Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Y tế: Các địa phương nên mạnh dạn cho học sinh đến trường

“Các địa phương không vì lo lắng quá mà hạn chế việc trẻ em đi học, nhất là các lớp đầu cấp", Bộ trưởng Y tế trấn an khi nhiều nơi chưa yên tâm cho học sinh trở lại trường.

Sáng 11/11, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Hiệu quả của việc dạy và học trực tuyến; giảm tải chương trình học cho học sinh; đảm bảo an toàn trường học để học sinh trở lại trường học... là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Ngoài ra, ông Sơn sẽ trả lời về nội dung bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch Covid-19.

Câu hỏi về việc khi nào học sinh được trở lại trường không chỉ dành cho tư lệnh ngành giáo dục. Trước đó, trong phiên chất vấn ngày 10/11, các đại biểu Quốc hội cũng đề cập vấn đề này Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đăng đàn.

Không nhất thiết phải có vaccine mới đi học lại

Thực trạng “người lớn đã đi làm nhưng trẻ vẫn phải học trực tuyến” được Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy nêu lên kèm câu hỏi: Đây có phải sự thận trọng quá mức mà không tính đến thiệt thòi của học sinh và khó khăn của các gia đình có trẻ nhỏ học ở nhà?

Chia sẻ từ góc độ chuyên môn, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức hội nghị với các địa phương. Tinh thần được ông Long nhấn mạnh là các địa phương không vì lo lắng quá mà hạn chế việc trẻ em đi học, nhất là các lớp đầu cấp như lớp 1, bậc tiểu học.

Cho biết Bộ Y tế đã hướng dẫn các địa phương có biện pháp phòng chống dịch khi mở cửa trường học trở lại để vừa học, vừa đảm bảo an toàn, Bộ trưởng Y tế đề nghị các địa phương không nên chờ vaccine mới mở cửa trường học.

Manh dan cho hoc sinh quay tro lai truong hoc anh 1

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương có dịch cấp độ 1, 2 mạnh dạn cho học sinh quay lại trường học. Ảnh: Hồng Phong.

Giải thích cho quan điểm này, người đứng đầu ngành y tế cho rằng hiện nay mới chỉ có vaccine tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, còn rủi ro về nguy cơ dịch đối với lứa tuổi 6-11 không lớn, nên không nhất thiết chờ có vaccine mới đi học lại.

Theo ông Long, Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT khuyến cáo các địa phương mạnh dạn cho trẻ em đi học, nhất là ở những vùng, xã, huyện, tỉnh được xác định dịch ở cấp độ 1, 2.

Tư lệnh ngành y tế giải thích Nghị quyết 128 đã nêu rất rõ tại địa phương có dịch cấp độ 1, học sinh đi học bình thường. Nhưng đến nay, chỉ có 22 địa phương lên kế hoạch cho việc này.

Với địa phương ở cấp độ 2 cũng áp dụng chính sách tương tự. Chỉ khi dịch bắt đầu ở cấp độ 3 mới hạn chế học sinh đến lớp, kết hợp giữa học trực tiếp và trực tuyến.

Nhìn nhận đây là vấn đề không phải chỉ ở nước ta, ông Long thông tin một số nước vẫn chủ yếu học trực tuyến. Dù vậy, ông mong tới đây, các địa phương sẽ triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả hơn việc cho trẻ em đến trường.

Vaccine công nghệ mRNA không ảnh hưởng đến sinh sản

Liên quan đến việc tiêm vaccine cho trẻ em, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) dẫn ý kiến lo ngại vaccine chế tạo theo công nghệ mRNA có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và sự phát triển bình thường của trẻ.

“Đề nghị bộ trưởng trả lời về vấn đề này và cơ sở khoa học nào để bộ triển khai tiêm vaccine đại trà cho trẻ em 12-17 tuổi”, đại biểu Hậu chất vấn ông Nguyễn Thanh Long.

Người đứng đầu ngành y tế giải thích việc tổ chức tiêm vaccine cho trẻ em được đưa ra sau khi đã tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc và các nhà khoa học.

Manh dan cho hoc sinh quay tro lai truong hoc anh 2

Bộ trưởng Y tế nói việc tiêm vaccine cho trẻ không gây đột biến, không ảnh hưởng về sinh sản đối với trẻ. Ảnh: Duy Hiệu.

Bộ Y tế cũng căn cứ theo hướng dẫn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ (FDA) cho phép tiêm vaccine mRNA cho trẻ từ 12 tuổi. Theo ông Long, vaccine này đã được tiêm ở gần 40 quốc gia với cách triển khai là tiêm từ lứa tuổi cao xuống thấp, từ nhóm có nguy cơ, bệnh lý nền, sau đó mở rộng đối tượng.

Bộ trưởng Y tế cho biết vaccine duy nhất được sử dụng tiêm cho trẻ em ở Việt Nam là Pfizer-BioNTech theo công nghệ mRNA. Để đại biểu và cử tri yên tâm, ông giải thích rõ cơ chế tác động của vaccine này là khi vào cơ thể không xâm nhập vào hệ gen của người mà vào bào tương, giúp sản xuất kháng thể chống lại sự xâm nhập của virus vào tế bào đó.

“Do không có sự xâm nhập trực tiếp của vaccine vào ADN của người nên vaccine không gây đột biến và không ảnh hưởng về sinh sản đối với trẻ”, ông Long khẳng định và nói thêm sẽ tiếp tục theo dõi vấn đề này.

Người đứng đầu ngành y tế một lần nữa khẳng định tất cả vaccine cấp phép sử dụng ở Việt Nam đảm bảo an toàn chất lượng và theo đúng chuẩn chung của thế giới. Vaccine được tiêm cho trẻ em cũng được đảm bảo an toàn trước khi quyết định dùng.

Đại biểu chất vấn bộ trưởng giá test ở sân bay cao gấp 4 lần quy định

“Hiện giá xét nghiệm hơn 100.000 đồng, nhưng tôi test ở bên ngoài sân bay Tân Sơn Nhất giá 440.000 đồng”, ông Phạm Văn Hòa tranh luận với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Y tế.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm