Bộ TT&TT cho biết những năm gần đây, sự phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông đã góp phần quan trọng trong sự phát triển của thị trường viễn thông.
Bộ đánh giá yếu tố trên đã giúp Việt Nam trở thành một quốc gia có tốc độ phát triển hạ tầng và dịch vụ viễn thông nhanh trong khu vực và trên thế giới với hạ tầng kỹ thuật viễn thông đã được xây dựng cơ bản khá đồng bộ.
Tuy nhiên cơ quan này thừa nhận, công tác quản lý, xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động vẫn còn hạn chế, nhất là trong việc chia sẻ, sử dụng chung các công trình hạ tầng viễn thông thụ động.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ban hành Chỉ thị 52 về việc tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông. |
“Việc các doanh nghiệp viễn thông thiếu chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động không chỉ làm giảm hiệu quả đầu tư, gây khó khăn trong công tác phát triển, xây dựng hạ tầng của chính doanh nghiệp viễn thông, mà còn gây ảnh hưởng không tốt đến cảnh quan môi trường, an toàn của người dân”, Bộ TT&TT nhận định.
Theo đó thông qua Chỉ thị 52, Bộ TT&TT đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động trao đổi, thống nhất một số mẫu thiết kế các loại cột ăng ten bảo đảm các yêu cầu về an toàn xây dựng, mỹ quan đô thị, tăng cường khả năng sử dụng chung cũng như tối ưu hóa lượng tải trọng, dung lượng của các cột ăng ten và nhà trạm viễn thông đã xây dựng để có thể chia sẻ, sử dụng.
Bộ cũng yêu cầu cần xây dựng kế hoạch phát triển cột ăng ten, cống bể cáp, cột treo cáp và nhà trạm viễn thông của doanh nghiệp theo từng tỉnh, thành phố. Các doanh nghiệp định kỳ quý IV hàng năm phải báo cáo các Sở TT&TT để tập hợp, quản lý, xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động và phương án sử chung hạ tầng tại địa phương.
Bên cạnh đó, Cục Viễn thông cũng được yêu cầu phải phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ TT&TT, các Sở TT&TT, các doanh nghiệp viễn thông trong việc xem xét, xử lý vướng mắc, tranh chấp về sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động và hạ tầng kỹ thuật liên ngành.
Trong giai đoạn viễn thông di động bùng nổ, các nhà mạng đã chạy đua về lượng cột sóng BTS cũng như nhiều thiết bị hạ tầng khác và chỉ dùng riêng hạ tầng dẫn tới lãng phí tài nguyên.