Theo thông báo mới nhất do hải quân Mỹ công bố và được Reuters đưa tin, TikTok sẽ không còn được phép cài đặt trên thiết bị của các thành viên tại ngũ. Bất kỳ cá nhân nào vi phạm sẽ bị ngắt quyền sử dụng và truy cập mạng máy tính nội bộ của hải quân cùng thủy quân lục chiến.
Đây là động thái mới nhất của chính phủ Mỹ đối với ứng dụng cực kỳ phổ biến đến từ Trung Quốc này. Trước đó, Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ryan McCarthy ngày 21/11 thông báo đang đánh giá rủi ro an ninh từ nền tảng mạng xã hội TikTok do công ty từ Trung Quốc sở hữu.
Hải quân Mỹ cho rằng ứng dụng TikTok là mối nguy cho an ninh mạng của quốc gia. Ảnh: Reuters. |
Trả lời báo chí bên lề sự kiện của Viện Doanh nghiệp Mỹ, Bộ trưởng McCarthy cho biết ông nhận được đề nghị điều tra từ Thượng nghị sĩ Chuck Schumer.
Nhà lập pháp hàng đầu của đảng Dân chủ lo ngại về các rủi ro an ninh quốc gia khi quân đội dùng ứng dụng video để tăng cường tiếp cận thanh thiếu niên Mỹ và cải thiện hiệu quả tuyển quân, theo South China Morning Post.
Đến tháng 12, quân đội Mỹ tuyên bố họ đang điều tra cách xử lý dữ liệu người dùng của TikTok theo yêu cầu từ Thượng nghị sĩ Chuck Schumer.
Theo trang Business Insider, vụ kiện được đệ đơn tại tòa án California (Mỹ) với cáo buộc công ty TikTok đánh cắp dữ liệu người dùng và gửi đến các máy chủ tại Trung Quốc.
Công ty sở hữu TikTok, ByteDance là một trong những startup tăng trưởng nhanh nhất tại Trung Quốc. Theo thống kê vào tháng 7, các sản phẩm của ByteDance có 1,5 tỷ người dùng hoạt động mỗi tháng trên toàn cầu và 700 triệu người dùng mỗi ngày.
Trong nửa đầu năm 2019, doanh thu của ByteDance đạt 7 tỷ USD, giá trị công ty tính đến cuối năm ngoái là 78 tỷ USD. Tuy vậy, các nhà lập pháp Mỹ luôn xem ByteDance là mối đe dọa an ninh quốc gia bên cạnh các "ông lớn" như Tencent hay Baidu.