Thông tin này xuất hiện trong bối cảnh các nhà chức trách vẫn chưa chắc chắn về đường bay của chiếc máy bay sau khi nó cất cánh từ sân bay Kuala Lumpur hôm 8/3.
Nghi ngờ này làm dấy lên khả năng chiếc máy bay chở 239 người có thể đã di chuyển thêm hàng trăm km.
Malaysia tập trung tìm kiếm phi cơ mất tích tại khu vực vệ tinh Trung Quốc phát hiện 3 vật khả nghi. Đồ họa: Hồng Duy. |
Tín hiệu cuối cùng của chiếc máy bay trên màn hình radar xuất hiện vào trước 1h30 sáng ngày 8/3, khoảng một giờ sau khi nó cất cánh từ sân bay Kuala Lumpur và bay theo hướng đông bắc, dọc theo Vịnh Thái Lan để tới Bắc Kinh.
Dựa trên dữ liệu tự động và dữ liệu mà máy bay gửi về mặt đất, các nhà điều tra hàng không và các quan chức an ninh Mỹ tin rằng, Boeing 777 vẫn bay khoảng 4 giờ kể từ khi nó tới địa điểm được xác định cuối cùng và biến mất. Điều đó có nghĩa là phi cơ đã bay tổng cộng trong 5 giờ.
Tuy nhiên, sau đó, hãng hàng không quốc gia Malaysia (MAS) khẳng định, thông tin cho rằng động cơ chiếc Boeing 777 vẫn hoạt động 4 giờ sau khi mất tích hoàn toàn không chính xác. Trong cuộc họp báo ngày 13/3, ông Ahmad Jauhari Yahya, quan chức điều hành MAS, cho biết, nhà sản xuất máy bay Boeing và hãng chế tạo động cơ Rolls Royce đều phủ nhận thông tin họ nhận được tin nhắn báo tình trạng máy bay từ hệ thống thông tin dữ liệu tự động (ACARS).
Thân nhân một hành khách trên chuyến bay MH370 ngồi chờ tin tại khách sạn ở Bắc Kinh. Ảnh: AP. |
Ông Ahmad khẳng định: “Một số thông tin cho rằng chiếc máy bay tiếp tục truyền dữ liệu sau khi hãng thông báo nó mất tích là hoàn toàn không chính xác. Hồ sơ lưu trữ của chúng tôi chỉ rõ, chuyến bay MH370 gửi tín hiệu ACARS lần cuối cùng là lúc 1h7 phút ngày 8/3. Chúng tôi đã liên lạc với Rolls Royce và Boeing nhưng cả hai hãng đều phủ nhận việc nhận tin nhắn từ chiếc máy bay mất tích”.
Quyền Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia, ông Datuk Seri Hishammuddin Hussein, cho biết, đại diện của Boeing và Rolls Royce đã có mặt ở Malaysia từ hôm 9/3 nhưng không ai trong số họ đề cập tới việc chiếc máy bay mất tích tiếp tục gửi tin nhắn sau khi nó mất liên lạc với MAS. Hiện tại, họ vẫn hợp tác với đội điều tra của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ để hỗ trợ Malaysia tìm tung tích chiếc Boeing 777 cùng 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn.
Trong khi đó, cơ quan quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) hôm nay cho biết, hồi tháng 9/2013, họ cảnh báo các vết nứt trên bề mặt có thể khiến áp suất trong buồng lái Boeing 777 giảm đột ngột hoặc làm nó nổ trên không trung.
Cụ thể, FAA yêu cầu các hãng hàng không kiểm tra lỗi đó trước khi cho máy bay cất cánh. “Chúng tôi đã đề nghị rà soát và sửa chữa các vết nứt trên thân máy bay, có thể dẫn đến việc giảm áp suất đột ngột và máy bay gãy đôi trong khi bay”, thông cáo của FAA viết.
Cũng theo thông cáo này, khi áp suất giảm đột ngột trong khoang lái, phi hành đoàn và hành khách có thể bất tỉnh và không ai có thể kiểm soát máy bay.
Chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích ngày 8/3 cùng 239 hành khách và phi hành đoàn đã hoạt động 12 năm với 7.525 lượt bay. Hiện vẫn chưa rõ liệu hãng hàng không này đã thực hiện việc kiểm tra đặc biệt theo cảnh báo của FAA hay chưa.