Tại phiên chất vấn sáng 8/11, Bộ trưởng Hùng thừa nhận SIM rác, cuộc gọi và tin nhắn rác là vấn đề kéo dài chưa được giải quyết triệt để. Cơ quan này đang tiếp tục giải pháp quy trách nhiệm về người đứng đầu nhà mạng cũng như đưa ra các giải pháp mạnh hơn.
Chặn cuộc gọi rác từ gốc
"Trước đây, Bộ xử lý sim rác với đối tượng là hàng trăm nghìn điểm bán sim ở các đại lý, nhưng gần đây đã đổi cách quản lý đối tượng theo hướng quản lý tập trung các nhà mạng. Thực tế chỉ có 4-5 nhà mạng trách nhiệm. Chúng tôi đã quy trách nhiệm vào tổng giám đốc, chủ tịch các công ty viễn thông", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề SIM rác, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Bộ sẽ có biện pháp mạnh tay hơn để xử lý các nhà mạng trong vấn đề SIM rác. Ảnh: Thanh Thư. |
Người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông cũng cho rằng chế tài dành cho các nhà mạng vi phạm quy định về quản lý SIM rác đang quá nhẹ, thiếu tính răn đe. "Nếu xử phạt vài chục triệu đồng với một nhà mạng có doanh thu hàng trăm nghìn tỷ đồng thì không đáng kể", ông nói.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh quy định nếu nhà mạng nào còn để tình trạng SIM rác phát sinh thì sẽ không cấp phép các dịch vụ mới cho nhà mạng đó, trong đó có dịch vụ Mobile Money, hứa hẹn đem về nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng cho các nhà mạng viễn thông.
"Các nhà mạng cũng báo cáo là trong khoảng tháng 10 vừa qua, khi siết quy định chúng ta có 24 triệu SIM được kích hoạt trước để bán một cách không có số liệu cho khách hàng. Các nhà mạng đã dùng biện pháp kỹ thuật chặn lọc được còn khoảng 6 triệu SIM, đã giảm được 70% về số lượng", Bộ trưởng chia sẻ.
Ngoài sim rác, các đại biểu cũng chất vấn về cuộc gọi rác. Ông Nguyễn Mạnh Hùng nói "đây là hiện tượng mới". Hiện các nhà mạng mỗi tháng ghi nhận 10.000 số máy thực hiện các cuộc gọi rác. Các cuộc gọi này ảnh hưởng tới hàng triệu người, hàng triệu cuộc gọi.
Cách đây gần một tháng, Bộ đã làm việc với các nhà mạng để tìm biện pháp xử lý việc này. Trong năm 2019 này cơ bản sẽ thí điểm các công cụ chặn cuộc gọi rác giống như công cụ chặn tin rác.
"Tuy nhiên, 80% trong 10.000 cuộc này từ SIM rác, vì thế ngăn chặn từ gốc vẫn phải là chặn SIM rác", ông nhấn mạnh.
Chặn 15 triệu tin nhắn rác, chủ yếu quảng cáo bất động sản, SIM số đẹp
Bộ trưởng Hùng cũng tin rằng với việc siết chặt quản lý SIM rác, lượng tin nhắn rác và cuộc gọi rác cũng sẽ giảm theo.
Thêm nữa, bằng biện pháp kỹ thuật, các nhà mạng cũng đã ngăn chặn được khoảng 15 triệu tin nhắn rác trong một tháng vừa qua, số lượng các phàn nàn của khách hàng giảm đi.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhìn nhận các biện pháp của nhà mạng chủ yếu tập trung chặn tin nhắn rác quảng cáo bất động sản và SIM số đẹp. Tin nhắn rác quảng cáo ở các lĩnh vực khác chưa làm triệt để nên bắt đầu xuất hiện lan tràn.
Cuối tháng 9, Bộ T&TT vừa có văn bản chỉ đạo các Sở TT&TT 63 tỉnh, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương, công an, lực lượng quản lý thị trường tiến hành thanh tra diện rộng SIM rác.
Đợt thanh tra sẽ được triển khai từ tháng 10. Các Sở TT&TT sẽ tiến hành thanh tra các doanh nghiệp viễn thông di động, tổ chức, cá nhân, cửa hàng, đại lý phân phối, bán SIM điện thoại trái pháp luật trên địa bàn.
Cục Viễn thông cho biết theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 của Nghị định 49, hành vi sử dụng giấy tờ của người khác (kể cả được cho mượn) hay chuyển SIM mình đăng ký cho người khác sử dụng mà không giao kết lại hợp đồng sẽ chịu xử phạt vi phạm hành chính đến 500.000 đồng.