Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Triều Tiên thử bom H: Rốt cuộc ông Kim Jong Un muốn gì?

Sau hàng loạt các vụ thử hạt nhân, tên lửa và lời đe dọa tấn công Mỹ, những gì người ta biết về mục đích thật sự của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vẫn chỉ là suy đoán.

"Nhà lãnh đạo Kim Jong Un muốn gì vậy?"

Sau hàng loạt vụ thử tên lửa và hạt nhân dưới thời ông Kim Jong Un, giới tình báo Mỹ - Nhật  - Hàn đã phần nào nắm được năng lực quân sự của Triều Tiên, dù vậy, câu hỏi về mục đích của ông Kim sau tất cả những chuyện này vẫn "lơ lửng" đâu đó. Cả giới học giả lẫn quan chức tiếp tục hoang mang trước chiến lược vừa quái chiêu, vừa như tự vệ và vừa như cuồng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

New York Times cho biết phần lớn những gì người ta biết là ông Kim, cũng như cha và ông nội mình, có khao khát mãnh liệt phải duy trì chế độ trong quốc gia đã tồn tại một cách kỳ lạ và trong thế bị cô lập từ Chiến tranh Lạnh đến nay.

Trieu Tien thu hat nhan anh 1
Các nước chỉ liên tục chứng kiến các vụ thử tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên nhưng chưa hề biết chính xác ý định của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Ảnh: AFP.

Hạt nhân bảo hộ

Bên trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhiều người bắt đầu nghi ngờ về giả thiết đã tồn tại lâu nay rằng chương trình hạt nhân của Triều Tiên chỉ nhằm mục đích phòng vệ, bảo vệ triều đại của dòng họ Kim trước Mỹ và các đồng minh luôn muốn lật đổ ông Kim.

Có một thời, người ta tin rằng tính toán của ông Kim là nếu nước Mỹ nằm trong tầm ngắm của tên lửa Triều Tiên, số phận của ông sẽ khác với nhà lãnh đạo đã Libya bị lật đổ, Muammar el-Qaddafi. Năm 2003, ông Qaddafi chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân vừa "chớm" để đổi lại lời hứa về cơ hội được hội nhập kinh tế với phương Tây. Điều đó chưa bao giờ thành hiện thực, khi nổi dậy nổ ra ở Libya, phương Tây đã thả bom xuống chế độ của ông. Qaddafi bị lực lượng nổi dậy bắt được và hành quyết.

Bên ngoài Triều Tiên, rất ít người từng gặp mặt ông Kim, bao gồm cả giới lãnh đạo Trung Quốc, nước vẫn là đồng minh của Triều Tiên.

Những người trốn chạy vẫn xuất hiện tại London và Seoul, nhưng không nhiều trong số họ là người nằm sâu trong hệ thống của Triều Tiên. Các tài liệu do cựu nhân viên NSA Edward J. Snowden từng làm rò rỉ cho thấy giới tình báo Mỹ đã đột nhập vào hệ thống của cơ quan tình báo Triều Tiên. Dù vậy, những thứ họ tìm được phần lớn là về vận hành hơn là ý đồ của Bình Nhưỡng.

"Những người nói với bạn về thứ Triều Tiên muốn đều là nói dối, hoặc chỉ suy đoán", New York Times dẫn lời Jon Wolfsthal, một học giả của chương trình chính sách hạt nhân tại Viện Hòa bình Quốc tế Carnegie và từng làm việc trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời tổng thống Barack Obama. 

"Chúng ta thậm chí không biết Kim Jong Un ăn gì trong bữa sáng, làm sao chúng ta biết cuối cùng ông ta muốn gì? Chúng ta không có tình báo giỏi đến thế để đọc được suy nghĩ của ông ấy", ông Wolfsthal nói.

Trong những tuyên bố chính thức, Triều Tiên làm rõ rằng họ muốn được chấp nhận như một thành viên đầy đủ của cộng đồng quốc tế và được phát triển kinh tế bên cạnh chương trình hạt nhân. Họ cũng còn một mục đích lâu dài khác là thống nhất với Hàn Quốc. 

Trieu Tien thu hat nhan anh 2
Vùng biên giới bị quân sự hóa cao độ của Hàn Quốc và Triều Tiên. Ảnh: AFP.

Những lời đe dọa của Bình Nhưỡng đến Mỹ hay Hàn Quốc luôn được đặt trong hoàn cảnh là Mỹ đã duy trì "chính sách thù địch" với họ trước.

Cuối cùng, không có gì trong những tuyên bố trên có thể giải thích được tham vọng hạt nhân, sự tinh vi về kỹ thuật và sự tàn bạo hơn hẳn cha mình của ông Kim Jong Un.

Tống tiền hay chia cắt đồng minh?

Một số khác thì cho rằng mục đích thật của Bình Nhưỡng là nhằm "tống tiền" Washington, điều họ sẽ sớm đạt được khi tên lửa nước này có thể vươn đến Los Angeles, Chicago hoặc New York.

Một giả thiết khác là Triều Tiên muốn chia cắt Mỹ với 2 đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc. Một mặt, họ gây nên quan ngại ở 2 nước Đông Á này liệu rằng Mỹ có thật sự bảo vệ đồng minh không, một mặt trông chờ Tổng thống Trump thực hiện lời đe dọa từ chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ rút quân khỏi các nước châu Á - Thái Bình Dương và để Nhật Bản, Hàn Quốc "tự trang bị quân sự".

Cũng có thể ông Kim muốn dùng vũ khí hạt nhân làm quân cờ trên bàn đàm phán, tạo cho mình thế cân bằng với Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Hoặc cả 3 mục đích trên.

Một số cố vấn của Tổng thống Trump và các chuyên gia suy đoán có thể ông Kim muốn dùng vũ khí hạt nhân để ép Mỹ rút bớt các biện pháp trừng phạt và đưa quân khỏi Hàn Quốc, điều làm Bình Nhưỡng "chướng mắt" lâu nay.

Dù vậy, điều các chuyên gia quan ngại là Triều Tiên sẽ làm gì tiếp theo nếu Mỹ nhượng bộ - vì cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Stephen K. Bannon từng tiết lộ rằng Washington có cân nhắc nhượng bộ. Nỗi lo sợ là Triều Tiên sẽ lấn tới và dùng vũ lực xâm lược Hàn Quốc nhằm thống nhất bán đảo Triều Tiên.

Ngoài ra, việc Triều Tiên có thể đe dọa trực tiếp đến lãnh thổ Mỹ cũng có thể hạ thấp khả năng của Washington trong việc bảo vệ đồng minh.

"Nếu người Mỹ phải chọn giữa San Francisco và Seoul, họ sẽ chọn San Francisco", Andrei Lankov, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Kookmin ở Seoul cho biết.

Trieu Tien thu hat nhan anh 3
Việc Mỹ cũng có thể trở thành mục tiêu của tên lửa Triều Tiên kéo theo quan ngại về năng lực bảo vệ đồng minh của Washington. Ảnh: AFP.

Dựa trên tính toán này, ông Lankov cho rằng Triều Tiên có thể khơi mào một cuộc xung đột với Hàn Quốc, đồng thời gửi tối hậu thư cho Mỹ rằng nếu họ muốn các thành phố của mình được yên thì chớ can thiệp vào bán đảo Triều Tiên.

Về khả năng Triều Tiên sử dụng vũ lực để thống nhất bán đảo Triều Tiên, ông Lankov cho rằng nó vẫn "thấp, nhưng có thật". Nếu Bình Nhưỡng thật sự tiến hành kế hoạch này, khả năng thắng của họ cũng rất thấp. Một đất nước thiếu ăn khó có đủ nguồn lực để tham gia một cuộc chiến tranh kéo dài.

Tuy nhiên, ở mặt khác, các quan chức Mỹ cũng không dám quá lạc quan và tin tưởng hoàn toàn khả năng trên. Một quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump lưu ý rằng vào năm 1950, mọi người cũng đều cho rằng Triều Tiên quá yếu để phát động chiến tranh. Họ đã sai.

"Chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận mối đe dọa từ Bình Nhưỡng", ông Mo Jong Ryn, trưởng khoa nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Yonsei (Seoul) cho biết.

Thomas Wright, nhà nghiên cứu tại Viện Lowy (Sydney) từng lưu ý rằng không như tổng thống Mỹ hay Hàn Quốc được bầu lên theo nhiệm kỳ, ông Kim là một nhà lãnh đạo trẻ, chưa tới 40 tuổi và hầu như chắc chắn sẽ lãnh đạo Triều Tiên thêm nhiều thập kỷ nữa và các tính toán của ông Kim sẽ là rất lâu dài. 

"Các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa là chiến lược lâu dài của ông ấy. Ông ấy tin rằng các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sẽ làm thay đổi cán cân sức mạnh trong khu vực và buộc Mỹ rút khỏi Hàn Quốc. Ông ấy có thể đúng", Quartz dẫn lời ông Wright.

Giương đông kích tây?

Một giả thiết ít kịch tính hơn cho ý định của nhà lãnh đạo Kim là chương trình hạt nhân cùng các chiến dịch trên mạng ngày càng tinh vi của Triều Tiên có thể giúp Bình Nhưỡng được bỏ qua những sự khiêu khích nhỏ hơn và không phải đối mặt với sự trả đũa.

Đơn cử, vụ tấn công mạng của Triều Tiên nhằm vào hãng Sony Pictures Entertainment cách đây 3 năm hầu như không mang lại hậu quả gì cho Bình Nhưỡng. Triều Tiên cũng không bị trả đũa gì sau các nghi án tấn công vào ngân hàng Hàn Quốc và các công ty truyền thông, nghi án ăn cắp tiền từ ngân hàng trung ương Bangladesh hoặc có liên quan đến vụ tấn công bằng mã độc tống tiền vào các bệnh viện của Anh. 

Trieu Tien thu hat nhan anh 4
Triều Tiên, dù với năng lực hạt nhân ngày càng được tăng cường, vẫn là một đất nước bị cô lập và khó khăn về kinh tế. Ảnh: AFP.

New York Times nhận định Triều Tiên có thể lợi dụng sự "dễ dãi" này mà tiếp tục các cuộc tấn công mạng nhằm kiếm lời, hoặc "tống tiền" các quốc gia khác để nhận trợ giúp kinh tế.

Xét về đối nội, với ông Kim Jong Un, người chỉ mới lên nắm quyền từ năm 2011, ảnh hưởng của ông trong người dân chưa thể sánh được với cha mình và đặc biệt là ông nội, chủ tịch vĩnh viễn Kim Nhật Thành. 

Trong bài viết trên BBC hồi tháng 8, John Nilsson-Wright, nhà nghiên cứu thuộc chương trình châu Á tại Đại học Cambridge nhận định: "Tính chính danh trong sự lãnh đạo của dòng họ Kim ở Triều Tiên có gốc gác sâu xa từ cuộc phòng vệ trước sự thù địch vô lý của nước Mỹ. Cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950- 1953 được khắc họa ở Triều Tiên là do sự hiếu chiến của Mỹ, Washington luôn bị coi là kẻ thù muốn hủy diệt đất nước Triều Tiên".

Là người kế thừa cha mình để cai trị Triều Tiên, ông Kim cần chứng tỏ cho người dân thấy rằng ông có đủ khả năng để chống lại nước Mỹ "kẻ thù".

Một giả thiết khác là chương trình hạt nhân sẽ mang lại lợi thế cho Triều Tiên trên bàn đàm phán. Trong quá khứ, các nhà đàm phán hy vọng Triều Tiên sẽ chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lại hỗ trợ kinh tế hoặc một hiệp ước hòa bình với Mỹ, vĩnh viễn chấm dứt cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên. 

Giờ thì mong ước đó có thể xem đã "tan thành mây khói", người ta chỉ có thể mong ông Kim chịu tạm dừng phát triển hạt nhân ở một mức độ nào đó.

Sự tăng cường nhanh chóng năng lực hạt nhân trong những năm qua cho thấy ý định của Triều Tiên: họ muốn kho vũ khí hạt nhân của mình đủ lớn để không thể bị giải giáp. Họ muốn được đối xử như Ấn Độ và Pakistan, những nước đã được cộng đồng quốc tế "chấp nhận" cho sở hữu vũ khí hạt nhân.

Truyền hình Triều Tiên ca ngợi bom H thành công hoàn hảo Truyền thông Triều Tiên ca ngợi vụ thử bom nhiệt hạch hôm 3/9 đã thành công hoàn hảo và biến Triều Tiên trở thành cường quốc sở hữu vũ khí nhiệt hạch.

Thử bom H: Trung Quốc mới là mục tiêu gây áp lực của Triều Tiên?

Với những vụ thử hạt nhân và tên lửa liên tục, Triều Tiên vừa làm "mất mặt" vừa đặt Trung Quốc vào thế "tiến thoái lưỡng nan" trước một đồng minh khó đoán và đầy khiêu khích.

Ngọn núi Triều Tiên thử bom H có nguy cơ sụp đổ

Chuyên gia Trung Quốc lo ngại ngọn núi nơi Triều Tiên tiến hành 5 vụ thử vũ khí hạt nhân gần đây có nguy cơ sụp đổ, khiến chất phóng xạ phát tán ra khu vực xung quanh.

Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm