Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC và Hội nghị Bộ trưởng Thương mại Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) tại Mỹ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc làm việc với ông Steve Biegun, Phó chủ tịch cấp cao của Tập đoàn Boeing và ông Bernerd De Santos, Phó chủ tịch thường trực kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Năng lượng AES.
Tại cuộc gặp, ông Steve Biegun cho biết Boeing đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam do tiềm năng và vị trí quan trọng của thị trường Việt Nam đối với chiến lược kinh doanh của Boeing.
"Trong thời gian tới, hoạt động của Boeing tại Việt Nam sẽ hợp tác trong một số lĩnh vực đặc thù, như máy bay trực thăng, vận tải; đầu tư phát triển chuỗi cung ứng phụ tùng, thiết bị hàng không tại Việt Nam...", ông nói.
Về phần mình, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết một số nhà cung cấp tại Việt Nam đã và đang hỗ trợ sản xuất một số thành phần máy bay thương mại của Boeing như một số bộ phận trong cấu trúc máy bay, linh kiện, nội thất máy bay và vật liệu tổng hợp.
"Tuy nhiên, các doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ vẫn chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Các doanh nghiệp thuần Việt Nam mới chỉ sản xuất được những linh phụ kiện nhỏ, giá trị gia tăng chưa cao", Bộ trưởng đánh giá.
Bộ trưởng Công Thương làm việc với Phó chủ tịch Boeing Steve Biegun bên lề Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC, tại Mỹ. Ảnh: MOIT. |
"Do đó, đầu tư của Boeing vào Việt Nam trong thời gian tới cần góp phần tích cực để tạo ra tác động lan toả mạnh mẽ hơn tới việc nâng cao năng lực sản xuất, chế tạo của các doanh nghiệp Việt Nam", ông Diên nói.
Bộ trưởng đề nghị Tập đoàn Boeing đẩy nhanh hơn nữa quá trình phát triển các nhà cung ứng tại Việt Nam, xây dựng các dự án kết nối và hỗ trợ cụ thể; cử chuyên gia đến để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân sự, chuyển giao công nghệ khi đã đáp ứng đủ điều kiện...
Còn lãnh đạo Tập đoàn AES cũng cho biết sẽ quyết tâm đẩy nhanh các dự án năng lượng đang được triển khai tại Việt Nam nhằm sớm cung cấp điện năng, đảm bảo đầy đủ năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
Hiện AES cũng đặt ra mục tiêu đạt mức 0 ròng vào năm 2050; đồng thời đang hợp tác với nhiều đối tác để tập trung phát triển chuỗi cung ứng của ngành năng lượng, thúc đẩy thương mại và xuất khẩu các sản phẩm pin tích năng và module năng lượng mặt trời sản xuất tại Việt Nam.
Còn với Tập đoàn AES, Bộ trưởng yêu cầu đầu tư sâu để tăng hàm lượng giá trị gia tăng của Việt Nam trong các sản phẩm, hướng tới sản xuất được các sản phẩm hoàn thiện Made in Vietnam có thể phục vụ cho các dự án tại Việt Nam và xuất khẩu ra thế giới với quy mô lớn.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.