- Sau khi kết thúc phiên họp Chính phủ thường kỳ chiều 5/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ đầu tiên kể từ khi được phê chuẩn bổ nhiệm.
- Cùng dự có nhiều lãnh đạo các bộ, ngành như Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải; Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương; Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn; Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn; Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng; Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân; Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc; Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến; Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú; Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam, Chánh văn phòng Bộ Công an - trung tướng Tô Ân Xô và đại diện UBND Hà Nội.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn lần đầu chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ. Ảnh: Tùng Hiếu. |
-
Kinh tế giữ đà phục hồi
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 ước tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Covid-19 được kiểm soát tốt, cộng thêm việc các hiệp định thương mại tự do phát huy hiệu quả, nên hoạt động sản xuất - kinh doanh đã sôi động trở lại.
Tính chung 4 tháng, IIP cũng có mức tăng ấn tượng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến - chế tạo tăng 12,7%, cao hơn mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm đạt tốc độ tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, với 14.900 doanh nghiệp và 179.900 tỷ đồng, tăng 33,1% về số doanh nghiệp và tăng 59,1% về vốn đăng ký.
Ảnh: Việt Linh.
-
Chính phủ thảo luận Covid-19 ngày càng phức tạp
Sáng 5/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4. Đây là phiên họp Chính phủ đầu tiên diễn ra sao kiện toàn.
Chính phủ tập trung thảo luận về 8 nội dung, bao gồm một số vấn đề nổi lên gần đây trong công tác phòng, chống Covid-19 khi dịch bệnh ngày càng phức tạp, xuất hiện tình huống xấu và khó lường, nhiều địa phương xuất hiện các ca nhiễm trong cộng đồng.
Chính phủ sẽ thảo luận công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, bảo đảm tổ chức thành công sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong tháng này.
Ảnh: VGP.
-
Phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên sau kiện toàn
Trong phiên họp thường kỳ tháng 4 diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ tập trung thảo luận về 8 nội dung, bao gồm một số vấn đề nổi lên gần đây.
Điển hình là công tác phòng, chống Covid-19 khi dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, xuất hiện tình huống xấu và khó lường, nhiều địa phương xuất hiện các ca nhiễm trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thảo luận công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, bảo đảm tổ chức thành công sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong tháng này.
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021 cùng một số nội dung quan trọng khác cũng được các thành viên Chính phủ thảo luận, cho ý kiến trong phiên họp.
-
Không lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không hoang mang
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết tại phiên họp thường kỳ, nội dung đầu tiên Chính phủ xem xét là vấn đề nổi lên trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Tình hình được nhận định ngày càng xấu và phức tạp, nhiều địa phương có ca nhiễm mới. Chính phủ nhận định thời gian qua Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng, ban chỉ đạo quốc gia thường xuyên chỉ đạo quyết liệt, nhiều biện pháp được triển khai, dịch cơ bản trong tầm kiểm soát.
“Song, dự báo dịch còn phức tạp và kéo dài, chưa một quốc gia nào khẳng định thời điểm dịch kết thúc nên chúng ta cần kiểm soát tốt”, người phát ngôn Chính phủ nói.
Ảnh: Tùng Hiếu.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn nhấn mạnh nhiệm vụ của Chính phủ và các địa phương là phòng chống dịch Covid-19 có hiệu quả, nỗ lực giữ vững các thành quả đã đạt được, tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
“Các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác nhưng cũng không được bi quan, hoang mang”, người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh.
-
Chống dịch phải thực chất, cụ thể, chi tiết, không hình thức, phô trương
Theo Bộ trưởng Sơn, Thủ tướng đã nhấn mạnh và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo về phòng, chống dịch, chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch.
“Chống dịch phải thực chất, cụ thể, chi tiết, tuyệt đối không hình thức, phô trương”, ông Sơn nói và nhấn mạnh chủ trương đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết.
Cùng với đó là việc nêu cao ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống dịch, tuyệt đối không bao che, nể nang mà cần xử nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, không thực hiện nghiêm quy định về cách ly, tùy mức độ có thể bị xem xét khởi tố hình sự.
Theo ông Trần Văn Sơn, Thủ tướng đã giao Bộ Y tế chủ trì, chỉ đạo đảm bảo nhân lực, thuốc chữa bệnh và các phương án theo các kịch bản; chủ động tiếp cận nhiều nguồn vaccine, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine hiện có.
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy toàn bộ số vaccine đã nhập vừa qua sẽ được tiêm hết vào ngày 15/5.
Nói thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho hay Chính phủ thảo luận rất kỹ về đề án nhập khẩu, sản xuất và tổ chức tiêm vaccine, bố trí huy động các nguồn lực, giao Bộ Y tế hoàn chỉnh trong tháng 5.
Chính phủ cũng đồng ý với việc công dân Việt Nam về nước hợp pháp bằng được bộ khi cách ly y tế sẽ được Nhà nước hỗ trợ các chi phí như chi phí đưa đón, xét nghiệm sàng lọc, phục vụ ăn ở…
-
Chính phủ kiên định thực hiện “mục tiêu kép”
Theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, kinh tế 4 tháng đầu năm tiếp tục phục hồi, đạt được nhiều kết quả tích cực. Chỉ số CPI 0,89%, mức thấp nhất từ 2016 đến nay. Các cân đối lớn của nền kinh tế đảm bảo. Thu ngân sách 4 tháng đạt 40,7% dự toán, gia hạn nộp thuế 24.000 tỷ đồng theo Nghị định 52. Đã bố trí được 12.000 tỷ đồng tiết kiệm chi thường xuyên của năm 2020 để chuyển năm 2021 mua vaccine.
Ông nhấn mạnh Chính phủ kiên định thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách để giải phóng nguồn lực, sử dụng nguồn lực có hiệu quả, để phát triển đất nước.
-
Sẽ cung cấp hàng tuần thông tin của lãnh đạo Chính phủ tới báo chí
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết trong tháng 5, Văn phòng Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế một tuần vào một ngày cố định sẽ gặp gỡ, trao đổi với các cơ quan báo chí để cung cấp thông tin, hoạt động của Thủ tướng, các phó thủ tướng và các thành viên Chính phủ.
Ảnh: Tùng Hiếu.
-
Zing đặt 2 câu hỏi tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4:
1. Nhiều địa phương xuất hiện tình trạng phớt lờ lệnh cấm, cố tình hoạt động các dịch vụ không được phép. Điển hình như tại TP.HCM đêm 4/5, cơ quan chức năng đã phát hiện quán karaoke trá hình, có cả lối thoát hiểm, có cả khách Trung Quốc đang trong thời gian giám sát y tế. Điều này gây ra nguy cơ dịch Covid-19 ngày càng nguy hiểm. Vậy Chính phủ nhận định thế nào về trách nhiệm của các địa phương về vấn đề này? Trước nguy cơ dịch bệnh ngày càng gia tăng, Bộ Y tế đã xây dựng kịch bản lên tới 30.000 ca nhiễm ra sao?
2. Việc nghiên cứu hộ chiếu vaccine đã được Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch nghiên cứu ra sao? Trước đề xuất của Quảng Nam chấp nhận hộ chiếu vaccine, Chính phủ đã có câu trả lời hay chưa?
-
Tăng thời gian cách ly tập trung từ 14 lên 21 ngày
Liên quan đến các câu hỏi về Covid-19 báo chí đặt ra tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đại diện trả lời và cung cấp thông tin chung về tình hình dịch.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết tại Việt Nam, mới đây nhất đã ghi nhận 14 ca mắc Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, gồm 2 nhân viên y tế, 8 người bệnh và 4 người nhà. Bộ trưởng Y tế đã chỉ đạo đóng cửa bệnh viện, đồng thời ra lệnh cách ly bệnh viện từ hôm nay đến 19/5.
Trước diễn diễn phức tạp của dịch, sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia, nhất là khi virus có nhiều biến chủng mới, Bộ trưởng Y tế đã định quyết tăng thời gian cách ly tập trung từ 14 lên 21 ngày, kể từ hôm nay.
Theo ông Thuấn, ngay từ ngày đầu có dịch, chúng ta nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Chúng ta cũng từng được nghe nhiều câu nói thấm vào lòng người, như “chống dịch như chống giặc”. Ông cũng dẫn câu hói của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc họp hôm 1/5, đó là “đừng để một người lơ là làm cho cả xã hội vất vả”.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết có rất nhiều văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch. Thủ tướng đã chỉ đạo thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương chủ động cập nhật tình hình trong nước và thế giới, rà soát, thực hiện nghiêm các giải pháp chống dịch, không để bị động trong các kịch bản bùng phát dịch.
Với cá nhân, phải thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang. Các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tăng cường kiểm tra, giám sát việc cách ly bắt buộc tại các cơ sở cách ly.
Trong khi Thứ trưởng Bộ Y tế đang thông tin lại loạt văn bản và các chỉ đạo về chống dịch, Bộ trưởng Trần Văn Sơn ngắt lời và cho biết những thông tin đó đã rõ. Ông đề nghị Thứ trưởng Bộ Y tế tập trung trả lời câu hỏi về hộ chiếu vaccine và việc có tiếp tục cho các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam hay không.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn. Ảnh: Tùng Hiếu.
-
Không cấm chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam
Về chủ trương cho phép các chuyên gia nước ngoài tiếp tục vào Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định “không cấm chuyên gia”, song ông lưu ý phải đúng người và thực sự hiệu quả về công việc và công tác phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Thuấn cho biết Thủ tướng đã yêu cầu kích hoạt lại tổ công tác liên ngành gồm 5 bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, Y tế, GTVT để xem xét tùy vào từng trường hợp để đưa chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam.
“Đưa chuyên gia vào phải hiệu quả nhưng cũng phải an toàn”, ông Thuấn nói.
-
Khi nào áp dụng “hộ chiếu vaccine”?
Trả lời câu hỏi của Zing, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Bộ vẫn đang cùng các bộ ngành nghiên cứu thêm về “hộ chiếu vaccine”, mục tiêu là quyết định thời điểm phù hợp để áp dụng.
Ông Thuấn thông tin các nước trên thế giới còn nhiều thảo luận về vấn đề hộ chiếu vaccine. Nhiều ý kiến cho rằng việc áp dụng chỉ khả thi khi có được miễn dịch cộng đồng, nghĩa là 70% dân số được tiêm vaccine trở lên. Trong khi đó, chưa có loại vaccine nào có hiệu quả tới 100%.
“Bộ Y tế sẽ xem xét đầy đủ việc áp dụng hộ chiếu vaccine để đảm bảo và an toàn. Giai đoạn hiện nay bên cạnh việc tiêm chủng cần thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, thực hiện tốt các biện pháp này là góp phần đẩy lùi dịch bệnh”, ông Thuấn nói.
Ảnh: Tùng Hiếu.