Chỉ còn vài tuần nữa là đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11, Tổng thống Biden và đảng Dân chủ đang bị ám ảnh bởi 4 chữ cái: OPEC, theo CNN.
Tuần trước, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được dẫn dắt bởi Saudi Arabia, cho biết họ sẽ cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu/ngày, mức cắt giảm lớn nhất kể từ đầu đại dịch Covid-19. Động thái này có nguy cơ đẩy giá xăng lên cao hơn chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ.
Nhóm này đã công bố việc cắt giảm sản lượng sau cuộc họp trực tiếp đầu tiên kể từ tháng 3/2020. Mức giảm tương đương với khoảng 2% nhu cầu dầu toàn cầu.
Chính quyền ông Biden đã chỉ trích quyết định này, gọi nó là "thiển cận". Họ cho rằng nó gây hại cho một số quốc gia vốn đang phải vật lộn với giá năng lượng tăng cao.
Quyết định đó dường như đánh dấu sự kết thúc cho vài năm nỗ lực xây dựng mối quan hệ nồng ấm hơn giữa OPEC và Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, theo Wall Street Journal.
“Chúng ta đang quay trở lại thời kỳ thù địch kéo dài giữa OPEC và Mỹ. Việc cắt giảm sản lượng ở quy mô này, khi lạm phát đang tàn phá tăng trưởng toàn cầu và châu Âu đang vật lộn để tiếp cận nguồn cung thay thế dầu Nga, là một lời tuyên chiến về kinh tế và ngoại giao”, David Goldwyn, cựu đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định.
Nỗ lực ngăn OPEC+ cắt giảm sản lượng
Khi sản lượng dầu của Mỹ tăng trong thập kỷ qua, họ nổi lên như một nhà xuất khẩu lớn. Điều đó thay đổi động lực của mối quan hệ Mỹ - OPEC vì cả hai bên đều có vị thế trong một thị trường dầu ổn định.
Việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ bắt đầu vào tháng 11. Bên cạnh đó, tổ chức này sẽ nhóm họp lại vào tháng 12.
Các bể chứa dầu thô, xăng, dầu diesel và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế khác tại một nhà máy lọc dầu ở Mỹ vào ngày 11/3. Ảnh: Reuters. |
Saudi Arabia cho biết ưu tiên của OPEC là "duy trì thị trường dầu bền vững", nhưng động thái này đã vấp phải sự chỉ trích nhanh chóng từ Washington, nhận định điều này sẽ gây tổn hại đến kinh tế toàn cầu.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN, giáo sư Hossein Askari, tại trường Kinh doanh thuộc Đại học George Washington, nhận định khi xung đột ở Ukraine nổ ra, “Mỹ có thể đã không chuẩn bị tốt cho những gì họ sẽ làm”.
Mỹ đã trừng phạt Nga vì nhiều lý do, khiến giá dầu bắt đầu tăng. Cùng lúc đó, họ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ Nga, qua đó khiến lượng dầu của nước này ở các thị trường phương Tây ít hơn. Một lý do khác khiến tình trạng thiếu hụt gia tăng là do Mỹ đã trừng phạt Venezuela trong nhiều năm, ông cho biết.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo trên thực tế của Saudi Arabia, Thái tử Mohammed bin Salman, lại có một mối quan hệ nồng ấm hơn với Nga. Cuối cùng, ông đã đồng ý cùng với OPEC+ cắt giảm sản lượng, mặc dù từng gặp ông Biden để thảo luận về nguồn cung dầu mỏ, vị giáo sư cho biết.
Nhiều nguồn tin của Reuters cho biết Nhà Trắng đã nỗ lực ngăn chặn việc việc OPEC cắt giảm sản lượng. Ông Biden hy vọng sẽ giữ cho giá xăng Mỹ không tăng vọt trở lại trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, trong đó đảng Dân chủ đang vật lộn để duy trì quyền kiểm soát Quốc hội Mỹ.
Bên cạnh đó, Washington cũng muốn hạn chế nguồn thu năng lượng của Nga. Tuy nhiên, các quan chức chính quyền Mỹ đã thất bại trong việc ngăn chặn OPEC+ cắt giảm sản lượng.
Ông Askari dự đoán rằng từ mức giá hiện tại, dầu thô vào cuối năm có thể tăng thêm 5 USD/thùng.
“Nhiều người hiện nghĩ rằng chúng sẽ tăng nhiều hơn thế. Tôi không tin điều đó, bởi tôi nghĩ nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ít hơn và sẽ chứng kiến một số lượng dầu của Venezuela được tung ra thị trường”, ông nói. Bên cạnh đó, ông cũng tin Mỹ sẽ đạt được một số thỏa thuận liên quan đến dầu Iran.
Tiến thoái lưỡng nan
Tổng thống Biden và các đảng viên Dân chủ khác đang xem xét một loạt hành động để giảm bớt tác động của quyết định OPEC+ cắt giảm sản lượng, song không có lựa chọn nào có vẻ hấp dẫn.
Theo giáo sư Askari, Mỹ nên cứng rắn hơn với Saudi Arabia vì “đã lùi bước để đáp ứng họ về mọi mặt”. “Họ đã rất cứng rắn với chúng tôi. Tôi nghĩ tổng thống Mỹ nên cứng rắn với Saudi Arabia”, ông nói.
Bên cạnh đó, ông cho rằng chính quyền Tổng thống Biden cũng nên thắt chặt mối quan hệ hợp tác với các công ty dầu mỏ và năng lượng Mỹ.
Tổng thống Biden và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tham dự hội nghị thượng đỉnh Ả Rập vào ngày 16/7. Ảnh: Reuters. |
Theo Politico, Nhà Trắng và các nhà lãnh đạo Quốc hội đang xem xét đến một số phản ứng để bảo vệ người tiêu dùng Mỹ.
Điều đó bao gồm nỗ lực giành quyền kiểm soát thị trường khỏi OPEC, hạn chế các công ty Mỹ xuất khẩu năng lượng hay nới lỏng biện pháp trừng phạt đối với những quốc gia sản xuất dầu “không thân thiện”. Song mỗi biện pháp đều chứa những mặt trái tiềm ẩn đối với lợi ích của Mỹ.
"Có rất nhiều lựa chọn thay thế và chúng tôi vẫn chưa quyết định", ông Biden phát biểu trước báo giới hôm 6/10.
Hiện tại, Nhà Trắng đang cam kết làm việc với Quốc hội Mỹ về một dự luật cho phép nước này kiện OPEC+ vì vi phạm chống độc quyền. Đây là bước đi mà các nhà lập pháp đã đe dọa trước đây, nhưng chính quyền ông Biden đã thận trọng về điều đó.
“Đây thực sự là lần đầu tiên chúng tôi có một tổng thống ủng hộ điều đó, với một Quốc hội dường như cũng ủng hộ”, Kevin Book, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu ClearView Energy Partners, cho biết.
Ngoài ra, Thượng nghị sĩ Bob Menendez, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, hôm 10/10 đã kêu gọi Washington đóng băng mọi hợp tác với Saudi Arabia sau quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+.
“Mỹ phải ngay lập tức đóng băng tất cả khía cạnh hợp tác với Saudi Arabia, bao gồm bất kỳ thương vụ mua bán vũ khí và hợp tác an ninh nào vượt quá mức thực sự cần thiết để bảo vệ nhân sự và lợi ích của Mỹ”, ông nói.