Thời gian gần đây, quảng cáo thuốc đông y "nhà tôi 3 đời nhận chữa", “chỉ cần để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ tư vấn tận tình miễn phí", hay thuyết phục hơn “không khỏi không lấy tiền”... xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội YouTube.
Zing đã có trao đổi với đại diện Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) về tình trạng thực phẩm chức năng kém chất lượng mạo danh thuốc đông y đang được quảng cáo, bán công khai trên thị trường.
"Quảng cáo sai sự thật"
Đại diện Cục An toàn Thực phẩm cho biết thời gian qua, tình hình quảng cáo thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe có diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng quảng cáo xuyên biên giới, quảng cáo trên mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube...
"Các vi phạm chủ yếu trong quảng cáo thực phẩm chức năng hoặc thực phẩm bảo vệ sức khỏe là quảng cáo sai sự thật, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu lầm với thuốc chữa bệnh", vị đại diện này nhấn mạnh.
Không chỉ vậy, nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng hoặc thực phẩm bảo vệ sức khỏe mạo danh thuốc đông y còn sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các cơ sở y tế, bác sỹ kèm theo phản hồi của người tiêu dùng có tác dụng điều trị bệnh hoặc có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Quảng cáo thực phẩm chức năng đội lốt thuốc đông y tràn lan trên YouTube nhiều ngày qua. |
Trước thực trạng đó, Cục An toàn thực phẩm đã tổ chức họp với các cơ quan chức năng liên quan về phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe như: Cục thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương); Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Thanh tra Bộ (Bộ Thông tin và Truyền thông) và các phòng ban liên quan.
Đặc biệt, phía Cục đã thành lập tổ phản ứng nhanh xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Chủ động rà soát và đăng cảnh báo trên website Cục về các đường link có sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm quy định về quảng cáo.
Đối với các trường hợp có sử dụng người nổi tiếng, văn nghệ sĩ để quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm quy định về quảng cáo, Cục đã gửi công văn cho Cục Văn hóa Cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị nhắc nhở các văn nghệ sĩ không quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, chưa được cơ quan chức năng kiểm duyệt.
Còn nhiều lỗ hổng trong quản lý quảng cáo thuốc đông y giả
Đại diện Cục An toàn Thực phẩm cũng thừa nhận hiện nay có một số quảng cáo đặt máy chủ ở nước ngoài khiến cơ quan chức năng không thể xác định được chủ tên miền website.
"Sự phối hợp về quản lý quảng cáo giữa các cơ quan chủ quản của đơn vị phát hành quảng cáo và cơ quan chức năng duyệt nội dung quảng cáo chưa được chặt chẽ, dẫn đến tình trạng có những quảng cáo chưa được thẩm định nội dung mà vẫn được phát hành", vị đại diện này nói.
Ngoài ra, theo đại diện Cục, một số hình thức quảng cáo như quảng cáo trên website, Internet, các hội thảo, bài viết; quảng cáo qua phương thức truyền tiêu đa cấp... rất khó quản lý nên các doanh nghiệp vẫn lợi dụng các hình thức này để quảng cáo.
Còn nhiều lỗ hổng trong quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng kém chất lượng mạo danh thuốc đông y. Ảnh: Đ.L |
Do đó, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng khi có bệnh người bệnh nên tới bệnh viện, cơ sở y tế để được các bác sĩ khám bệnh và chỉ định phác đồ điều trị, không nên tự ý mua sản phẩm dựa trên thông tin quảng cáo.
Đại diện Cục cho biết thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh.
"Thực phẩm chức năng hoặc thực phẩm bảo vệ sức khỏe không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh", vị đại diện này nhấn mạnh. Trước khi mua sản phẩm thực phẩm chức năng hoặc thực phẩm bảo vệ sức khỏe, người dùng nên tìm hiểu thông tin trên website các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trước đó, theo phản ánh của Zing, lợi dụng những sơ hở trong hoạt động quảng cáo, kinh doanh trên không gian mạng đặc biệt là YouTube, nhiều đơn vị đăng kí kinh doanh thực phẩm chức năng đã dùng nhiều chiêu trò, bịa đặt trắng trợn về sản phẩm để giăng bẫy khách hàng.
Được quảng cáo như "thần dược" chữa bệnh, giá bán khá đắt từ 400.000-1,5 triệu đồng song thực tế, các loại thực phẩm chức năng đội lốt thuốc đông y này chỉ có giá nhập sỉ vài chục nghìn đồng.