Trong hồ sơ lập luận cần giữ bí mật bản khai tuyên thệ trước tòa, Bộ Tư pháp Mỹ nêu rõ mức độ nghiêm trọng của cuộc điều tra hình sự vẫn đang diễn ra khi “liên quan tới các tài liệu được bảo mật cao”, CNN đưa tin.
Các công tố viên liên bang cho hay việc niêm phong bản lời khai sẽ “bảo vệ tính toàn vẹn của cuộc điều tra liên quan tới an ninh quốc gia”. Họ cũng nói bản tuyên thệ “chứa thông tin rất nhạy cảm về các nhân chứng, các kỹ thuật điều tra cụ thể, thông tin theo yêu cầu pháp luật là cần được giữ kín”.
“Việc tiết lộ bản tuyên thệ ở giai đoạn này có thể làm giảm tính hợp tác của các nhân chứng trong tương lai, những người mà chúng ta có thể cần sự giúp đỡ khi cuộc điều tra này tiến triển, cũng như những cuộc điều tra cấp cao khác”, tuyên bố viết.
Biên nhận tài sản bị thu giữ trong quá trình khám xét nhà ông Trump của FBI. Ảnh: AP. |
“Trên thực tế, cuộc điều tra này liên quan tới tài liệu mật, do đó việc bảo vệ tính toàn vẹn của cuộc điều tra là cần thiết. Nếu tiết lộ cho công chúng quá sớm hoặc không đúng cách, điều đó có thể làm trầm trọng thêm những hậu quả tiềm ẩn”, tuyên bố nêu thêm.
Bản tuyên thệ nêu rõ những lý do nhà ông Trump bị khám xét. Trong khi đó, một loạt hãng truyền thông Mỹ, như CNN, Washington Post hay NBC News, tuần trước đã yêu cầu thẩm phán hủy niêm phong tất cả tài liệu, bao gồm mọi lời khai dẫn đến cuộc tìm kiếm của FBI.
Các chính trị gia đảng Cộng hòa cũng liên tục yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ công khai bản tuyên thệ.
Trước đó vào hôm 12/8, Bộ Tư pháp Mỹ đã đồng ý công khai lệnh khám xét và danh sách tài sản bị tịch thu. Trong đó, FBI thu được 11 bộ tài liệu mật khác nhau, trong đó có một bộ được dán nhãn là “tài liệu mật/TS/CSI”, tức đây là thông tin “tối mật/nhạy cảm”.
Tuy nhiên, bản tuyên thệ thường đi kèm đơn xin trát vẫn được niêm phong. Bản tuyên thệ này có thể chứa thông tin củng cố các kết luận của điều tra viên về những căn cứ khiến họ tin có bằng chứng về hành vi phạm tội ở Mar-a-Lago.