tin hiện tại, không có bằng chứng cho thấy biến chủng Omicron có thời gian ủ bệnh lâu hơn so với các trường hợp nhiễm chủng khác, bao gồm cả Delta”, ông nói thêm.

Quan chức WHO: Omicron có thể không gây triệu chứng nặng hơn

Tiến sĩ Michael Ryan, quan chức cao cấp tại WHO, nói chưa có dấu hiệu nào chứng minh Omicron gây triệu chứng nặng hơn các biến chủng trước cũng như khả năng "tránh" vaccine của nó.

Biến chủng Omicron lây lan nhanh nhưng có thể gây bệnh nhẹ hơn

Các nhà nghiên cứu ở Nam Phi cho biết bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron dường như có triệu chứng nhẹ hơn nhiều so với các chủng trước đây, mặc dù vẫn cần thêm nghiên cứu.

Minh An

Bạn có thể quan tâm