Thời gian gần đây, YouTube đang trở thành tâm điểm hứng chịu chỉ trích của nhiều người dùng Việt Nam. Hầu hết lý do đằng sau “cơn giận dữ” của cộng đồng người dùng bắt nguồn từ quảng cáo.
YouTube đang lên kế hoạch bật quảng cáo ở mọi video. |
“Tôi cảm giác YouTube đang tăng tần suất phát quảng cáo. Thay vì chỉ xem một quảng cáo trước hoặc sau mỗi video, giờ đây, tôi phải chờ đợi từ 1-2 đoạn để đến nội dung muốn xem. Chúng thậm chí xen ngang video, ảnh hưởng đến cảm xúc người xem, nhất là trong các video có nội dung âm nhạc, phim truyện”, Quốc Toàn, một người dùng YouTube chia sẻ với Zing.
Không chỉ anh Toàn, cảm giác khó chịu, phiền phức đang trở thành tâm lý chung của phần đa người dùng Việt khi phải đón “mưa” quảng cáo từ YouTube.
“Quảng cáo tra tấn tôi trên mọi thiết bị, nhất là smart TV. Ngoài quảng cáo các trò chơi, ứng dụng giao hàng, YouTube còn xuất hiện nhiều quảng cáo thuốc đông y. Cứ hết một video là tôi phải nghe những câu quảng cáo như ‘tôi nhận chữa’ hay ‘nhà tôi ba đời nhận chữa’ đủ loại bệnh, cam kết khỏi ngay”, Đăng Khoa, một người dùng khác phản ánh.
Theo anh, mặc dù không có bất kỳ nhu cầu nào liên quan đến sức khỏe, những lời mời chào chữa bệnh, mua thuốc vẫn không ngừng xuất hiện với tần suất cao.
Trên các kho ứng dụng, YouTube đang bị người dùng Việt phản đối mạnh mẽ việc quảng cáo thuốc. Nhiều người cho rằng việc YouTube nhắm mắt ngó lơ cho quảng cáo thuốc không rõ nguồn gốc có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
“Quảng cáo lừa đảo, phản cảm liên tục xuất hiện trên YouTube. Người xem không thể tắt quảng cáo đó hay lựa chọn không xem quảng cáo đó nữa. Với mức độ khó chịu mà nó gây ra, tôi sẽ xem xét không sử dụng ứng dụng này nữa”, một người dùng nhận xét trên App Store.
“Quảng cáo tràn lan, nhiều sản phẩm y dược không rõ nguồn gốc, hiệu quả rõ ràng”, tài khoản B.K để lại bình luận kèm đánh giá 1 sao.
YouTube chọn doanh thu, mặc kệ người dùng
Tuy chưa giải quyết được vấn đề phê duyệt quảng cáo, YouTube được cho là có ý định tăng tần suất quảng cáo trên tất cả video trong thời gian tới.
Tháng 11/2020, The Verge cho biết YouTube có kế hoạch thay đổi chính sách quảng cáo. Theo đó, nền tảng này có thể chạy quảng cáo trên bất kỳ video nào chưa bật kiếm tiền mà không cần chia doanh thu cho chủ video.
Trước đây, video trên các kênh không đủ điều kiện tham gia Chương trình Đối tác YouTube sẽ không bị chèn nhiều quảng cáo và không được chia sẻ doanh thu.
Người dùng Việt Nam phẫn nộ trước tần suất quảng cáo của YouTube. |
Để được công nhận là đối tác của YouTube, nhà sáng tạo nội dung cần tích lũy đủ 4.000 giờ xem trong vòng 12 tháng và 1.000 tài khoản đăng ký theo dõi.
Đây được coi là một bước kiểm duyệt nội dung mà YouTube đưa ra cho nhà sáng tạo.
“Khi bạn đạt đến ngưỡng này thì điều đó thường có nghĩa là bạn có nhiều nội dung. Ngưỡng này giúp chúng tôi đưa ra quyết định sáng suốt hơn về việc kênh của bạn có đáp ứng các chính sách và nguyên tắc của chúng tôi hay không”, chính sách của YouTube nêu rõ.
Trong quý III/2020, mảng kinh doanh quảng cáo đã giúp YouTube và công ty mẹ Google thu về 5 tỷ USD doanh thu. Ngoài công ty, quảng cáo cũng là nguồn tiền quan trọng đối với nhiều nhà sáng tạo nội dung, một số họ còn coi đây là khoản thu nhập chính. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu Pex năm 2019, các video trên YouTube không đạt nổi 1.000 người xem chiếm đến 88,4%.
Các video trên YouTube không đạt nổi 1.000 người xem chiếm đến 88,4%Báo cáo của công ty nghiên cứu Pex năm 2019
The Verge tin rằng với con số đó, YouTube chắc chắn sẽ không bỏ qua phân khúc kênh sáng tạo có mô hình nhỏ, không được nhiều người biết đến.
Ngoài dự tính tận thu các kênh nhỏ, từ năm 2020, YouTube đã hạ tiêu chuẩn chèn quảng cáo vào giữa video. Theo đó, quảng cáo xen ngang có thể được chèn trên những video có thời lượng trên 8 phút. Trước đó, video YouTube cần dài ít nhất 10 phút mới đủ điều kiện chèn quảng cáo giữa video.
Sự thay đổi này sẽ làm tăng tỷ lệ xem quảng cáo của người dùng, cũng như tăng số lượng video được chèn quảng cáo xen ngang.
Theo YouTube, những quảng cáo xen quang thường được báo trước từ 3-5 giây trước khi phát. Tuy nhiên, việc hạ chuẩn chèn quảng cáo xen ngang phần nào ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng, tạo cho họ cảm giác phải xem nhiều quảng cáo hơn.
“Một số người xem cảm thấy quảng cáo giữa video gây gián đoạn hoặc khó chịu. Tuy nhiên, nhằm cải thiện trải nghiệm người xem, chúng tôi sẽ dự đoán vị trí đặt quảng cáo hợp lý nhất để ít gây gián đoạn nhất. Mục tiêu của chúng tôi là cân bằng giữa nhu cầu của người xem, nhà quảng cáo và người sáng tạo trên YouTube”, nền tảng chia sẻ video cho biết.
Nguy cơ gắn quảng cáo lên nội dung bẩn
Với chính sách quảng cáo mới, YouTube có thể chạy quảng cáo và trực tiếp thu tiền về tay, bỏ qua bước chia tiền cho chủ video.
Về lý thuyết, chính sách quảng cáo mới này sẽ giúp YouTube chèn quảng cáo lên mọi video. Trong trường hợp đó, những video có nội dung vi phạm bản quyền, nội dung xấu độc cũng được YouTube “tận dụng” làm nơi kiếm tiền.
YouTube cho biết quảng cáo của họ sẽ không xuất hiện ở những video có nội dung chính trị, tôn giáo, chất gây nghiện hay cờ bạc. Mặc dù vậy, đối với những nhà sáng tạo chưa bật tính năng kiếm tiền, chưa trở thành đối tác chính thức của YouTube, nội dung video của họ cũng chắc chắn chưa có sự kiểm duyệt của cộng đồng.
Các video Táo Quân trên YouTube là ví dụ điển hình của tình trạng vi phạm bản quyền. |
Hiện nay, YouTube vẫn đang là “sân chơi” cho nhiều video chứa nội dung xấu, vi phạm bản quyền. Nhiều video âm nhạc, phim truyện không đăng ký bản quyền, tin tức không dẫn nguồn, sai lệch sự thật vẫn thường xuyên có mặt trên nền tảng này. Thông qua những tiêu đề giật gân, đánh vào tâm lý tò mò của người dùng, nhiều video “thật giả lẫn lộn” đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.
Chính sách quảng cáo sắp tới của YouTube được dự báo tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín những thương hiệu truyền thông trên nền tảng này. Theo đó quảng cáo của các thương hiệu có thể sẽ được gắn lên các video nội dung xấu, độc.
Người dùng loay hoay tìm cách “trốn” quảng cáo
Quá ám ảnh với quảng cáo, nhiều người dùng bắt đầu phản kháng và tìm cách tránh xem những nội dung này trên YouTube. Trên một số diễn đàn, group, người dùng cho biết đang chuyển qua SoundCloud, Spotify để nghe nhạc hay dùng ứng dụng stream video của bên thứ ba để tránh quảng cáo, chẳng hạn YouTube Vanced. Một số nhóm còn rủ nhau cùng mua YouTube Premium "lậu" để né quảng cáo.
Bản thân nền tảng này cung cấp dịch vụ YouTube Premium với các chức năng như nghe nhạc trong nền, xem video không quảng cáo, tải video xuống để xem khi cần. Tuy nhiên, YouTube chưa cung cấp dịch vụ này tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tại thị trường Mỹ, YouTube Premium cho phép người dùng trải nghiệm 3 tháng miễn phí. Sau khi hết thời hạn, người dùng cần bỏ ra 11,99 USD, khoảng 275.000 VNĐ mỗi tháng cho dịch vụ này.
Giá mua YouTube Premium lậu chỉ bằng 1/11 giá gốc được bán tại Mỹ. |
Nhu cầu đông nhưng thiếu nguồn cung, nhiều người dùng Việt phải tìm đến những địa chỉ bán dịch vụ YouTube Premium “lậu”. Thay vì phải bỏ ra hàng trăm nghìn đồng, người dùng giờ đây chỉ phải trả từ 25.000-40.000 đồng để tiếp cận dịch vụ.
“Chỉ cần cung cấp địa chỉ email, bên mình sẽ nâng cấp trực tiếp trên tài khoản Google của bạn. Một tài khoản có thể dùng trên 3-4 thiết bị cùng lúc”, D.S, một cửa hàng chuyên bán tài khoản YouTube Premium trên mạng xã hội chia sẻ.
Có hai cách để mua YouTube Premium tại Việt Nam. Cách đầu tiên, người dùng sẽ gửi tài khoản để thêm vào danh sách thành viên gia đình trong gói Family của YouTube. Dạng thứ hai, người dùng sẽ mua lại các tài khoản YouTube Premium đã thanh toán phí từ trước.
Cả hai cách trên đều không được YouTube chấp nhận bởi nền tảng này không cho phép mua bán tài khoản. Tài khoản mua sẵn bằng thẻ tín dụng đánh cắp còn có thể bị khóa.
"Ngoài ra, YouTube Premium lậu cũng không đầy đủ tính năng như bản đầy đủ. Tôi không thể tắt màn hình khi nghe nhạc trên YouTube. Dù không đủ tính năng tôi vẫn buộc lòng chi tiền để mua chỉ để tránh xem quảng cáo", chị Hường nói thêm.