Cái cụng tay gây chú ý giữa Tổng thống Joe Biden và Thái tử Mohammed bin Salman. Ảnh: AP. |
Việc Saudi Arabia hôm 5/10 quyết định cùng đối tác trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+) cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày một lần nữa khơi mào phản đối nhắm vào chuyến thăm vương quốc này của Tổng thống Biden diễn ra cách đây 3 tháng.
Dù bị phản đối ngay từ đầu, chuyến thăm tháng 7 vẫn được hy vọng có thể giúp cải thiện quan hệ Mỹ - Saudi trên nhiều lĩnh vực, trong đó có vấn đề nguồn cung dầu mỏ. Nhưng chuyến thăm tới nay có vẻ đã không mang lại thành công lớn.
Một số quan chức chính quyền ông Biden cho rằng quyết định của OPEC+ đã trực tiếp tác động tiêu cực với tổng thống và có thể gián tiếp ảnh hưởng tới vị thế của đảng Dân chủ ngay trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11.
Họ hiện phải gấp rút tìm cách phản ứng trước nguy cơ giá dầu thế giới tăng mạnh. Nếu nguy cơ ấy thành hiện thực, đây sẽ là thách thức lớn cho nền kinh tế Mỹ và châu Âu, đồng thời tiếp thêm sức mạnh cho đảng Cộng hòa trên vấn đề lạm phát.
Cái cụng tay thiện chí
Từ trước khi ông Biden bay tới Trung Đông hồi tháng 7, các phụ tá Nhà Trắng đã biết chuyến đi sẽ nhận được nhiều cái lắc đầu và bị nhiều ánh mắt dò xét.
Nguyên nhân là khi tranh cử tổng thống, ông Biden từng hứa sẽ khiến hoàng gia Saudi Arabia bị bài xích toàn cầu do hàng loạt cáo buộc vi phạm nhân quyền, bao gồm vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi của Washington Post.
Nhà máy dầu tại cảng biển Ras Tanura ở Saudi Arabia. Ảnh: New York Times. |
Theo tình báo Mỹ, Thái tử Mohammed bin Salman - nhà lãnh đạo trên thực tế của Saudi Arabia - đã chấp thuận vụ ám sát này. Vị thái tử bác bỏ cáo buộc.
Dù vậy, ý tưởng về chuyến thăm Saudi Arabia dần nhận được sự ủng hộ trong nội bộ Nhà Trắng vào tháng 9/2021. Đó không chỉ là lúc giá dầu thế giới tăng mà còn là thời điểm Saudi Arabia và UAE cùng từ chối khi Mỹ đề nghị tăng sản lượng dầu, Washington Post dẫn các nguồn thạo tin.
Nhưng khoảnh khắc khiến Nhà Trắng quyết định xích lại gần hơn với Saudi Arabia đã đến vào ngày 24/2, khi xung đột bùng nổ tại Ukraine khiến giá năng lượng tăng vọt.
Sau khi tới Saudi Arabia, ông Biden đã có cái cụng tay thiện chí với Thái tử bin Salman nhằm đánh dấu sự rã băng quan hệ, dù nụ cười trên môi hai người nhanh chóng tan biến sau đó.
Giới chỉ trích lên án việc ông Biden có tiếp xúc với vị thái tử Saudi Arabia - người bị cáo buộc ngược đãi người bất đồng chính kiến.
Kể cả “không muốn dùng gậy với Thái tử bin Salman, bạn cũng đừng có cho không cà rốt như vậy”, Khalid al Jabri - con trai ông Saad al Jabri - cựu Quốc vụ khanh của Saudi Arabia - nói hôm 6/10, theo AP. Hai cha con hiện sống lưu vong.
Theo AP, từ sau chuyến thăm của ông Biden, Saudi Arabia đã có một vài động thái có lợi cho Mỹ.
Chuyến thăm của ông Biden sẽ củng cố vị thế của Thái tử Mohammed. Ảnh: New York Times. |
Chẳng hạn, Saudi Arabia là một trong những bên trung gian giúp 2 công dân Mỹ và công dân các nước khác được Nga trả tự do sau khi bị bắt sống trong lúc chiến đấu cho Ukraine. OPEC+ cũng tăng nhẹ sản lượng dầu ít lâu sau chuyến đi.
Tuy nhiên, quyết định cắt giảm sản lượng đã xóa sổ những bước tiến trước đó. Giới phân tích cho rằng chính Saudi Arabia cũng đang gặp sức ép tài chính vì giá dầu đã giảm xuống gần 80 USD/thùng trong khoảng 2 tuần vào tháng 9.
Đồng minh cũng lên tiếng
Việc cắt giảm sản lượng ngay trước cuộc bầu cử tạo ra vấn đề cho ông Biden - người từng tự hào tuyên bố giá khí đốt đã giảm vào mùa hè vừa qua. Những ngày gần đây, giá khí đốt trung bình đang tăng trở lại trên khắp nước Mỹ, CNN dẫn lời Hiệp hội Ôtô Mỹ.
Một quan chức Nhà Trắng gọi quyết định của OPEC+ là “thảm họa”. Một người khác nói quan chức chính quyền Mỹ xem đó là lời khiêu khích có chủ ý nhằm tăng khả năng đảng Cộng hòa thắng thế trong bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Một số quan chức khác lại cho biết họ không thấy có ác ý trong quyết định của Saudi Arabia. Nhưng họ vẫn cho rằng đó là cách làm thiển cận để tối ưu hóa lợi nhuận dầu mỏ, bất chấp hậu quả địa chính trị và kinh tế.
Hôm 6/10, ông Biden khẳng định quyết định của OPEC+ đáng thất vọng nhưng không làm giảm bớt ý nghĩa mục đích chuyến đi của ông hồi tháng 7.
“Chuyến đi ấy không hẳn là về dầu mỏ. Chuyến đi ấy là về Trung Đông, về Israel và để làm rõ các lập trường”, vị tổng thống Mỹ nói với phóng viên. “Nhưng nó vẫn rất đáng thất vọng”.
Ông Biden khẳng định quyết định của OPEC+ đáng thất vọng nhưng không làm giảm bớt ý nghĩa mục đích chuyến đi hồi tháng 7. Ảnh: Bloomberg. |
Bà Adrienne Watson, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết các cố vấn của ông Biden đều đã tán thành tổ chức chuyến thăm Saudi Arabia hồi tháng 7 để “thúc đẩy lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ”.
Nhưng điều này không thể xoa dịu tiếng nói chỉ trích chính quyền Saudi.
“Bất cứ ai cho rằng chuyến đi này là một cơ hội tốt sẽ phải mất rất nhiều thời gian để biện minh cho lý lẽ của mình”, Dean Baker, một đồng minh của Nhà Trắng và nhà kinh tế học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (CEPR), nói.
Ngay cả đảng viên Dân chủ cũng lên tiếng. Một số người từ trước đã nghi ngờ quan hệ Mỹ - Saudi, nay lại có dịp chỉ trích chuyến đi tháng 7 sau quyết định của OPEC+.
“Đã đến lúc cần đánh giá lại toàn diện liên minh Mỹ - Saudi”, Thượng nghị sĩ Chris Murphy của đảng Dân chủ, Chủ tịch tiểu ban đối ngoại về Trung Đông của Thượng viện Mỹ, nói với CNBC.
Một phụ tá quốc hội của đảng Dân chủ cho biết: “Chuyến đi này từng được đưa ra tranh luận nảy lửa trong nội bộ chính quyền. Nhưng lúc này tôi không biết là có ai còn có thể nói rằng chuyến đi ấy không phải một sai lầm nữa hay không”.