Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Triều Tiên có bom H: Hàn Quốc lo lắng về liên minh với Mỹ

Ở châu Á, nhiều người bày tỏ lo ngại liệu Washington có giữ vững cam kết bảo vệ đồng minh lâu năm Hàn Quốc và Nhật Bản khi lục địa Mỹ bị đe dọa bởi tên lửa hạt nhân Triều Tiên.

Sau vụ thử hạt nhân uy lực nhất từ trước tới nay của Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump lên Twitter đăng những lời chỉ trích gay gắt cả Bình Nhưỡng và Trung Quốc. Nhưng điều khiến người dân Đông Á lo ngại là những dòng trạng thái của tổng thống Mỹ không hề nhắc đến một lời đảm bảo nào với đồng minh. 

Giữa lúc Triều Tiên đang tiến nhanh hơn tới việc sở hữu kho tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân, một lần nữa ông Trump lại bỏ qua điều từng là nền tảng trong chính sách với Hàn Quốc nhiều thập kỷ qua: Cam kết chắc chắn rằng Mỹ sẽ bảo vệ Hàn Quốc trước mọi cuộc tấn công.

Điều này làm gia tăng sự lo lắng ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Câu hỏi đặt ra là có phải ông Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang muốn cùng một thứ: Tan rã của liên minh quân sự tồn tại hàng thập kỷ qua giữa Washington và các đồng minh hàng đầu ở châu Á là Seoul, Tokyo.

Mỹ coi trọng tiền hơn liên minh 

Theo AP, một số tuyên bố của Nhà Trắng có đề cập rằng Tổng thống Trump cam kết Mỹ bảo vệ đồng minh châu Á. Ông Trump cũng khẳng định điều này trong cuộc gọi với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In sau khi Triều Tiên thử hạt nhân.

Tuy nhiên, trong các bình luận công khai, Trump thường không nhắc tới đảm bảo này mà lại thể hiện những hoài nghi sâu sắc về các liên minh lâu năm của Washington. 

Sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, trong 5 dòng trạng thái trên Twitter, ông chủ Nhà Trắng chỉ trích sự thất bại của Bắc Kinh trong việc kiềm chế Bình Nhưỡng, đồng thời phê phán "sự nhượng bộ" của tổng thống Hàn Quốc với Triều Tiên hiện nay không phát huy tác dụng.

Không có dòng nào cho thấy tổng thống Mỹ tìm cách trấn an Hàn Quốc, đất nước đang bộn bề lo lắng, rằng họ sẽ được Washington bảo vệ nếu bị tấn công. 

Trieu Tien thu hat nhan anh 1
Tổng thống Trump từng có nhiều phát ngôn cho thấy sự hoài nghi về mối quan hệ của Mỹ và các đồng minh lâu năm ở châu Á là Hàn Quốc, Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Trước đây, Trump từng đặt dấu hỏi về việc đóng quân ở Hàn Quốc và Nhật Bản là quá tốn kém. Ông gợi ý rằng Seoul, Tokyo hãy tự mình theo đuổi sức mạnh hạt nhân thay vì dựa vào ô hạt nhân của Washington.

Ông dường như còn đang nhắm vào một trụ cột khác của liên minh Mỹ - Hàn: Hiệp định thương mại tự do mà đôi bên khó lắm mới đạt được. Washington Post mới đây dẫn một số nguồn thạo tin cho biết tổng thống Mỹ đã chỉ đạo các cố vấn chuẩn bị cho việc rút lui khỏi FTA với Hàn Quốc. Ông Trump gọi thỏa thuận này là "thảm họa", gây thiệt hại cho Mỹ và cam kết sửa đổi.

"Nước Mỹ bây giờ không còn là nước Mỹ mà chúng ta từng biết", Chosun Ilbo, nhật báo lớn nhất của Hàn Quốc, nhận định trong một bài xã luận. "Tổng thống Mỹ coi trọng tiền hơn là liên minh". 

Mỹ có đánh đổi lợi ích quốc gia vì đồng minh?

Những diễn biến này là quan trọng bởi vì theo nhiều học giả, quyết tâm theo đuổi vũ khí hạt nhân là cách Triều Tiên chia rẽ Washington với các đồng minh châu Á hơn là để đánh bại nước Mỹ.

Mục đích của Bình Nhưỡng là khiến cho Washington phải cân nhắc nghiêm túc xem có đáng để hoàn thành nghĩa vụ với đồng minh và đáp trả một cuộc tấn công vào Seoul, nếu như điều này đồng nghĩa rằng San Francisco phải hứng chịu hậu quả. 

Mỹ giờ không còn dễ dàng đưa ra những lời hứa hẹn đanh thép như trước nữa, bởi vì Triều Tiên gần đây chứng tỏ rằng họ có vẻ đã tiến rất gần tới năng lực tấn công San Francisco và các nơi khác ở Mỹ bằng tên lửa hạt nhân. 

"Điều mà người dân ở Hàn Quốc lo ngại nhất là liệu Mỹ có bảo vệ Hàn Quốc khi mà lục địa Mỹ chịu sự đe dọa (của tên lửa Triều Tiên). Nếu bạn nhìn vào những gì ông Trump nói, thì câu trả lời có vẻ là 'không'", Shin Hee-Seok, sinh viên luật quốc tế tại Đại học Yonsei ở Seoul, nói. 

"Một số người Hàn Quốc đang băn khoăn giờ đây chúng tôi có nên tự xây dựng năng lực phòng thủ hạt nhân của riêng mình. Nếu Mỹ không phải là đồng minh đáng tin cậy, thì Hàn Quốc có thể phải tính đến một kế hoạch B", sinh viên này cho biết.

Một số người nhìn thấy tương lai không xa khi mà Triều Tiên sở hữu hàng chục tên lửa đạn đạo liên lục địa có gắn đầu đạn hạt nhân, cho phép nước này tấn công Seoul hay Tokyo mà không có sự can thiệp của Washington, bởi người Mỹ lo ngại Triều Tiên có thể trả đũa bằng cách tàn phá các thành phố của Mỹ. 

"Tôi lo không rõ Mỹ có thực sự nghiêm túc về chuyện bảo vệ đồng minh hay không, hay là sẽ đặt lợi ích quốc gia của Mỹ lên trên hết", Woo Young-soo, giảng viên luật tại một đại học ở Seoul, bày tỏ. 

Trieu Tien thu hat nhan anh 2
Tin tức quốc tế trong ngày 3/9 đổ dồn vào vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên, khiến nhiều người ở Hàn Quốc, Nhật Bản lo ngại Mỹ có thể không duy trì cam kết bảo vệ đồng minh. Ảnh: Reuters

Mặc dù vậy, các nhà phân tích cho rằng bất chấp mối đe dọa từ Triều Tiên ngày càng lớn, liên minh giữa Mỹ và Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ vẫn được duy trì. 

Cheng Xiaohe, chuyên gia về Triều Tiên của Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, nhận định với Zing.vn rằng "chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ không làm tổn hại đến quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Hàn Quốc, Nhật Bản". 

Trên thực tế, các vị tướng lính giàu kinh nghiệm của ông Trump đã khẳng định cam kết của Mỹ với các minh là không thể lay chuyển. Trong một động thái được cho là nhằm trấn an đồng minh, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis hôm 3/9 tuyên bố Mỹ có "nhiều phương án quân sự" và đe dọa sẽ "trả đũa quân sự quy mô lớn" với Triều Tiên nếu như nước này nhắm vào lãnh thổ Mỹ hoặc đồng minh của Mỹ.

Colin Kahl, giáo sư Đại học Georgetown đồng thời là cựu quan chức an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Obama, bình luận: "Phá hoại sự đoàn kết liên minh vào lúc này là nguy hiểm và ngu ngốc".

Ông Kahl cho rằng điều này "chỉ càng khuyến khích (sự hung hăng của) Bình Nhưỡng, tăng rủi ro (Triều Tiên) tính toán sai lầm và có thể thúc đẩy (Hàn Quốc) và Nhật Bản theo đuổi kho vũ khí hạt nhân độc lập của riêng họ".

Liên tiếp tập trận hải quân, Hàn Quốc dọa chôn kẻ thù ở biển sâu Hải quân Hàn Quốc hôm nay mở màn cuộc tập trận bắn đạn thật tại phía đông bán đảo Triều Tiên. Đây là cuộc tập trận bắn đạn thật thứ 2 trong 2 ngày liên tiếp của Hàn Quốc.

Mỹ cân nhắc răn đe Triều Tiên bằng tàu sân bay và máy bay chiến lược

Mỹ và Hàn Quốc đang thảo luận về khả năng triển khai tàu sân bay và máy bay ném bom chiến lược tới bán đảo Triều Tiên sau vụ Bình Nhưỡng thử thành công bom nhiệt hạch.

Báo Hàn: Triều Tiên lại di chuyển tên lửa liên lục địa để bắn thử

Ngay sau khi thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 6, Triều Tiên được cho là đang sẵn sàng tiến hành một cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa tiếp theo.


Ngụy An

Bạn có thể quan tâm