Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghi vấn quanh thông tin Triều Tiên thử thành công bom H

Trong khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch vào ngày 3/9, nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về năng lực hạt nhân của quốc gia này.

Sau vụ nổ với hai trận động đất trong sáng 3/9, Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom H và sở hữu công nghệ gắn loại bom nguy hiểm này vào tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Đây được coi là hành động mang tính thách thức của nhà lãnh đạo Kim Jong Un đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, vụ thử hạt nhân mới đây của Bình Nhưỡng khiến không ít chuyên gia đặt câu hỏi.

Thông tin mập mờ

Một số chuyên gia nghi ngờ liệu Triều Tiên thử bom nhiệt hạch (bom H) hay thực chất chỉ là bom hạt nhân như những gì quốc gia này từng làm trong quá khứ. Thậm chí, các nhà nghiên cứu tỏ ra hoài nghi trước thông tin Bình Nhưỡng có khả năng gắn bom H vào tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Nghi van Trieu Tien thu thanh cong bom H anh 1
Người dân Nhật Bản theo dõi thông tin về vụ thử hạt nhân ngày 3/9 của Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

Cục Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính trận động đất tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên có cường độ 6,3 độ. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhận định cường độ của vụ rung chuyển là 5,7 độ. 

Dù vậy, vụ nổ vẫn mạnh hơn nhiều so với lần thử hạt nhân gần đây của Bình Nhưỡng. Nó thậm chí kéo theo một trận động đất thứ hai, được Cục Khảo sát Địa chất Mỹ gọi là "vụ sập đất đá".

Trước đây, Triều Tiên từng nhiều lần đưa ra thông tin mập mờ xoay quanh các vụ thử hạt nhân. 

Sau vụ thử thứ tư hồi tháng 1/2016, Bình Nhưỡng tuyên bố sở hữu bom H. Các nước đều tỏ ra nghi ngờ, nhiều chuyên gia cho rằng Triều Tiên chỉ tiến hành thử một quả bom hạt nhân chứa thêm năng lượng nhiệt hạch nhằm tạo vụ nổ lớn hơn.

Chỉ vài giờ sau những vụ rung chuyển trong ngày 3/9, truyền thông Triều Tiên tuyên bố nước này thử thành công bom H và có thể đặt loại bom này vào tên lửa đạn đạo liên lục địa. Kèm theo đó, không có bất cứ thông tin cụ thể nào được đưa ra, ngoài hình ảnh ông Kim Jong Un được cho đang kiểm tra quả bom.

Ông Kim Dong Yub, chuyên gia quân sự tại Viện nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam ở Seoul, nghi ngờ thiết bị được Triều Tiên thử nghiệm chỉ là một quả bom nguyên tử "tăng cường". 

Theo ông, năng lượng nổ 60-80 kiloton (1 kiloton tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT) quá thấp đối với một quả bom nhiệt hạch, thứ có sức công phá lớn hơn 1.000 lần vũ khí hạt nhân thông thường.

Dựa trên hình ảnh do Triều Tiên công bố, nhiều chuyên gia cho rằng đó có thể là vũ khí nhiệt hạch 2 giai đoạn. Chủ tịch Viện Khoa học và An ninh Quốc tế Washington, ông David Albright, nghi ngờ tính xác thực của thiết bị xuất hiện bên cạnh ông Kim Jong Un. Tuy nhiên, ông khẳng định đã có bằng chứng về thông tin Bình Nhưỡng phát triển vũ khí nhiệt hạch.

"Cường độ động đất cho thấy vụ nổ lớn hơn so với lần thử thứ năm của Triều Tiên, điều này cho thấy trong thiết bị nổ có chất nhiệt hạch", ông Albright nói.

Về khả năng Bình Nhưỡng có thể đặt bom nhiệt hạch vào tên lửa đạn đạo liên lục địa, ông tỏ ra nghi ngờ.

Bom nguyên tử "tăng cường"

Một ngày trước khi tiến hành thử hạt nhân, Triều Tiên cho biết nước này đã phát triển thành công bom nhiệt hạch tối tân và có công nghệ thu nhỏ bom để có thể lắp vừa vào tên lửa đạn đạo liên lục địa.

"Ông Kim Jong Un theo dõi một quả bom H được đặt vào tên lửa đạn đạo liên lục địa", hãng thông tấn KCNA chú thích bên dưới bức ảnh có sự xuất hiện của nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Nghi van Trieu Tien thu thanh cong bom H anh 2
Hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un bên thiết bị được Triều Tiên khẳng định là đầu đạn của tên lửa đạn đạo liên lục địa. Ảnh: Reuters.

Nhiều năm qua, các chuyên gia hạt nhân dự đoán nếu chưa thể phát triển bom nhiệt hạch, Triều Tiên sẽ tìm cách gia tăng sức công phá của vũ khí hạt nhân truyền thống bằng công nghệ tritium.

Bom H là loại vũ khí tinh vi có đương lượng nổ lên đến vài nghìn kiloton. Trước đó, vụ thử hạt nhân hồi tháng 9/2016 của Triều Tiên có sức công phá khoảng 10-15 kiloton, tương đương vụ nổ tại Hiroshima, Nhật Bản vào tháng 8/1945.

Những tuyên bố mang tính đe dọa và phóng đại từ lâu đã trở thành một phần trong chính sách đối ngoại của Triều Tiên. Chính điều này khiến các nước mất cảnh giác và có thể đánh giá thấp năng lực hạt nhân thực sự của quốc gia Đông Bắc Á này.

"Ông Trump cần nhớ Trung Quốc chỉ mất 3 năm để đi từ một vụ thử bom nguyên tử đến bom H", chuyên gia nghiên cứu Hàn Quốc Lee Sung Yoon, cảnh báo.

Các quan chức Mỹ tin rằng Bình Nhưỡng vẫn gặp khó khăn trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Tướng Paul Selva, Phó chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cho rằng Triều Tiên cần phát triển hệ thống dẫn đường và kiểm soát độ ổn định để tên lửa không bị vỡ khi di chuyển hàng nghìn km. Đồng thời, bộ phận giúp đầu đạn chịu được nhiệt độ và sức ép trong quá trình hồi quyển cũng đang là thách thức lớn. 

Sau vụ thử hạt nhân vào ngày 3/9, Tổng thống Trump gọi Triều Tiên là "mối đe dọa lớn" đồng thời là "nỗi xấu hổ" của Trung Quốc, nước đã "cố gắng giải quyết tình hình nhưng chẳng mấy thành công".

Ông từng tạm xếp các biện pháp cứng rắn sang một bên với hy vọng Bắc Kinh sẽ gây sức ép với Triều Tiên nhưng đến nay các nỗ lực này bất thành. Bình Nhưỡng đã tiến hành 14 vụ phóng tên lửa và một vụ thử hạt nhân trong năm 2017, bất chấp mọi sự phản đối.

Bom nhiệt hạch tàn khốc như thế nào? Bom nhiệt hạch (bom H), mà Triều Tiên vừa tuyên bố thử nghiệm thành công ngày 3/9, được Liên Xô thử nghiệm từ 1953. Nó có thể gây bỏng chết người ở cách xa 100 km.

Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom H 'mạnh chưa từng thấy'

Ngay sau khi tiết lộ sở hữu công nghệ gắn bom H (bom nhiệt hạch) vào tên lửa đạn đạo liên lục địa, Triều Tiên tuyên bố thử thành công loại bom này hôm nay.

Trump: Triều Tiên là 'mối đe dọa lớn và nỗi xấu hổ' với TQ

Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi Triều Tiên là "mối đe dọa lớn" đồng thời là "nỗi xấu hổ" của Trung Quốc, nước đã "cố gắng giải quyết tình hình nhưng chẳng mấy thành công".

Thế Long (Theo New York Times)

Bạn có thể quan tâm