Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bốn cuốn sách ấn tượng của bác sĩ

“Khi hơi thở hóa thinh không” giúp ta nhìn rõ ranh giới giữa sự sống và cái chết. Trong khi đó, “Để yên cho bác sĩ hiền” phơi bày cuộc sống áp lực của người khoác áo blouse trắng.

Bằng kiến thức và trải nghiệm trong ngành y, nhiều bác sĩ đã đặt bút viết nên những cuốn sách cuốn hút. Đó không chỉ là ấn phẩm về y khoa, mà còn kể câu chuyện về cuộc sống.

Bac si anh 1

Sách Khi hơi thở hóa thinh không. Ảnh: Omega+.

Khi hơi thở hóa thinh không

Paul Kalanithi là bác sĩ phẫu thuật não tại Stanford, Mỹ. Anh cũng là nhà khoa học, đề tài nghiên cứu tiến sĩ về liệu pháp Gene đã giúp anh giành được giải thưởng nghiên cứu. Trước khi vào trường y, Paul đã có hai tấm bằng tại Đại học Stanford.

Năm 36 tuổi, khi đang ở đỉnh sự nghiệp, Paul Kalanithi được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn cuối. Paul Kalanithi đã viết cuốn hồi ký ghi lại cuộc đời mình từ thời trẻ với những sự kiện đưa anh tới quyết định trở thành bác sĩ, những ngày hành nghề y, và khi anh trở thành bệnh nhân. Anh qua đời vào tháng 3/2015.

Các trang viết được xuất bản thành sách Khi hơi thở hóa thinh không. Cuốn sách kể về trải nghiệm của một người khi đối mặt tử thần, cuộc đấu tranh đầy đau đớn mà kiên cường của vị bác sĩ.

Sách cũng đưa người đọc khám phá sự mong manh của ranh giới giữa sự sống và cái chết. Từ đó, người đọc nhận được ý nghĩa của cuộc sống, định hình ý nghĩa sự tồn tại trên cuộc đời. Niềm tin và tình yêu thương chính là thông điệp mà vị bác sĩ gửi lại trong cuốn sách.

Câu chuyện của bác sĩ trẻ đang ở đỉnh sự nghiệp, hạnh phúc đối mặt với cái chết đã thu hút nhiều độc giả trên thế giới. Khi hơi thở hóa thinh không là sách bán chạy tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Bac si anh 2

Sách Blouse trắng tim hồng. Ảnh: Quỳnh My.

Blouse trắng tim hồng của bác sĩ tại Congo

Denis Mukwege là bác sĩ tại Congo. Ông đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2018 vì “những nỗ lực trong việc chống lại sử dụng bạo lực tình dục như là một vũ khí chiến tranh”.

Trong nhiều năm, bác sĩ Denis Mukwege đã chữa bệnh cho hàng nghìn phụ nữ bị bạo lực tình dục trong bối cảnh xung đột ở phí Đông của Congo. Ông luôn đấu tranh cho những người phụ nữ thấp cổ bé họng ở nơi có nhiều kỳ thị giới, nghèo đói, lạc hậu. Ông cũng tố cáo tội ác có tính toán của những kẻ chủ ý gây xung đột, làm bại hoại đất nước, gây nên nỗi thống khổ cho phụ nữ nước mình.

Bác sĩ Denis Mukwege cho biết không dễ dàng nhìn thấy bạo lực tình dục, vấn nạn này thường xảy ra một cách kín đáo, tại những nơi hẻo lánh, trong bóng tối. Nạn nhân là phụ nữ ở bất kể độ tuổi nào, từ bé gái 3 tuổi đến những người phụ nữ trẻ, những người mẹ, người bà. Họ đến bệnh viện với vết thương khó phục hồi, có thể liệt cơ thể, hoặc mất đi mạng sống…

Cuốn tự truyện Blouse trắng tim hồng của Denis Mukwege do Berthild Akerlund chấp bút. Sách kể về hành trình nhân ái của vị bác sĩ ở nơi còn nhiều bất công, bạo lực, lạc hậu.

Bac si anh 3

Sách Gen - Lịch sử và tương lai của nhân loại. Ảnh: Ngọc Hiền.

Câu chuyện về tương lai của gen

Siddhartha Mukherjee là một bác sĩ, nhà nghiên cứu Mỹ gốc Ấn Độ. Cuốn Gen - Lịch sử và tương lai của nhân loại của ông là câu chuyện về sự sinh thành, phát triển và tương lai của gen - đơn vị cơ bản của di truyền mà tác giả cho là một trong những ý niệm có sức tác động nguy hiểm và lợi hại nhất trong lịch sử khoa học.

Song song với câu chuyện lịch sử của gen là lịch sử của nhân loại. Gen đã mê hoặc các nhà cải cách Anh và Mỹ, những người nuôi hy vọng thao túng di truyền học người để tăng tốc quá trình tiến hóa và giải phóng nhân loại. Ý niệm này lên đến đỉnh điểm ghê rợn ở Đức thời Quốc xã vào những năm 1940 với những thí nghiệm dị hợm.

Cuốn sách cũng thể hiện trăn trở của Mukherjee về một thế giới mà ông gọi là thế giới “hậu gen”: Nhân loại sẽ trở nên thế nào khi chúng ta học được cách “đọc” và “viết” thông tin di truyền của chính chúng ta?

Bản dịch cuốn sách đã đoạt giải C Giải thưởng Sách Quốc gia 2020.

Bac si anh 4

Sách Để yên cho bác sĩ hiền. Ảnh: FB Nhã Nam.

Âm thầm giành giật sự sống từ tay tử thần

Năm 2018, một cuốn sách kể những chuyện về bệnh viện, nghề y, thuốc thang, những mẩu nhỏ trong cuộc sống của một tác giả Việt bất ngờ tạo cơn sốt. Tác giả sách là Hùng Ngô (Ngô Đức Hùng, sinh năm 1981) - bác sĩ tại bệnh viện Bạch Mai.

Những câu chuyện nghề, chuyện đời, những bàn luận về các vấn đề nóng liên quan ngành y được viết với văn phong duyên dáng, dí dỏm. Bởi vậy, anh được bạn đọc trìu mến đặt cho biệt danh “bác sĩ đanh đá nhất vịnh Bắc Bộ”.

Những câu chuyện của bác sĩ Hùng Ngô, ngoài việc tạo tiếng cười, còn có tác dụng kéo nhiều người ra khỏi những quan niệm u mê, sai lầm trong hành trình bảo vệ sức khỏe.

Đằng sau những trang viết hài hước, bạn đọc còn cảm nhận những áp lực, gian khổ của nghề y. Sách giúp ta hiểu về những con người đang thầm lặng chiến đấu, giành giật sự sống từ bàn tay tử thần.

Ban đầu, đơn vị phát hành định in 3.000 bản Để yên cho bác sĩ hiền. Nhưng đơn đặt sách nhiều nên lượng sách phát hành tăng lên 6.000 bản. Sau đó, cuốn sách trở thành hiện tượng xuất bản.

'Không có nghề nào tuyệt vời hơn nghề y'

Nghề bác sĩ vất vả về mặt thời gian, tổn hao nhiều năng lượng và cảm xúc. Thế nhưng, trên thế gian này, không có nghề nào tuyệt vời hơn nghề y.

Khuon mat sau khau trang hinh anh

Khuôn mặt sau khẩu trang

0

“Những mặt người sau khẩu trang” là bài thơ xúc động của Nguyễn Quang Hưng. Trong những ngày nhân loại đang lo âu về dịch bệnh này, ta hiểu và cảm ơn những “người chiến sĩ áo trắng"

Y Nguyên

Bạn có thể quan tâm