"Nhà tôi 3 đời nhận chữa", “chỉ cần để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ tư vấn tận tình miễn phí", hay thuyết phục hơn “không khỏi không lấy tiền”... là những lời quảng cáo xuất hiện dày đặc trên các video YouTube nhiều ngày qua.
Tuy nhiên, đằng sau những lời quảng cáo "có cánh" ấy, nhiều cơ sở đang lừa dối người bệnh, lừa dối người tiêu dùng.
Học kinh tế nhưng vẫn có thể trở thành "y sĩ"
Không bằng cấp, không kinh nghiệm, chỉ với những kịch bản có sẵn rồi tự xưng là bác sĩ, y sĩ, mỗi ngày tư vấn cho hàng trăm người bệnh qua điện thoại để dẫn dụ họ mua các sản phẩm thuốc đông y không đảm bảo an toàn. Đó là câu chuyện của chị Ngọc Nhung (26 tuổi, Hà Nội) đã xin nghỉ việc sau 2 năm làm việc tại một công ty bán thuốc chữa mụn, gan, thận online.
Tốt nghiệp đại học bằng cử nhân kinh tế nhưng chị Nhung vẫn không ngờ bản thân lại có thể trở thành nhân viên telesale (gọi điện tư vấn) của một công ty kinh doanh thuốc đông y.
Theo người phụ nữ 26 tuổi này, để “hô biến” những người không có kiến thức, không có kinh nghiệm về ngành y như chị trở thành y sĩ, dược sĩ, công ty đã bày vẽ ra rất nhiều mánh khóe, chiêu trò. "Họ cung cấp bộ tài liệu gồm: Một tờ giấy giới thiệu về công ty, một tờ giấy hướng dẫn cách nói chuyện chốt đơn. Và chỉ sau một ngày học thuộc, tôi đã có thể thực hành tư vấn dẫn dụ người bệnh mua những loại thuốc chữa mụn, gan, thận", chị kể.
Mỗi ngày, chị đều đặn gọi điện cho khoảng 50-100 khách hàng vừa tư vấn vừa chốt đơn dưới cái mác là một "y sĩ" chuyên nghiệp với mức thu nhập trung bình từ 8-11 triệu đồng/tháng.
Kịch bản dành cho nhân viên tư vấn đều là những lời lẽ "dọa bệnh" để "hù họa " đánh vào tâm lý khách hàng. |
Để tạo sự tin tưởng tuyệt đối cho khách hàng, những "y sĩ" như chị luôn nói những lời khẳng định chắc nịch như: "Điều trị ở bệnh viện không thể khỏi được", “dùng một liệu trình là khỏi”, "cam kết khỏi 100%".... "Từ trị mụn đến chữa gan, thận đều phải 'gắn mác' gia truyền, được làm hoàn toàn từ thảo dược quý", chị kể.
"Nhưng thực ra thuốc của các công ty đông y bán theo kiểu online thì 90% đều là rác chứ đừng nói là thuốc", chị khẳng định. Bởi chị Nhung đã từng chứng kiến 3-4 nhân viên ngồi trong kho đóng gói thủ công và không có bất kỳ thông tin nào trên bao bì.
Đặc biệt, điều khiến chị Nhung cảm thấy "cắn rứt lương tâm" nhất chính là những phản hồi của khách hàng. Theo chị, có 10 cuộc điện thoại của khách hàng thì 6 cuộc báo bệnh không tiến triển, 4 cuộc còn lại thì bệnh nặng hơn ban đầu. "Sau mỗi lần như thế chúng tôi đều nói do cơ địa mỗi người hấp thụ thuốc khác nhau nên anh/chị vui lòng dùng thêm một liệu trình nữa", chị Nhung nhớ lại.
Đáng nói, sau khi dùng thuốc của công ty một bệnh nhân đã tử vong nhưng khi người thân gọi điện phản ánh thì vẫn như mọi khi chị Nhung đều chọn cách tắt máy, chặn số. "Những lần tắt máy, chặn số như thế này không biết tôi đã làm bao nhiêu lần. Và khi ngồi nghĩ lại tôi đã quyết định xin nghỉ việc", chị nói.
Theo chị, để trở thành một y sĩ, dược sĩ hay bác sĩ, để được ngồi tư vấn cho bệnh nhân thì phải được học và đào tạo về ngành y một cách bài bản. "Chứ chỉ dựa vào mấy tờ giấy, học thuộc và chốt đơn thì đúng là chúng ta đang giết người bệnh", chị hối hận.
Việc nhẹ, lương cao, công việc này đã và đang lôi kéo rất nhiều người trẻ tham gia hoạt động kinh doanh trái phép. Ở đây, dường như mọi chuẩn mực đạo đức, mọi quy định của pháp luật đều bị gạt sang một bên, tất cả chỉ vì mục đích kiếm tiền.
Thuốc giả, thực phẩm chức năng gian lận thương mại vào "tầm ngắm"
Thực tế, hiện nay lợi dụng những sơ hở trong hoạt động quảng cáo, kinh doanh trên không gian mạng đặc biệt là YouTube, nhiều đơn vị đăng kí kinh doanh thực phẩm chức năng đang mặc sức nói về sản phẩm của mình, thậm chí bịa đặt trắng trợn về sản phẩm để thu hút sự quan tâm, qua đó lấy được số điện thoại và thông tin bệnh lý của khách hàng.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), từ đầu năm 2020 đến nay, Cục đã xử phạt 45 cơ sở kinh doanh với tổng số tiền là 2,9 tỷ đồng. Trong đó, đa số vi phạm của các công ty là hành vi quảng cáo sản phẩm không phù hợp với tài liệu theo quy định. Thời gian qua, Cục cũng liên tục phát thông báo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ có nội dung quảng cáo sai sự thật trên các website và đề nghị người tiêu dùng không mua, không sử dụng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và kinh tế.
Mặc dù vậy, những video quảng cáo thực phẩm chức năng kém chất lượng đội lốt thuốc đông y gia truyền vẫn xuất hiện ngày càng nhiều khiến nhiều người tiêu dùng bị mắc bẫy.
Quảng cáo thuốc đông y "nhà tôi 3 đời nhận chữa" tràn lan trên YouTube nhiều ngày qua. Ảnh: ĐL. |
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, đánh giá vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên Internet ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, gây bức xúc. Ông nhấn mạnh Ban chỉ đạo 389 quốc gia sẽ tăng cường đấu tranh bằng các biện pháp nghiệp vụ. Ông Thế cũng mong muốn người dân, ai phát hiện các hành vi vi phạm có thể thông báo tới cơ quan chức năng, giúp Ban chỉ đạo 389 có thể làm tốt công tác này.
Mới đây, ngày 1/12, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã thành lập Tổ công tác 399 gồm 11 thành viên là nòng cốt, chuyên gia từ các bộ ngành để thực hiện Kế hoạch 399/QĐ-BCĐ389 về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.
Theo đó, sau khi được thành lập tổ sẽ tập trung nghiên cứu, rà soát các trang website, lập danh sách các trang có quảng cáo sai sự thật, gian lận thông tin trên thương mại điện tử.
"Thuốc giả, rồi thực phẩm chức năng kém chất lượng bán đầy rẫy trên mạng, chúng ta nên tập trung xử lý mặt hàng này trước vì dễ nhận diện", ông Đàm Thanh Thế chỉ đạo.
Theo GS.TS Trương Việt Bình, nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam, để bảo vệ mình, người bệnh nên tới bệnh viện hoặc phòng khám uy tín để được khám và tư vấn cụ thể việc dùng đúng thuốc, đúng liều lượng. Mua thuốc trên mạng sẽ dễ gặp phải tình trạng thuốc không đảm bảo chất lượng và không có thầy thuốc chịu trách nhiệm.