Sáng 10/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Qua 2 ngày thảo luận trên hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, rất nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đến lĩnh vực y tế, đặc biệt là công tác ứng phó, phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua.
Vì sao nhiều y bác sĩ vướng vòng lao lý?
Chia sẻ với Zing, ông Nguyễn Văn Tiên (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, phụ trách lĩnh vực y tế) cho rằng với lần đầu tiên đăng đàn trước Quốc hội, tư lệnh ngành y tế sẽ phải đối mặt với chất vấn của đại biểu trong hàng loạt vấn đề nóng như công tác phòng chống dịch, chiến lược vaccine; việc quản lý giá xét nghiệm Covid-19, trang thiết bị y tế; giải pháp nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở.
Đặc biệt, vấn đề nhiều y bác sĩ vướng vòng lao lý vừa qua cũng là vấn đề cần được giải đáp.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội vào sáng 10/11. Ảnh: Hồng Phong. |
Ông Tiên hy vọng sẽ có đại biểu thẳng thắn chất vấn Bộ trưởng Y tế về cơ chế pháp lý cho bệnh viện tự chủ, vì gốc gác là do vấn đề tự chủ của ngành y tế.
Là “người trong ngành”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) mong sau đại dịch, những chế độ chính sách, những bất cập vướng mắc của ngành y tế sẽ được giải quyết hoặc ít nhất, có hướng thoát ra.
Nhắc đến lãnh đạo ngành y bị khiển trách, cảnh cáo hay thậm chí vướng vòng lao lý, ông Hiếu đặt vấn đề: "Lỗi cá nhân chắc chắn phải trả giá, nhưng lỗi quy trình, lỗi hệ thống dù đã được chỉ ra sao lại rất khó để thay đổi?".
Cũng là người đứng đầu một bệnh viện, ông Hiếu thừa nhận “giám đốc bệnh viện giỏi chuyên môn, nhưng chưa chắc đã nắm vững về quản lý với những quy định lắt léo như hiện nay”. Vì vậy, rất cần các cơ chế rõ ràng để việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men, và tốt nhất, nên tách khỏi lĩnh vực chuyên môn.
Một người trong cuộc khác là đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM) cũng đặt ra yêu cầu về việc tạo điều kiện cho nhân viên y tế, cán bộ quản lý có cơ hội, môi trường để phát triển về y đức, chứ không phải chờ lúc xảy ra chuyện thì sử dụng biện pháp hành chính hay thủ tục tố tụng hình sự. Theo bà, đây là vấn đề quản lý cần tính tới.
Công an, kiểm sát viên ra vào khu vực tòa nhà Việt - Nhật, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) ngày 21/10 ngay sau khi Bộ Công an ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Hải Nam. |
Nêu nhiều vấn đề trong quản lý, điều hành bệnh viện công, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long nhìn nhận việc không ít cán bộ quản lý ngành y bị truy cứu trách nhiệm hình sự là hiện tượng đáng lo ngại, cả về góc độ pháp luật, đạo đức hay quản trị.
Vì thế, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, điều hành hệ thống y tế để đề ra giải pháp là bài toán dành cho người đứng đầu ngành y.
Ông Long dẫn chứng ở các nước, một người dù giữ cương vị quản lý cũng chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi chuyên môn. Còn nhiệm vụ cung ứng, mua sắm đấu thầu do bộ phận khác đảm nhiệm.
Đại biểu mong lãnh đạo ngành y sẽ có giải pháp hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác quản lý, điều hành hệ thống y tế, để không phải thấy cảnh bác sĩ sẽ vướng vào vòng lao lý.
Giải pháp nâng cao hệ thống y tế cơ sở
Ưu tiên đầu tư hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở để người dân có thể tiếp cận y tế từ sớm, từ xa là chủ trương mà Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ liên tục đề cập, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát.
Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, y tế cơ sở là lực lượng chống dịch quan trọng nhất nên cần chú trọng đầu tư chuyên môn, cơ sở vật chất, lập kế hoạch đào tạo nhân lực. Đây không chỉ là nhiệm vụ của sở y tế các địa phương, mà theo ông, còn có trách nhiệm của Bộ Y tế.
Đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Nhật Tân. |
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) nêu thực tế công tác chống dịch ở cơ sở cho thấy hệ thống y tế dự phòng “vừa yếu về đội ngũ, vừa thiếu trang thiết bị và nguồn lực triển khai nhiệm vụ”.
Vì vậy, nguồn lực đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở là một “đề bài” mà tư lệnh ngành y cần giải đáp.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cũng chỉ ra “bài học xương máu” trong chống dịch là củng cố hệ thống y tế cơ sở.
“Về vấn đề y tế cơ sở không phải chỉ có tiền, mà còn vấn đề về nhân lực. Làm sao để thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao, có những hiểu biết đủ để hoạt động cho tốt”, bà Lan chia sẻ và “nói thật” rằng hệ thống y tế cơ sở hiện còn rất chắp vá, thường xuyên thay đổi về tổ chức.
Tư lệnh ngành y cũng được đề nghị quan tâm giải đáp việc triển khai các mô hình bác sĩ gia đình, khám chữa bệnh từ xa… vì đây là nhu cầu bức thiết trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine nội
Chung quan điểm “vaccine là trụ cột” trong công tác phòng, chống dịch, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng Chính phủ, ngành y tế cần thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine trong thời gian tới, vì Covid-19 vẫn diễn biến rất khó lường.
“Chủ động vaccine”, vì thế, cũng là một yêu cầu đặt ra với ngành y tế và người đứng đầu ngành y.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) chia sẻ băn khoăn khi Việt Nam là một trong bốn nước đầu tiên trên thế giới đã phân lập được virus, nhưng việc sản xuất, xét nghiệm còn yếu, không đủ cung cấp trong nước và phải nhập khẩu với số lượng rất lớn, giá cao, làm cho việc tầm soát rất tốn kém.
Việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước là vấn đề được nhiều người kỳ vọng để chủ động nguồn vaccine chống dịch. Ảnh: Văn Nguyện. |
Bên cạnh ngoại giao vaccine, đại biểu Linh cũng đề nghị đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước để chủ động nguồn cung và tự chủ vaccine đảm bảo cung cấp cho người dân.
Bà đồng thời đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác đầu tư, mua sắm chi phí cho phòng chống dịch và xử lý nghiêm sai phạm.
Đại biểu tỉnh Đồng Nai Trịnh Xuân An thì cho rằng trong chiến lược tổng thể phòng chống dịch, vaccine vẫn phải là trụ cột. Ông cho rằng ngành y tế cần dự liệu phương án tiêm vaccine mũi thứ ba và xúc tiến thuốc chữa Covid-19 vì dịch biến đổi không ngừng.
“Chúng ta rất cần có một vaccine Made in Vietnam” là bài toán đại biểu này đặt ra cho ngành y. Ông đề nghị Bộ Y tế thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine nội và sớm có thông tin về vaccine Nanocovax.
Nêu vấn đề về xã hội hóa công tác phòng chống dịch, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), lưu ý việc này phải được điều hành thống nhất, chặt chẽ với một hành lang pháp lý, cơ chế quản lý, kiểm soát rõ ràng, minh bạch nhằm ngăn chặn tiêu cực.
Trong khi đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đặt câu hỏi: "Đến bao giờ mới có đánh giá tổng thể các vấn đề liên quan đến công tác hoàn thiện thể chế pháp luật để phòng, chống dịch?". Ông nhấn mạnh cử tri rất muốn biết câu trả lời.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các thành viên Chính phủ diễn ra trong 2,5 ngày, từ sáng 10 đến sáng 12/11. Bốn bộ trưởng được lựa chọn đăng đàn tại kỳ họp thứ 2 gồm: Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội. Đây cũng là đầu tiên ông đăng đàn. Lần lượt trả lời chất vấn sau đó là Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.
Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng sẽ làm rõ thêm những vấn đề mà đại biểu quan tâm.