Các nhà lãnh đạo thế giới không có nhiều lựa chọn hợp lý để phản ứng trước vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh: The Guardian |
Mike Chinoy, tác giả của cuốn Meltdown: The Inside Story of the North Korean Nuclear Crisis (Sự sụp đổ: Câu chuyện bí mật của khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên), nói rằng tăng cường khả năng tấn công hạt nhân là một trong chủ trương lớn của Triều Tiên dưới thời Kim Jong Un.
“Tôi nghĩ thông báo về vụ thử hạt nhân lại phát một thông điệp: Triều Tiên là một cường quốc mà các nước phải quan tâm. Họ muốn phần còn lại của thế giới phải nhìn nhận họ một cách nghiêm túc”, Chinoy phát biểu.
Tại sao Triều Tiên thử bom hạt nhân lúc này?
Giới truyền thông Triều Tiên từng công bố một thư mà Kim Jong Un ký. Trong thư, nhà lãnh đạo trẻ viết rằng ông muốn đón năm mới bằng một tiếng nổ.
"Để chào đón 2016 - năm của vinh quang và thắng lợi, cũng là năm Đại hội lần thứ 7 của đảng Lao động diễn ra, chúng ta sẽ mở đầu năm mới bằng tiếng nổ của quả bom nhiệt hạch đầu tiên, để thế giới phải ngước nhìn đất nước và đảng Lao động", CNN dẫn một phần nội dung của thư.
Điểm đặc biệt của bom nhiệt hạch là gì?
Bom nhiệt hạch (hay bom khinh khí) là loại vũ khí mạnh hơn tất cả những thứ mà Triều Tiên từng thử nghiệm.
Trong những vụ thử trước đây, Bình Nhưỡng sử dụng bom phân hạch, loại vũ khí mà năng lượng phát sinh từ phản ứng phân hạch (những hạt nhân lớn như Plutonium phân rã thành những hạt nhân nhỏ hơn và các sản phẩm phụ khác). Bom phân hạch có khả năng hủy diệt lớn, giống như những quả bom nguyên tử từng tàn phá hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản trong năm 1945.
Người dân Triều Tiên xem chương trình thời sự trên màn hình lớn bên ngoài một nhà ga tàu hỏa ở thủ đô Bình Nhưỡng hôm 6/1. Ảnh: KCNA |
Năng lượng của bom nhiệt hạch phát sinh do phản ứng hợp hạch, nghĩa là các hạt nhân cỡ nhỏ - như hydro – kết hợp với nhau để tạo thành hạt nhân lớn hơn. Để có thể kết hợp và tạo ra phản ứng hợp hạch, các hạt nhân cần năng lượng cực lớn. Nguồn năng lượng ấy nằm ngay bên trong lõi của bom hạt nhân.
Vì vậy, về cơ bản, bom nhiệt hạch gây nên hai tiếng nổ riêng biệt.
Triều Tiên có bom nhiệt hạch không?
Một số nhà phân tích nhận định rằng, rất có thể Triều Tiên chưa có bom nhiệt hạch.
“Dường như Triều Tiên từng vật lộn với việc nắm bắt những kỹ thuật cơ bản nhất của bom phân hạch”, Bruce Bennett, một nhà phân tích quốc phòng cấp cao của tổ chức Rand, từng nói như vậy vào tháng trước.
Bennett trả lời phỏng vấn của CNN ngay sau khi Kim Jong Un tuyên bố hồi tháng 12/2015 rằng Triều Tiên đã trở thành một cường quốc hạt nhân với bom nhiệt hạch.
“Với tình hình thực tế hiện nay, rất có thể tuyên bố của Kim Jong Un không đúng. Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên đối với những người đã quá hiểu chiêu trò hăm dọa của Triều Tiên”, Bennett nhận xét.
Nhà Trắng thừa nhận họ cần vài ngày để xác nhận liệu Triều Tiên đã thử thành công bom nhiệt hạch hay không.
Nếu không phải bom nhiệt hạch, Triều Tiên có thể dùng bom gì?
Rất có thể Triều Tiên có bom phân hạch gia tăng, loại bom sử dụng phản ứng phân hạch nhỏ để thúc đẩy phản ứng hợp hạch, nhưng đó không phải là bom nhiệt hạch.
Mặc dù vậy, bom phân hạch gia tăng cũng có thể gây nên tình trạng hủy diệt nghiêm trọng.
“Nếu Triều Tiên thực sự sở hữu một bom phân hạch gia tăng với sức công phá khoảng 50 kiloton, nó có thể gây tổn thất lớn đối với một thành phố đông đúc như Seoul. Khoảng 250.000 người có thể chết bởi một quả bom như thế”, Bennett lập luận.
Sức công phá của một megaton tương đương một triệu tấn thuốc nổ TNT.
Các nước gần Triều Tiên nên lo lắng hay không?
Giới phân tích tin rằng có thể Triều Tiên đã tìm ra kỹ thuật lắp đầu đạn hạt nhân lên những loại tên lửa có khả năng bay tới Hàn Quốc hay Nhật Bản.
David Albright, một cựu thanh tra vũ khí hạt nhân của Liên Hợp Quốc, nói với CNN vào năm ngoái rằng Bình Nhưỡng có thể sở hữu 10 tới 15 vũ khí hạt nhân và họ có thể chế tạo thêm nhiều nữa mỗi năm. Theo ông, Triều Tiên có thể thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để lắp vào những tên lửa có tầm bắn thấp, nhưng họ chưa thể chế tạo loại dành cho tên lửa liên lục địa.
Thế giới nên làm gì?
Vụ thử bom nhiệt hạch tạo ra một tình thế nan giải đối với các nhà lãnh đạo thế giới.
“Mọi lựa chọn đối với Triều Tiên đều tệ. Cộng đồng quốc tế chẳng có chứng cứ về việc những biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc trong nhiều năm qua đã tác động tới hành vi của Triều Tiên, ngay cả khi chúng gây tổn thất đối với nền kinh tế Triều Tiên ở mức độ nào đó. Vì thế, áp đặt thêm lệnh trừng phạt sẽ không thể dẫn tới kết quả mà các nhà lãnh đạo thế giới muốn”, Chinoy bình luận.
Phát động chiến tranh với Triều Tiên cũng là giải pháp cực kỳ nguy hiểm.
“Đối thoại với Triều Tiên là cách duy nhất. Tôi nghĩ Triều Tiên cũng muốn vậy”, Chinoy nói.
Chinoy cho rằng vụ thử giúp Triều Tiên tự tin hơn khi đàm phán với thế giới bên ngoài.
"Có thể giới lãnh đạo Triều Tiên cảm thấy an toàn, mạnh mẽ hơn và sẵn sàng đối thoại. Từ góc nhìn của chúng ta, rõ ràng lợi thế của họ đã tăng", ông bình luận.