Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trình bày báo cáo về tình hình thị trường bất động sản. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Sáng 17/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Tại đây các lãnh đạo bộ ngành, địa phương đã thẳng thắn nêu ra các vấn đề và đóng góp kiến nghị đối với ngành địa ốc.
Một số cơ quan “ngại” chịu trách nhiệm
Báo cáo trước hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết nửa cuối 2022 và đầu 2023, thị trường bất động sản có nhiều khó khăn như nguồn cung, cơ cấu sản phẩm chưa phù hợp, giao dịch trầm lắng, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn dẫn đến dừng triển khai dự án, cắt giảm lao động, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, an sinh xã hội.
Theo ông Nguyễn Văn Sinh, 4 nguyên nhân khiến thị trường rơi vào tình cảnh như hiện tại bao gồm vướng mắc về thể chế, quy định pháp luật; nguồn vốn; tổ chức thực thi pháp luật của các địa phương và sự lan truyền các thông tin tiêu cực.
Đại diện các bộ ngành tham gia hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Đặc biệt, Bộ đề nghị Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, trong đó tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục giao đất, phát triển quỹ đất, lựa chọn chủ đầu tư, quyền lợi của chủ đầu tư, xác định giá bán, giá cho thuê, cũng như đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đồng thời đề xuất tạo điều kiện để các doanh nghiệp bất động sản có thể huy động vốn (bao gồm phát hành trái phiếu) trên thị trường chứng khoán. Mặt khác, ở từng địa phương, Bộ kiến nghị nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ nhằm khắc phục tâm lý sợ sai.
Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vấn đề thủ tục hành chính rườm rà và tinh thần làm việc tắc trách của một số cơ quan địa phương đã được Bộ thẳng thắn chỉ ra. Nhiều hồ sơ dự án được xử lý quá lâu. Thậm chí, có trường hợp phải qua nhiều cấp lãnh đạo ở địa phương mới giải quyết xong.
Các cơ quan có thẩm quyền xử lý 'ngại' trách nhiệm, trì hoãn, đùn đẩy lên trung ương, xin ý kiến nhiều nơi, nhiều lần dẫn đến dự án chậm hoặc dừng triển khai thực hiện
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
“Các cơ quan có thẩm quyền xử lý 'ngại' trách nhiệm, trì hoãn, đùn đẩy lên trung ương, xin ý kiến nhiều nơi, nhiều lần dẫn đến dự án chậm hoặc dừng triển khai thực hiện”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
Về vấn đề vốn tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho rằng thời gian qua, áp lực lớn đối với vốn tín dụng ngân hàng cho lĩnh vực bất động sản không phải do điều hành tín dụng mà do những khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
"Về giải pháp, doanh nghiệp cần có bộ phận theo dõi, đánh giá, tổng hợp, dự báo tình hình để chủ động điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh để không bị động, không nên đầu tư dàn trải, tới 50 dự án cùng lúc", NHNN đánh giá.
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục dành vốn tín dụng cho dự án đủ điều kiện pháp lý, dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ. Đồng thời kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với bất động sản cao cấp, không có nhu cầu thực, kinh doanh đầu cơ, làm giá…
Bài toán pháp lý chưa có lời giải
Ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết trong năm qua, nguồn cung sản phẩm ở mức thấp, chủ yếu là các dự án được chấp thuận từ trước đó. Việc số lượng các dự án mới được chấp thuận còn hạn chế xuất phát từ những vướng mắc về chính sách, đặc biệt là trong khoản xác định nhà đầu tư.
“Chính sách tín dụng bị siết chặt và giá nguyên vật liệu tăng đã đẩy giá bất động sản tăng trên 10%”, ông Dương Đức Tuấn nhận định.
Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu từ đầu cầu Hà Nội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, số sản phẩm chào bán ra thị trường chủ yếu tập trung vào các dự án đầu tư ở các quận, huyện vùng ven do ưu thế về quỹ đất.
Đa phần các chung cư thuộc phân khúc trung và cao cấp, dự án giá rẻ và nhà ở xã hội không nhiều. Nhìn chung, thị trường chung cư tương đối ảm đạm, số lượng căn hộ đưa ra thị trường giảm 25% trong năm nay.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng yếu tố pháp lý còn nhiều khó khăn, đặc biệt là cơ chế và mô hình đầu tư. “Chính phủ cần hình thành một nghị định nhằm xâu chuỗi các luật đất đai, luật đầu tư, luật nhà ở để phân định rõ cơ chế đấu giá, đấu thầu”, ông Dương Đức Tuấn bình luận.
Ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM thừa nhận thời gian qua phát triển nhà ở trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu lớn của người dân, đặc biệt ở phân khúc nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà cho thuê, đồng thời chưa có sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Nguyên nhân chính là có quá nhiều quy định pháp luật, chế tài liên quan, trong khi lượng dự án cần rà soát lại pháp lý khá lớn, gây mất thời gian, có nhiều trường hợp vượt thẩm quyền giải quyết của địa phương. Về chủ quan, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận một số cán bộ, đơn vị còn sợ trách nhiệm, xử lý chậm.
Thời gian tới, lãnh đạo TP.HCM cho biết sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân cũng như cải tạo chung cư cũ. Trong đó, TP sẽ tập trung vào 18 dự án nhà ở xã hội và 16 dự án cải tạo chung cư.
Đồng thời, TP.HCM đang nỗ lực hoàn tất điều chỉnh quy hoạch, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 9, bên cạnh tăng cường phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật. Đối với các nhóm dự án chậm tiến độ, TP sẽ có các chuyên đề và cũng đã lập tổ công tác để tháo gỡ. Ông cho biết đến nay có khoảng 116 dự án gặp vướng mắc, trong đó ưu tiên xử lý dứt điểm cho 38 dự án.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.