Sau vụ thử hạt nhân hôm 3/9 của Bình Nhưỡng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã tuyên bố Mỹ có "nhiều phương án quân sự" và đe dọa sẽ "trả đũa quân sự quy mô lớn" với Triều Tiên nếu như nước này nhắm vào lãnh thổ Mỹ hoặc đồng minh của Mỹ.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, bất cứ hành động quân sự nào của Washington cũng có thể khiến hàng triệu dân thường ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc gặp nguy hiểm, vì vậy trả đũa quân sự thực tế rất khó xảy ra.
"Chúng tôi luôn có những phương án quân sự, nhưng chúng rất đáng sợ", tướng Mỹ về hưu Mark Hertling, hiện là cố vấn quân sự của CNN, cho biết.
Vũ khí chĩa về phía Seoul
Từ nhiều năm qua, lực lượng pháo binh khổng lồ của Triều Tiên sẵn sàng biến thủ đô Seoul với 25 triệu dân thành "biển lửa" vẫn luôn là cản trở đối với mọi hành động quân sự của Mỹ.
Các chuyên gia nhận định hàng chục nghìn người dân Seoul và nhiều hơn nữa có thể thiệt mạng do pháo kích khi Bình Nhưỡng tiến hành trả đũa một cuộc tấn công của Mỹ.
Vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên không đồng nghĩa với việc nước này trở thành mối đe dọa trước mắt với Mỹ và đồng minh. Theo Hertling, Mỹ không cần phải thực hiện bất cứ hành động quyết liệt nào để chống lại mối nguy hiện nay mà Triều Tiên mang lại.
"Triều Tiên ngay lúc này có đe dọa sự tồn tại của Mỹ hay bất cứ đồng minh nào của chúng ta không? Không", ông khẳng định.
Một đơn vị pháo binh Triều Tiên tiến hành tập luyện. Ảnh: AFP/Getty. |
Thách thức về công nghệ
Dù Triều Tiên đã cho nổ một loại vũ khí hạt nhân dưới lòng đất và phóng thử những tên lửa đạn đạo có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ, chưa có bằng chứng cho thấy Bình Nhưỡng có thể kết hợp thành công 2 công nghệ này.
"Một vụ thử nghiệm thành công chứng tỏ họ có thể chế tạo vũ khí, chứ không đồng nghĩa với việc vũ khí đó có thể sử dụng được ngay", Carl Schuster, một cựu chỉ huy của Trung tâm tổng hợp tình báo thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, cho biết.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo chính quyền của ông Kim Jong Un sẽ phải chứng minh những tuyên bố của mình bởi không ai có thể chắc chắn họ sở hữu tên lửa gắn vũ khí hạt nhân hoạt động được cho đến khi họ sử dụng nó để tấn công.
"Nếu bạn tấn công họ sau khi họ có vũ khí hạt nhân, đó không còn là chiến tranh phủ đầu nữa. Đó chỉ đơn thuần là chiến tranh hạt nhân", Jeffrey Lewis, chuyên gia về không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury cho hay.
Bruce Bennett, nhà nghiên cứu cao cấp của tổ chức RAND chuyên nghiên cứu về Triều Tiên, thì cho rằng việc để Bình Nhưỡng phát triển một tên lửa gắn vũ khí hạt nhân có thể khiến Mỹ phải đối mặt với nguy cơ bị hăm dọa hạt nhân.
"Triều Tiên có thể yêu cầu Mỹ không cử các lực lượng thông thường tới Hàn Quốc bằng cách đe dọa cho nổ tung các thành phố của Mỹ bằng vũ khí hạt nhân", Bennett nhận định.
Người dân Seoul theo dõi tin tức về vụ thử vũ khí hạt nhân ngày 3/9 của Triều Tiên. Ảnh: AP. |
Mỹ cần gì nếu muốn tấn công?
Ngay cả khi tấn công là một phương án, các chuyên gia cũng cho rằng Mỹ hiện tại chưa thể thực hiện một chiến dịch quân sự thành công tại bán đảo Triều Tiên. Để huy động được lực lượng và trang thiết bị cần thiết đến khu vực đó cần từ vài tuần đến vài tháng.
Theo các chuyên gia, những thiết bị quân sự cần thiết bao gồm máy bay ném bom B-2 và B-52 hoạt động trên căn cứ của Không quân Mỹ trên đảo Guam và máy bay chiến đấu tàng hình F-22, thiết bị không thể thiếu trong bất kỳ cuộc tấn công phủ đầu nào.
Mỹ cũng cần những tàu chiến và tàu ngầm được trang bị tên lửa Tomahawk, có nhiệm vụ ngăn chặn không lực của Triều Tiên để các máy bay ném bom Mỹ có thể hoạt động.
Mỹ còn cần lượng bộ binh lớn hơn rất nhiều số lượng hiện có để kiểm soát được các khu vực trong lãnh thổ Triều Tiên có vũ khí hạt nhân mà cuộc tấn công phủ đầu chưa tiếp cận được.
Tuy nhiên, Mỹ có những hệ thống phòng thủ tên lửa như THAAD và Aegis giúp bảo vệ các đồng minh là Hàn Quốc và Nhật Bản trong trường hợp Triều Tiên tấn công phủ đầu, Hertling nói. Điều này cũng có nghĩa rằng ngoại giao vẫn có thể là giải pháp. "Chúng tôi vẫn kiểm soát được thời gian, chúng tôi có khả năng duy trì thế chủ động", Hertling khẳng định.