Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bơi lội Trung Quốc nỗ lực tìm lại chính mình

Olympic Tokyo 2020 là nơi các vận động viên bơi Trung Quốc nỗ lực tìm lại danh tiếng sau những nghi ngờ và sự cố gần đây.

Bình luận

Án phạt Sun Yang vào cuối tháng 6 như cú đấm mạnh vào uy tín của bơi lội Trung Quốc. Niềm tự hào một thời của thể thao Trung Quốc sẽ không góp mặt tại Olympic Tokyo 2020, để lại khoảng trống cho nền bơi lội nước này.

Bên cạnh đó, người ta tiếp tục có thêm lý do để nghi ngờ sự trong sạch của các kình ngư Trung Quốc.

Boi loi Trung Quoc anh 1

Danh tiếng bị vấy bẩn

Nền bơi lội Trung Quốc từng vướng nhiều bê bối doping trong quá khứ. Một trong những sự cố nổi tiếng nhất xảy ra trước thềm giải Vô địch thế giới (VĐTG) tại Australia năm 1998 .

Khi đó, một nữ kình ngư Trung Quốc bị phát hiện mang 13 lọ hormone tăng trưởng tại sân bay Sydney.

Kể từ bê bối ấy, các lãnh đạo thể thao nước này đã cam kết với thế giới về quyết tâm loại bỏ các vụ gian lận chất cấm của VĐV. Hiệp hội Bơi lội Trung Quốc (CSA) thường xuyên ra thông báo phản đối việc sử dụng chất cấm.

Tuy nhiên, sau vụ bê bối của Sun Yang vào đầu năm 2020, những nghi ngờ về tính minh bạch của bơi lội Trung Quốc trở lại.

Boi loi Trung Quoc anh 2

Bơi lội Trung Quốc sẽ bị "soi kỹ" ở Thế vận hội mùa hè 2020. Ảnh: Reuters.

Reuters dẫn lời một kình ngư Trung Quốc (giấu tên) giải nghệ tiết lộ, tại giải đấu trên đất Nhật Bản, nền bơi lội nước này sẽ đối mặt với nhiều sự dò xét và nghi hoặc lớn hơn.

Sau khi Sun Yang nhận án phạt cấm thi đấu 4 năm chỉ vài tuần trước khi Olympic Tokyo khởi tranh, những nghi ngờ và các biện pháp kiểm tra doping với các đồng hương của anh trở nên gắt gao hơn.

Khi Ye Shiwen bước ra khỏi hồ bơi ở London (Anh) với tư cách người lập kỷ lục thế giới tại Thế vận hội 2012, những cáo buộc bắt đầu xoáy vào cô gái 16 tuổi. Shiwen chưa bao giờ có tai tiếng với doping trước đây, nhưng cô phải đối mặt với những câu hỏi bóng gió về việc gian lận.

Kình ngư sinh năm 1996 cáo buộc những người chỉ trích cô có thành kiến với các VĐV Trung Quốc. "Thành tích của tôi đến từ quá trình làm việc và rèn luyện chăm chỉ", Shiwen nói sau khi phá kỷ lục thế giới năm 2012. "Tôi sẽ không bao giờ sử dụng bất kỳ loại chất cấm nào".

Những câu hỏi mà Shiwen phải đối mặt khi đó phản ánh phần nào sự nghi ngờ mà công chúng dành cho bơi lội Trung Quốc.

Ngay cả khi Sun Yang không có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm, Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) vẫn ra án phạt với anh. Niềm tự hào của bơi lội Trung Quốc bị cáo buộc chống trả, đập vỡ mẫu thử trong một cuộc kiểm tra doping.

Sun Yang từng bị cấm thi đấu 3 tháng vì dương tính với doping vào năm 2014. Và những hành động của anh sau đó chỉ khiến mọi thứ tệ hơn.

Án cấm mới nhất của Sun Yang giảm gần một nửa so với phán quyết ban đầu. Tuy nhiên, nam kình ngư Trung Quốc liên tục tuyên bố mình vô tội.

Không thể tranh tài tại Olympic Tokyo và Asian Games 2022 trên quê nhà, Sun Yang quyết tâm trở lại ở Olympic Paris 2024. Luật sư bảo vệ cho kình ngư này tin rằng thân chủ của mình chỉ là nạn nhân cho một tấn công vào cả nền thể thao Trung Quốc.

Đó là quan điểm của những người bảo vệ Sun Yang. Ở chiều ngược lại, Reuters dẫn lời một cựu VĐV Olympic cho biết danh tiếng của thể thao Trung Quốc đã bị hủy hoại sau vụ Sun Yang.

"Không VĐV nào muốn mình mang tiếng, khi đến từ một đất nước mà biểu tượng thể thao hàng đầu bị cấm do doping", cựu VĐV này nói. "Tuy nhiên, vấn nạn sử dụng doping không chỉ xuất hiện ở Trung Quốc".

Reuters phỏng vấn 5 cựu VĐV điền kinh khác nhau, và họ tiết lộ các kình ngư Trung Quốc tranh tài ở Thế vận hội Tokyo sẽ phải đối mặt với sự giám sát nghiêm ngặt sau lệnh cấm của Sun Yang.

Các cựu VĐV điền kinh này cũng cho rằng Sun Yang chịu nhiều định kiến so với các VĐV rơi vào trường hợp tương tự ở Australia hay Mỹ.

Kình ngư người Anh, Adam Peaty từng kêu gọi cấm thi đấu suốt đời đối với Sun Yang. Trong khi Mack Horton, VĐV người Australia đã quá nổi tiếng khi từ chối đứng chung bục nhận huy chương với Sun Yang tại giải vô địch thế giới 2019.

Boi loi Trung Quoc anh 3

Zhang Yufei là một trong những niềm kỳ vọng lớn của bơi lội Trung Quốc tại Olympic Tokyo. Ảnh: Reuters.

Thách thức và cơ hội

Kình ngư từng vô địch Olympic, Matt Biondi lại có quan điểm trung dung hơn. Anh không tin rằng có trào lưu chống các VĐV bơi Trung Quốc. Tuy nhiên, Biondi cũng cho rằng những định kiến là có thật.

"Tôi không nghĩ các VĐV Trung Quốc muốn sử dụng doping", Biondi, người đang là Chủ tịch Hiệp hội các VĐV bơi lội quốc tế (ISA) nói. "Các kình ngư Trung Quốc luôn kín tiếng với thế giới bên ngoài. Điều đó khiến họ hay phải chịu định kiến khi có chuyện gì đó xảy ra".

Biondi có lý. Vấn nạn sử dụng chất kích thích tồn tại từ lâu ở thể thao thế giới. Các kình ngư Trung Quốc không phải là những người duy nhất. Nhiều VĐV từ các nước phương Tây cũng vướng bê bối.

Christian Coleman, người từng được xem là có khả năng kế vị Usain Bolt vắng ở Olympic Tokyo vì sai hẹn trong kiểm tra doping.

Niềm hy vọng số 1 của điền kinh Mỹ đang thụ án cấm thi đấu 18 tháng vì nguyên nhân gần tương tự Sun Yang. Họ không (hoặc chưa) bị phát hiện dương tính với doping, nhưng vi phạm các quy tắc kiểm tra.

Các VĐV Nga trong sạch cũng dự Thế vận hội hè này với tư cách trung lập, sau bê bối chấn động của nền thể thao nước nhà. Không nền thể thao đỉnh cao nào trong sạch một cách hoàn hảo.

Olympic Tokyo 2020 là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để bơi lội Trung Quốc tìm lại bầu trời sau bê bối Sun Yang.

Sự vắng mặt của kình ngư 29 tuổi khiến bơi lội Trung Quốc không còn cái tên nam nổi bật nào để đọ với những Caeleb Dressel (Mỹ), Adam Peaty (Anh), Daiya Seto (Nhật Bản) hay Kristof Milak (Hungary).

Tuy nhiên, xét về tổng quan, bơi lội Trung Quốc vẫn là một thế lực. Họ mang đến Tokyo 11 VĐV nam và 19 VĐV nữ.

Zhang Yufei là một trong những niềm hy vọng lớn của bơi lội Trung Quốc tại Olympic Tokyo. Nữ kình ngư 23 tuổi đang nổi lên như là biểu tượng mới của bơi lội Trung Quốc.

"Tôi nghĩ áp lực ở kỳ Thế vận hội lần này sẽ rất lớn, lớn hơn cả năm 2016", Yufei nói trên CGTN. "Nhưng lúc này tôi hy vọng mình có thể vượt qua để giành huy chương vàng".

Yufei sẽ tranh tài ở 3 nội dung cá nhân và 2 nội dung đồng đội. Cô đang giữ kỷ lục châu Á ở nội dung 100m bơi bướm với thành tích 55,62 giây.

Nữ kình ngư 19 tuổi, Wang Jianjiahe cũng là cái tên khác được kỳ vọng. Jianjiahe tranh tài ở hai nội dung 800m và 1500m tự do.

Ye Shiwen, người từng đối mặt với những nghi ngờ sau tấm HCV ở London 2012 sẽ vắng mặt ở kỳ Thế vận hội này. Shiwen đã sa sút kể từ khi lập kỷ lục trên đất Anh 9 năm trước.

Cô sẽ cổ vũ các đồng đội qua tivi và hy vọng rằng, họ sẽ không phải đối mặt với những câu hỏi bóng gió hay mỉa mai sau khi phá một kỷ lục nào đó.

Sun Yang và khoảnh khắc trở thành con cưng thể thao Trung Quốc Tám năm trước, Sun Yang giành HCV và phá kỷ lục ở đường đua 400 m tự do Olympic 2012. Kể từ đây, anh được ca ngợi như con cưng của thể thao Trung Quốc.

Sun Yang bị cấm thi đấu hơn 4 năm

Án cấm thi đấu của kình ngư Sun Yang được rút ngắn sau khi Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) công bố phán quyết mới vào đêm 22/6 (giờ Hà Nội).

Hồng An

Bạn có thể quan tâm