Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bộ Y tế sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất vaccine trong nước'

"Bộ Y tế sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là khi thấy kết quả vaccine được phát triển hiệu quả", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn trả lời câu hỏi của Zing.

Chiều 1/7, ngay sau khi Chính phủ họp thường kỳ tháng 7 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ. Chủ trì họp báo là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Hỗ trợ đơn vị nghiên cứu vaccine trong nước

Trả lời câu hỏi của Zing về việc Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM thế nào trong thời gian tới để sớm dập dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết dịch tại TP.HCM cơ bản được kiểm soát, nhưng vẫn tiềm ẩn những yếu tố khó lường. Bộ Y tế đã đặt tổ công tác thường trực do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn tại TP.HCM gồm nhiều chuyên gia có kinh nghiệm từ các đợt dịch khác.

"Tổ công tác cùng TP.HCM đã chuẩn bị mọi phương án đối phó, như lập bệnh viện dã chiến. Bộ Y tế cũng cung cấp thêm vaccine, tạo điều kiện để TP chủ động mua vaccine", ông Thuấn nói.

hop bao chinh phu thuong ky thang 6/2021 anh 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn. Ảnh: Tùng Hiếu.

Về câu hỏi hỗ trợ đầu ra cho các loại vaccine Covid-19 trong nước, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết từ tháng 5/2020, Bộ Y tế đã gặp gỡ các tổ chức nghiên cứu để bàn con đường ngắn nhất để có vaccine, nhất là trong bối cảnh chúng ta không có nhiều tiền.

Bộ Y tế cử các nhà khoa học có kinh nghiệm, tham vấn các chuyên gia WHO để sản xuất vaccine ở Việt Nam, giúp xây dựng đề cương rút ngắn tối đa quy trình phê duyệt vaccine.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã cấp tiền cho nghiên cứu, cùng các khoản nghiên cứu xã hội hóa khác. Bộ Y tế đã tăng cường hỗ trợ nhà nghiên cứu, huy động nguồn lực gồm cán bộ y tế, tăng cường tối đa mẫu nghiên cứu, sớm đạt được 13.000 tình nguyện viên... Hội đồng đạo đức đã cho phép đơn vị sản xuất thực hiện gối đầu các giai đoạn nghiên cứu giảm thời gian.

Dựa trên kết quả nghiên cứu, Hội đồng đạo đức sẽ nghiên cứu, xem xét và đề xuất phù hợp tùy theo kết quả, tùy theo tình hình dịch, tùy theo tình hình cung ứng vaccine.

“Đương nhiên là Bộ Y tế sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là khi thấy kết quả vaccine được phát triển hiệu quả”, ông Thuấn nói.

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế

Trước đó, mở đầu họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cung cấp một số thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6. Theo đó, các thành viên Chính phủ đã dành nhiều thời gian để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, cũng như phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

hop bao chinh phu thuong ky thang 6/2021 anh 2

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Ảnh: Tùng Hiếu.

Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP quý II ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý 2 năm 2020, nhưng thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ các năm 2018 và 2019.

Tính chung, GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020, nhưng thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm 2018 và 2019.

Dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 4 với những diễn biến phức tạp, khó lường đã đặt ra nhiều thách thức, rủi ro cho nước ta trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.

GDP 6 THÁNG ĐẦU NĂM TRONG 5 NĂM GẦN NHẤT

Nhãn20172018201920202021

% 5.837.056.771.825.64

Động lực tăng trưởng chính vẫn là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong khi đó, tính chung 6 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam nhập siêu 1,47 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cũng nhắc lại phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp sáng 1/7. Theo đó, Chính phủ vẫn chưa thay đổi mục tiêu đã đề ra, nhưng phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hài hòa giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.

"Có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phòng chống dịch, có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, có nơi, có lúc phải cân bằng cả hai mục tiêu, nhiệm vụ này", ông nhắc lại phát biểu của Thủ tướng.

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng 2 kịch bản thực hiện mục tiêu tăng trưởng đã được Quốc hội và Chính phủ giao.

Kịch bản 1, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, quý III cần đạt mức tăng trưởng là 6,2% (thấp hơn Nghị quyết 01 0,5 điểm phần trăm), quý IV tăng 6,5% (thấp hơn Nghị quyết 01 0,2 điểm phần trăm).

Kịch bản 2, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý III phải đạt mức tăng trưởng là 7% (cao hơn Nghị quyết 01 0,3 điểm phần trăm) và quý IV tăng 7,5% (cao hơn Nghị quyết 01 0,8 điểm phần trăm).

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết các thành viên Chính phủ nhận định tình hình kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi nhưng còn nhiều rủi ro, thách thức. Dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường có thể gây đứt gãy đến dòng thương mại toàn cầu, tiêm chủng chưa đồng đều giữa các quốc gia. Sản xuất, kinh doanh trong nước còn nhiều khó khăn, nhất là ngành dịch vụ, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chính phủ thống nhất chủ trương chống dịch hợp lý, hiệu quả, đạt “mục tiêu kép”, chỉ giãn cách, phong tỏa khi thực sự cần thiết và phù hợp. Ngoài ra, thực hiện chiến lược vaccine nhanh nhất, chất lượng nhất, thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước, sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, cần sớm thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngay chiều nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Nghị quyết 68 với 12 chính sách hỗ trợ người lao động, người chịu ảnh hưởng bởi dịch với số tiền khoảng 26.000 tỷ đồng.

Buổi họp báo có sự tham dự của Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ông Dung trực tiếp cung cấp thông tin về gói hỗ trợ của Chính phủ.

Gói này dự kiến hỗ trợ trực tiếp nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sâu, không có khả năng lao động và không có khả năng phục hồi, đặc biệt là những người phải nghỉ việc, ngừng việc, giãn việc do yêu cầu của cấp thẩm quyền; hỗ trợ tín dụng để doanh nghiệp trả lương, phục hồi sản xuất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 6

Chính phủ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm