Chuyên cơ Air Force One của tổng thống Mỹ. Ảnh: Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ. |
Dự án thay thế chuyên cơ Air Force One đang trở nên đắt đỏ hơn, đối với cả cổ đông của hãng sản xuất máy bay và người nộp thuế ở Mỹ, theo Wall Street Journal. Trước đó, dự án này vốn đã gặp phải nhiều vấn đề.
Công ty hàng không vũ trụ Arlington (Virginia) cho biết họ dự kiến mất thêm 766 triệu USD cho dự án biến hai máy bay phản lực 747-8 thành “Nhà Trắng ở trên không”. Dự án này được cho sẽ chậm tiến độ nhiều năm.
Điều đó nâng tổng số lỗ liên quan đến nỗ lực này lên gần 2 tỷ USD, theo hồ sơ chứng khoán. Các khoản này nằm trong khoản chi phí khiến Boeing báo cáo khoản lỗ 3,3 tỷ USD trong quý III.
Khoản thua lỗ lớn
Trong khi đó, Financial Times nhận định Air Force One là một biểu tượng của sức mạnh Mỹ, nhưng đối với nhà sản xuất chiếc chuyên cơ này, nó đang gây ra nhiều vấn đề.
Hai chiếc máy bay phản lực 747 cũ - được coi là Air Force One khi chở tổng thống Mỹ - được đưa vào phục vụ năm 1990 dưới thời chính quyền ông George Bush.
Chúng là những máy bay phục vụ tổng thống lâu nhất trong lịch sử Mỹ, và Không quân Mỹ cho biết sự chậm trễ của Boeing có thể khiến chúng tiếp tục được sử dụng đến cuộc bầu cử năm 2028.
Ban lãnh đạo Boeing cho rằng chi phí tăng thêm của Air Force One là do các vấn đề về nhà cung cấp, thách thức kỹ thuật và tình trạng thiếu lao động.
Một loạt vấn đề với dự án Air Force One của Boeing cũng khiến chi phí của các cổ đông tăng thêm, bao gồm những vấn đề kỹ thuật chưa được báo cáo trước đây liên quan đến các vết nứt về mặt cấu trúc.
Hai chiếc máy bay 747 được sử dụng làm chuyên cơ Không lực Một từ thời chính quyền cựu Tổng thống George Bush. Ảnh: Shutterstock. |
Giám đốc tài chính Brian West của Boeing hôm 26/10 cho biết khoản phí mới nhất dành cho Air Force One phản ánh ước tính tốt nhất của nhà sản xuất về những gì họ cần để hoàn thành máy bay phản lực này. Công ty còn cho biết họ có thể thua lỗ nhiều hơn.
Tại một hội nghị nhà đầu tư hôm 1/11, ban lãnh đạo cho biết mục đích của họ là cải thiện kỹ thuật và chất lượng trong khi cố gắng ổn định hoạt động.
“Chúng tôi tự hào và vui mừng khi được giao hai chiếc máy bay hoàn hảo cho tổng thống của chúng ta”, Ted Colbert, một lãnh đạo của Boeing, cho biết.
Boeing đã đạt được thỏa thuận sản xuất hai chiếc máy bay mới vào năm 2018 với ông Donald Trump - Tổng thống Mỹ vào thời điểm đó. Ông Trump đã yêu cầu các máy bay này được đưa vào sử dụng trong năm 2021, nhưng dự án đó đã bị trì hoãn nhiều lần, theo CNN.
Trong khi đó, Không quân Mỹ tuyên bố cho đến khi các máy bay mới được chuyển giao, lực lượng này vẫn đảm bảo hai chiếc Air Force One hiện tại sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Hồi đầu năm, Không quân Mỹ cho biết họ dự kiến hai máy bay mới được bàn giao muộn 2-3 năm. Ban đầu, Boeing đã đồng ý giao các máy bay này vào cuối năm 2024 như một phần của thỏa thuận năm 2018 với ông Trump.
Bên cạnh đó, Giám đốc điều hành Boeing David Calhoun cho biết mức giá 3,9 tỷ USD của thỏa thuận này là quá thấp khi nhìn lại.
Andrew Hunter, lãnh đạo bộ phận mua lại của Không quân Mỹ, cho biết họ đang làm việc chặt chẽ với Boeing để giải quyết các vấn đề và sự chậm trễ.
Trong khi thỏa thuận của Boeing là một hợp đồng giá cố định với chính phủ Mỹ, nhà sản xuất máy bay đã báo hiệu rằng họ có thể yêu cầu thêm hơn 500 triệu USD để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc một nhà cung cấp chính bị phá sản và sự chậm trễ liên quan đến đại dịch Covid-19.
Xói mòn niềm tin
Một phát ngôn viên của Không quân Mỹ cho biết công ty này chưa yêu cầu khoản cấp vốn bổ sung đó. Trong khi đó, phát ngôn viên của Boeing cho biết công ty đã chia sẻ thông tin với Lầu Năm Góc về tác động của đại dịch, lạm phát và những thách thức khác.
Sự chậm trễ của Boeing trong việc cung cấp các máy bay phản lực mới có thể khiến người nộp thuế phải trả hơn 340 triệu USD để duy trì hoạt động của những máy bay Air Force One hiện tại, theo Không quân Mỹ.
Các máy bay hiện tại sẽ tốn thêm 70 triệu USD để vận hành mỗi năm so với những chiếc mới, và quá trình bảo trì của chúng của thể tốn tới 100 triệu USD mỗi chiếc.
Các vết nứt tiềm ẩn trong cấu trúc bằng nhôm cũng nằm trong vấn đề mà Boeing gặp phải. Tuy nhiên, vấn đề đó sẽ không gây thêm sự chậm trễ nếu công việc giải quyết các vết nứt được thực hiện song song với những công việc khác, Trung tướng quân đội David Bassett, Giám đốc Cơ quan Quản lý Hợp đồng Quốc phòng, cho biết.
Tổng thống Biden bước xuống từ chuyên cơ Air Force One. Ảnh: Reuters. |
Bên cạnh đó, Boeing cho biết họ có trách nhiệm với khách hàng trong việc đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về kiểm soát chất lượng. Không quân cho biết Boeing đã thành công trong việc thực hiện kế hoạch cải thiện hệ thống điều khiển công cụ của mình.
Các quan chức quân sự đã đưa ra cảnh báo về các lỗi an ninh tại cơ sở San Antonio của Boeing, theo một lá thư của Không quân gửi cho Boeing.
“Các sự kiện và xu hướng gần đây trong vấn đề an ninh của chương trình này đã làm xói mòn niềm tin của chính phủ vào khả năng của công ty Boeing trong việc quản lý các khía cạnh khác nhau của vấn đề an ninh rộng lớn của chương trình VC-25B (Air Force One)”, một quan chức của Không quân Mỹ cho biết.
Đầu năm nay, các công nhân nhà máy Boeing đã có nguy cơ làm hỏng cánh của một trong những máy bay phản lực do lỗi sản xuất.
Một cuộc kiểm tra sau đó đã phát hiện ra một nhân viên của Boeing không được cấp giấy chứng nhận hợp lệ và một người khác đã không vượt qua bài kiểm tra chất kích thích.
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Phân cực chính trị ở Mỹ hiện nay: Tình hình, nguyên nhân và tác động” do NXB Khoa học Xã hội xuất bản năm 2019. Cuốn sách khái quát về hệ thống chính trị Mỹ, định nghĩa phân cực chính trị, lịch sử hình thành và tình hình phân cực ở Mỹ hiện nay. Bên cạnh đó cuốn sách cũng nêu nguyên nhân và tác động của phân cực chính trị, cũng như đánh giá xu hướng chính trị Mỹ trong thời gian tới.