Nhật Bản đã nâng mức ước tính sức công phá của quả bom do Triều Tiên thử nghiệm hôm 3/9 lên 160 kiloton, gấp 10 lần quả bom do Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945 (1 kiloton tương đương với 1.000 tấn TNT). Với sức công phá này, quả bom hoàn toàn có khả năng gây ra lở đất.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nhận định quả bom hôm 3/9 có sức công phá lớn hơn rất nhiều so với các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên trước đây.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên hôm 3/9 gây lở đất ở khu vực quanh bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Ảnh: Reuters. |
Theo AFP, hình ảnh vệ tinh hôm 4/9 tại khu thử hạt nhân Punggye-ri cho thấy đất đá có dấu hiệu di chuyển do những trận động đất. Đồng thời, lở đất quy mô nhỏ đã diễn ra.
Tuy nhiên, hình ảnh cho thấy quả bom của Bình Nhưỡng không gây ra bất cứ hố sâu nào quanh khu vực thử nghiệm. Trước đó, chuyên gia Trung Quốc đánh giá ngọn núi Punggye-ri đang có nguy cơ sụp do ảnh hưởng từ vụ thử hạt nhân vừa qua của Bình Nhưỡng. Cả 5 vụ thử hạt nhân gần đây nhất của Triều Tiên đều được thực hiện tại địa điểm này.
Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ thảo luận về vấn đề Triều Tiên cùng ông Putin và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trong một cuộc gặp tại thành phố Vladivostok vào ngày 7/9.
Cơ quan an toàn hạt nhân của Hàn Quốc cho biết họ chưa phát hiện bất cứ dấu hiệu nào của các chất phóng xạ trong đất đá, nước và không khí sau vụ thử của Bình Nhưỡng.
Vụ thử gây ra 2 trận động đất mạnh 6,3 và 4,1 độ. Điều này có thể khiến đá trên mặt đất bị sụp xuống, dẫn tới nguy cơ rò rỉ phóng xạ.
Hôm 3/9, Triều Tiên thông báo nước này vừa tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu và đã thành công trong việc gắn bom nhiệt hạch (bom H) vào tên lửa. Vụ việc là bước leo thang mới nhất trong tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên suốt nhiều tháng qua.