Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bom H hay chấn động của sự thất bại

Mỗi khi bị chệch ra ngoài ánh hào quang, những đạo diễn và diễn viên Hollywood luôn tìm cách kéo ánh sáng sân khấu trở lại với mình. Triều Tiên dường như cũng không thua kém.

Không phải đợi đến ngày 6/1/2016, giới lãnh đạo Bình Nhưỡng mới cho thế giới thấy khả năng gây sốc của họ bằng việc thông báo thử thành công bom nhiệt hạch. 

Ngay từ cuối năm 2015, ông Kim Jong Un đã tuyên bố với thế giới rằng Triều Tiên đang nắm giữ thứ vũ khí huỷ diệt khủng khiếp này.

Chấn động

Tuy nhiên, sự kiện ngày 6/1 đã tạo ra một chấn động lớn, không chỉ bởi trận động đất 5,1 độ Richter trên mặt đất, mà còn trong tâm lý lo lắng của các nước láng giềng như Hàn Quốc hay Nhật Bản. Tính chấn động còn trong những tuyên bố gay gắt của cộng đồng thế giới, của các cường quốc, trong đó có người láng giềng - đồng minh duy nhất của Bình Nhưỡng: Trung Quốc.

Phản ứng trước sự kiện này, từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đến Mỹ, Pháp hay các cường quốc khác đều coi hành động của Triều Tiên là một sự vi phạm nghiêm trọng các thỏa thuận quốc tế.

Không phải vô cớ mà Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân vào thời điểm này. Truyền thông nước này coi vụ nổ là âm thanh hùng vĩ chào mừng ngày sinh nhật của lãnh đạo Kim Jong Un và Đại hội đảng Lao động Triều Tiên lần đầu tiên sau 35 năm. Thậm chí họ còn triệu hồi cả phát thanh viên 77 tuổi đã về hưu để hân hoan thông báo sự kiện.

Còn nhớ, lần thử hạt nhân đầu tiên của nước này diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm sinh nhật của lãnh tụ Kim Jong Il và cũng đúng 1 năm sau vòng đàm phán sáu bên lần thứ 5 thất bại.

Việc Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân đã trở thành kịch bản lặp lại nhiều lần và là một thứ đòn phép ngoại giao của nước này trong quan hệ với thế giới, đặc biệt là với Mỹ và đồng minh của họ là Hàn Quốc và Nhật Bản. Vụ thử lần này cũng không phải ngoại lệ.

Suốt 2 năm qua, kể từ sau vụ thử năm 2013, Triều Tiên không còn là tâm điểm của sự quan tâm của thế giới và khu vực, cũng như của các đối thủ của chính Bình Nhưỡng.

Tâm điểm của thế giới và của Mỹ trong những năm qua là Ukraine, Syria, IS và Biển Đông chứ không phải là sự kiện thành lập nhóm nhạc Moranbong hay việc vũ đoàn này hủy chuyến lưu diễn ồn ào ở Trung Quốc.

Trung Quốc cũng không thể quan tâm nhiều hơn đến Bình Nhưỡng khi mà toan tính của họ đang nằm ở Biển Đông, biển Hoa Đông, trong tranh chấp biển đảo với các nước láng giềng và cạnh tranh với Mỹ, ở cuộc chiến “đả hổ diệt ruồi” trong nước hay ở những nỗ lực ngày càng khó khăn trong việc duy trì nền kinh tế đang dần nguội.

Mỗi khi bị chệch ra ngoài “ánh hào quang”, các đạo diễn và diễn viên tài ba ở Hollywood luôn tìm cách kéo ánh sáng sân khấu trở lại với mình và cách làm của Triều Tiên lần này chứng tỏ họ không hề kém cạnh giới showbiz.

Nhưng Bình Nhưỡng chắc chắn không chỉ muốn có vậy.

Ảnh vệ tinh chụp bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. Ảnh: 38 North

Giữa cảm giác bị “bỏ rơi” bởi sự chú ý của quốc tế bủa vây, giữa những khó khăn kinh tế vẫn chất chồng, việc tạo ra một chấn động để kéo các bên vào giải quyết vẫn luôn là một lựa chọn của quốc gia này. Những gì diễn ra sau các cuộc khủng hoảng năm 1993-1994, 1998, 2003, 2006 rồi 2009 và gần đây nhất năm 2013 là những minh chứng rõ ràng nhất trong cách tiếp cận này của Bình Nhưỡng.

Vũ khí hạt nhân, hay đơn giản chỉ là vụ thử hạt nhân (dù thành công hay thất bại) không chỉ là bảo chứng cho chủ quyền quốc gia, cho sức mạnh hay sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế đối với chính thể. Đó còn là công cụ ngoại giao duy nhất mà CHDCND Triều Tiên có được trong quan hệ với thế giới khi mà nước này đang là một trong số hiếm hoi các ví dụ của sự cô lập và “tự cô lập” trong thế giới ngày càng trở nên toàn cầu hóa và phụ thuộc lẫn nhau.

Thất bại

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận vụ việc dưới một góc độ khác thì có lẽ từ thất bại sẽ là từ chính xác nhất có thể được dùng để chỉ ra bản chất của sự kiện.

Thất bại đầu tiên là thất bại của Triều Tiên, của chính quyền Bình Nhưỡng. Rồi sẽ có những thông tin kiểm chứng được liệu vụ nổ có phải là một phản ứng hợp hạch cho phép thử nghiệm bom H như truyền thông nước này tuyên bố hay không.

Ở góc độ đối ngoại, vụ việc cũng thể hiện sự thất bại của chính quyền Bình Nhưỡng trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế của mình thông qua con đường đối thoại. Bằng việc sử dụng đến con bài duy nhất và cuối cùng, con bài có giá trị đe doạ nhiều hơn là sử dụng, tức vấn đề hạt nhân. Bình Nhưỡng đã bộc lộ rõ sự bất lực trong việc lôi kéo sự quan tâm, chú ý của cộng đồng quốc tế với những vấn đề khó khăn mà họ đang phải đối phó.

Ở góc độ kinh tế, khác với nhiều quốc gia ở Đông Á, trong suốt thời kỳ hậu chiến tranh Lạnh, Triều Tiên đã thất bại hoàn toàn trong việc mở cửa, hội nhập với thế giới toàn cầu hoá để phát triển. Từ mức phát triển vượt trên Hàn Quốc trong những năm 60 của thế kỷ trước, ngày nay Triều Tiên chìm sâu trong khủng hoảng, trì trệ cho dù đã có những cố gắng nhỏ nhoi chấp nhận cuộc chơi mới của kinh tế thị trường.

Cả ở hai góc độ xem xét này, việc Triều Tiên tiến hành vụ nổ hôm 6/1 đồng nghĩa với việc ngày càng tự biến mình thành nước đứng ngoài những cuộc chơi và luật chơi chung của thế giới.

Người dân Hàn Quốc theo dõi tin tức về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên ngày 6/1. Ảnh:

TIME

Thất bại thứ hai phải kể đến là thất bại của Hàn Quốc, người anh em sinh đôi – anh em kẻ thù - của Triều Tiên.

Vụ thử hạt nhân đầu tiên của Bình Nhưỡng năm 2006 là dấu chấm hết cho những nỗ lực hoà bình của Tổng thống Kim Dea Jung, người đã được nhận giải Nobel Hoà bình nhờ vào chính sách “Ánh Dương” hướng tới người anh em phương bắc. Vụ thử lần này là chỉ dấu cho thấy các nỗ lực lôi kéo Bình Nhưỡng theo con đường hội nhập và hợp tác đã không được tiếp tục, hay không tìm được cách thức tiếp tục một cách hiệu quả nhất bởi những người kế nhiệm.

Thất bại này cũng sẽ đẩy lùi xa hơn nữa của viễn cảnh một bán đảo Triều Tiên thống nhất.

Thất bại tiếp theo phải kể đến là thất bại của Trung Quốc, láng giềng vốn được xem là đồng minh và nhà bảo trợ cho Triều Tiên kể từ sau cuộc chiến năm 1950. Về mặt lý thuyết, Trung Quốc hoàn toàn có thể tác động đến thái độ của Bình nhưỡng khi mà gần một nửa trợ giúp lương thực cho nước này đến từ Trung Quốc. Thêm vào đó là những trợ giúp về nguyên liệu, năng lượng thông qua hàng chục các cửa khẩu biên giới.

Nhìn lại toàn bộ tiến trình đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, người ta có thể dễ dàng nhận thấy ngoại giao Trung Quốc đã hết sức khéo léo khi đưa Trung Quốc trở thành bên đối tác không thể thiếu cho một giải pháp ở bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc là kênh duy nhất tiếp xúc với Bình Nhưỡng và dường như là tiếng nói duy nhất có trọng lượng đối với chính phủ này.

Thực tế là từ lần thử hạt nhân đầu tiên năm 2006, Trung Quốc đã mất dần khả năng tác động lên Bình Nhưỡng. Những diễn biến trong nội bộ Triều Tiên kể từ khi nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un lên nắm quyền càng chứng tỏ sự rạn nứt giữa họ.

Vụ thử hôm 6/1 diễn ra gần một tháng sau vụ ban nhạc Moranbong huỷ chuyến lưu diễn tại Trung Quốc do bất đồng với nước chủ nhà về một phân đoạn phô trương sức mạnh tấn công của Triều Tiên.

Và cuối cùng, sau Myanmar, hành động của Bình Nhưỡng lần này cũng cho thấy, dù lớn mạnh, dù là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và dù là cường quốc thì Trung Quốc cũng không dễ dàng có được đồng minh và càng khó hơn nếu muốn đồng minh chấp nhận đứng sau cái bóng của mình.

Cũng không thể không nói đến thất bại của Mỹ trong vụ việc này. Việc ông Obama được trao giải Nobel Hoà bình năm 2009 đã là động cơ để Mỹ thúc đẩy rút quân khỏi Afghanistan và Iraq, bình thường hoá quan hệ với Cuba, đạt được thoả thuận với Iran về vấn đề hạt nhân… Nhưng 7 năm qua, chính quyền của ông không đạt được tiến bộ gì trong hồ sơ hạt nhân Triều Tiên bởi cách tiếp cận của Mỹ với hồ sơ này kể từ chính quyền Tổng thống Bush đã đẩy các cuộc đàm phán sáu bên đã đi vào bế tắc hoàn toàn.

Việc Mỹ chấm dứt chương trình KEDO trợ giúp Triều Tiên xây dựng những lò phản ứng hạt nhân hoà bình (2006), đưa Bình Nhưỡng và cái gọi là Trục Ma quỷ và kiên định từ chối mọi tiếp xúc trực tiếp với chính phủ của ông Kim Jong Il đã làm cho mọi nỗ lực của Hàn Quốc nhằm tiếp tục triển khai chính sách “Ánh Dương” trở nên vô nghĩa.

Năm 2012, Mỹ loại Bình Nhưỡng khỏi danh sách Trục Ma quỷ với kỳ vọng thúc đẩy cải cách ở nước này, thúc đẩy nước này từ bỏ các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân và ngồi vào bàn đàm phán đa phương. Câu trả lời của Triều Tiên năm 2013 và 2016 cho thấy việc kéo Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán không hề dễ dàng như cách mà ông Obama nhận được giải Nobel Hoà bình ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên.

Và càng khó thuyết phục Bình Nhưỡng hơn nữa khi mà những hành động của Mỹ ở Iraq dưới thời Tổng thống G. W. Bush, ở Lybia và Syria dưới thời ông Obama đã xác quyết cho nhà lãnh đạo ở Bình Nhưỡng rằng trang bị cho mình vũ khí hạt nhân là cách tốt nhất không bị kẻ thù tấn công.

Sau cùng là thất bại cho cộng đồng quốc tế. Triều Tiên đang ngày càng trở nên cô lập, chìm trong khó khăn kinh tế cho dù các nỗ lực nhằm đưa đất nước này vào quỹ đạo chung của thế giới.

Trước những thất bại này, sẽ quá dễ để nói “trừng phạt” vì bản thân “trừng phạt” đã là biểu hiện của bất lực, của thất bại.

Và hơn thế nữa, trừng phạt sẽ không làm tổn hại đến những đạo diễn tài ba của vụ nổ hôm 6/1 mà chủ yếu đến hàng triệu người dân Triều Tiên.

Triều Tiên qua mặt Trung Quốc khi thử hạt nhân

Việc Trung Quốc ngày 6/1 kiên quyết phản đối Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân và triệu tập đại sứ nước này để bày tỏ sự không hài lòng cho thấy vết nứt mới trong quan hệ 2 nước.

Lý do Triều Tiên muốn sở hữu bom H

Triều Tiên tuyên bố họ vừa thử nghiệm thành công một quả bom H, hay còn gọi là bom hydrogen. Nếu đúng, đây sẽ là thành tựu vượt trội của Bình Nhưỡng trong lĩnh vực bom hạt nhân.

Vũ Đoàn Kết

(Giảng viên Đại học Ngoại giao)

Bạn có thể quan tâm