Theo Korea Times, Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc (KCC) tuyên bố mở cuộc điều tra TikTok sau khi Song Hee-kyeoung, đại diện đảng Tự do Hàn Quốc cảnh báo về quy trình thu thập dữ liệu của ứng dụng Trung Quốc hồi tháng 10/2019.
Theo ông Song, công ty sở hữu TikTok là ByteDance có thể gửi thông tin nhạy cảm của người dùng, bao gồm vị trí, cho chính phủ Trung Quốc. Hiện TikTok có khoảng 4 triệu người dùng tại Hàn Quốc.
Trước đó, bộ binh Mỹ cũng ban hành quy định cấm binh sĩ sử dụng TikTok trên thiết bị do chính phủ cung cấp, xem đây là mối đe dọa an ninh mạng. Chỉ trước đó ít ngày, hải quân Mỹ cũng đưa ra quy định tương tự.
Ứng dụng phổ biến TikTok bị cáo buộc lấy cắp dữ liệu cá nhân gửi về máy chủ ở Trung Quốc. Ảnh: CNN. |
Điều đáng nói là mới 2 tháng trước, chính quân đội Mỹ đã tận dụng nền tảng mạng xã hội đến từ Trung Quốc để thu hút người trẻ tham gia quân đội. Điều này khiến các nhà lập pháp lo ngại về rủi ro an ninh quốc gia.
Theo Military.com, quy định của quân đội yêu cầu nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng "cảnh giác với mọi ứng dụng tải xuống, theo dõi điện thoại nếu nhận các tin nhắn không bình thường, xóa chúng và gỡ TikTok ngay để tránh lộ thông tin cá nhân".
Hiện chưa rõ các lực lượng như thủy quân lục chiến hay không quân Mỹ có đưa ra quy định tương tự hay không.
Quy định chỉ áp dụng với điện thoại của chính phủ, tức là binh sĩ vẫn có thể cài TikTok lên điện thoại cá nhân của họ, song các chỉ huy cảnh báo binh sĩ nên cẩn trọng nếu nhận các đoạn tin nhắn lạ.
Công ty sở hữu TikTok - ByteDance - là một trong những startup tăng trưởng nhanh nhất tại Trung Quốc. Theo thống kê vào tháng 7/2019, các sản phẩm của ByteDance có 1,5 tỷ người dùng hoạt động mỗi tháng trên toàn cầu và 700 triệu người dùng mỗi ngày.
ByteDance, công ty mẹ của TikTok, được thành lập năm 2012 với trụ sở đặt tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: CNN. |
Trong nửa đầu năm 2019, doanh thu của ByteDance đạt 7 tỷ USD, giá trị công ty tính đến cuối năm 2018 là 78 tỷ USD. Tuy vậy, các nhà lập pháp Mỹ luôn xem ByteDance là mối đe dọa an ninh quốc gia bên cạnh "ông lớn" Huawei.
Theo Softpedia, những lo ngại về bảo mật nhắm vào TikTok nghiêm trọng đến mức từng có tin đồn ByteDance muốn bán TikTok cho công ty khác, tuy nhiên đại diện ByteDance xác nhận chưa từng đàm phán bán TikTok, và không hề có ý định đó.
Công ty cũng luôn phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến thu thập thông tin, gửi dữ liệu về chính phủ Trung Quốc.
Trong một bài viết ngày 5/11/2019, Vanessa Pappas, trưởng văn phòng ở Mỹ của TikTok, khẳng định các trung tâm dữ liệu ứng dụng "đều nằm bên ngoài Trung Quốc". Bà nhấn mạnh dữ liệu của người dùng tại Mỹ được lưu trữ ở Mỹ và sao lưu tại Singapore.