Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Y tế: Tiêm mũi 3 vào cuối 2021, đầu 2022

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, tính đến 7/11, hơn 90 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm trên cả nước; 40% số người 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 mũi.

  • Chiều 8/11, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận trên hội trường về tình hình kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác phòng chống dịch Covid-19. Phiên thảo luận sáng cùng ngày khép lại với 32 đại biểu Quốc hội phát biểu và không có lượt tranh luận nào diễn ra.
  • Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có 10 phút để trao đổi vấn đề mà các đại biểu quan tâm.
Quốc hội tiếp tục thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội Chiều 8/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch 2022.
  • Hai bộ trưởng có 10 phút để giải trình

    Điều hành phiên làm việc sáng 8/11, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị đại biểu cho thêm ý kiến vào các nội dung có liên quan đến vấn đề tài chính, ngân sách vì nội dung này chưa được nhiều người đề cập.

    Do trong phiên thảo luận buổi sáng có nhiều đại biểu phát biểu liên quan đến vấn đề y tế và lao động, xã hội nên Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu. Mỗi bộ trưởng có 10 phút để trao đổi vấn đề mà đại biểu quan tâm.

  • Đề nghị gia hạn thời gian ưu đãi điện gió cho 37 dự án

    Đầu phiên thảo luận buổi chiều, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết trong danh sách còn 85 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) là người được mời phát biểu đầu tiên.

    Qua thu thập ý kiến cử tri, bà Phương nhắc đến việc hết hạn biểu giá điện gió ưu đãi. Đại biểu tỉnh Gia Lai cho biết còn 37 dự án điện gió không kịp hoàn thành. Theo bà, dịch bệnh, thiên tai là yếu tố bất khả kháng, nhiều nhà đầu tư ở địa phương có dự án đã gửi nhiều văn bản tới Thủ tướng và Bộ Công Thương để xin gia hạn thời hạn áp dụng giá ưu đãi cho điện gió, xem đây là giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch, tăng thu ngân sách.

    “Nếu không được gia hạn, phương án tài chính của 37 dự án trên có khả năng bị phá vỡ, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, trong khi đây là nguồn vốn đầu tư của tư nhân”, nữ đại biểu nói. Nhắc đến cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị về biến đổi khí hậu COP26, nữ đại biểu đề Chính phủ nghiên cứu việc này.

    Quoc hoi thao luan ve kinh te xa hoi anh 1

  • Khoảng cách giàu nghèo nới rộng trong đại dịch

    Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nói về việc hạn chế lồng ghép chính sách xã hội vào chính sách thuế, đồng nghĩa với việc trong những năm tới đây sẽ hạn chế miễn giảm thuế. Về việc này, bà đề nghị Quốc hội cân nhắc do ảnh hưởng của dịch bệnh là rất lớn.

    Bên cạnh đó, trong 3 năm qua, việc miễn giảm thuế đã được sử dụng như một biện pháp hữu hiệu. Nếu thời gian tới đây Quốc hội ban hành gói kích thích, phục hồi kinh tế, bà đề nghị Chính phủ, Quốc hội nên áp dụng các chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua các biện pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

    Một vấn đề nữa nữ đại biểu đặt ra là khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Trong khi kế sinh nhai và việc làm của nhóm người nghèo khó tiếp tục bị ảnh hưởng do dịch bệnh, bà cho rằng tình trạng kiệt quệ và khoảng cách giàu nghèo tiếp tục gia tăng nếu không có giải pháp hữu hiệu. Nữ đại biểu đề nghị có giải pháp căn cơ để tạo việc làm, giúp đỡ người lao động, cải thiện thu nhập để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

    Quoc hoi thao luan ve kinh te xa hoi anh 2

  • Nắm bắt mong muốn của người lao động để có hỗ trợ cần thiết

    Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng đang có tình trạng thiếu lao động sau dịch Covid-19, đặc biệt là thất nghiệp ở địa bàn người lao động di cư đến. Bà đề xuất điều tra, nắm bắt mong muốn của người lao động để có hỗ trợ cần thiết về nhà ở, việc làm, an sinh…

    Về lâu dài, đại biểu cho rằng cần bố trí lại lao động trong nền kinh tế, về các khu vực lân cận. Đại biểu cũng đề xuất sớm ban hành quyết sách để cụ thể hóa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

    Bà Hương đồng thời đề nghị Chính phủ có biện pháp tháo gỡ mang tính đặc thù cho các địa phương khó khăn về điều kiện tự nhiên, điển hình như tỉnh Ninh Thuận.

    Quoc hoi thao luan ve kinh te xa hoi anh 3

  • Đề xuất phát triển đội tàu container lớn

    Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (tỉnh Tiền Giang) cho rằng tính liên kết vùng giữa các địa phương hiện còn lỏng lẻo. Ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong việc xây dựng cơ chế quản lý, điều hành nhằm khắc phục tồn tại trong thời gian qua, tạo điều kiện thúc đẩy liên kết vùng.

    Thứ hai, để đạt được mục tiêu tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5-6%, đại biểu Tiền Giang cho rằng cần đẩy mạnh phát triển đội tàu container lớn, phục vụ chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển. Muốn vậy, Việt Nam cần phải thu hút nguồn vốn đầu tư lớn từ các thành phần kinh tế.

    “Chính phủ cần nghiên cứu, ban hành một số chính sách đặc thù như đấu thầu, chỉ định thầu, giảm, miễn thuế, hỗ trợ tài chính trong giai đoạn đầu phát triển đội tàu, chính sách đào tạo, phát triển thuyền viên, chính sách khuyến khích hợp tác giữa chủ tàu lớn, chủ hàng lớn”, ông Sơn đề xuất.

    Ảnh: Trung tâm báo chí Văn phòng Quốc hội.

    Quoc hoi thao luan ve kinh te xa hoi anh 4

  • 7 lý do để ưu tiên cải cách thủ tục hành chính

    Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đề nghị Chính phủ quan tâm giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội, đó chính là cải cách thủ tục hành chính. Ông nêu 7 lý do cho đề xuất này.

    Thứ nhất, cải cách thủ tục hành chính là nội dung phản ánh rõ nhất mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, đồng thời là nội dung bức xúc nhất của người dân, doanh nghiệp.

    Thứ hai, trong điều kiện nguồn lực đất nước còn nhiều khó khăn, Chính phủ chưa thể cải cách nhiều nội dung cùng lúc, thì việc cải cách thủ tục hành chính mang lại hiệu quả thiết thực nhất.

    Thứ ba, thông qua cải cách thủ tục hành chính có thể giúp xây dựng bộ máy phù hợp, lựa chọn bộ máy công chức hợp lý.

    Thứ tư, cải cách thủ tục cải cách hành chính là tiền đề để thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược và nâng cao chất lượng thể chế, nâng cao trình độ, thay đổi thói quen, nếp nghĩ, cách làm của cán bộ công chức.

    Thứ năm, thông qua cải cách thủ tục hành chính sẽ gỡ bỏ rào cản với môi trường kinh doanh và đời sống người dân, giúp cắt giảm chi phí và rủi ro mà người dân phải gánh chịu. Đồng thời giúp tăng thu cho ngân sách, giảm chi cho người dân, doanh nghiệp.

    Thứ sáu, cải cách thủ tục hành chính ngăn chặn 4 nguy cơ, nhất là nguy cơ tụt hậu về kinh tế, tham nhũng, lãng phí nguồn lực. “Đây là những giá trị vô hình nhưng có tác động to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tác động tích cực đến đầu tư trong và ngoài nước”, ông Hà nhấn mạnh.

    Thứ bảy, ông Hà cho rằng cải cách thủ tục hành chính thời gian qua còn hạn chế, yếu kém, vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà của một bộ phận cán bộ còn xảy ra. Ông cũng cho rằng vẫn có hiện tượng yêu cầu thêm nhiều giấy tờ khi giải quyết thủ tục hành chính, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.

    Quoc hoi thao luan ve kinh te xa hoi anh 5

  • Đề nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Đồng Nai, TP.HCM

    Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) bày tỏ lo ngại với bức tranh ảm đạm của kinh tế các tỉnh phía Nam trong đó có TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Tăng trưởng GRDP của các địa phương này được dự báo không đạt mục tiêu đặt ra, trong khi người dân mất việc làm, sụt giảm thu nhập, doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề.

    Bà Hằng ví nền kinh tế các tỉnh phía Nam như một cơ thể đã lao lực, cần một nguồn lực kinh tế để bồi bổ, hồi phục.

    Vì vậy, nữ đại biểu đề nghị các tỉnh phía Nam cần được hỗ trợ, ưu tiên nguồn lực. Bà đề nghị Chính phủ, Quốc hội tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

    Bên cạnh đó, bà đề nghị Chính phủ tăng cường đầu tư cơ sở, vật chất, hạ tầng nhất là giao thông cho các tỉnh phía nam để cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng sức chống chịu.

    Quoc hoi thao luan ve kinh te xa hoi anh 6

  • Rút kinh nghiệm gói hỗ trợ cũ khi ban hành gói mới

    Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) đồng ý với đề xuất Chính phủ cần sớm ban hành những gói hỗ trợ tiếp theo theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, khi nguồn ngân sách là hữu hạn, nếu như gói hỗ trợ này được ban hành, bà cho rằng cần rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lãi suất 4% kích thích kinh tế sau khủng hoảng năm 2009.

    Cụ thể, gói chính sách với quy mô lên tới 1 tỷ USD trước kia đã khiến cho hệ thống ngân hàng gặp không ít khó khăn vì nợ xấu. Đến tận nhiều năm sau, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu mới giải quyết được tình trạng trên.

    “Chính phủ cần có bộ phận hoặc tổ công tác giúp Thủ tướng theo dõi, tổng hợp, đánh giá, điều phối và giám sát gói hỗ trợ, đảm bảo các gói hỗ trợ này được thực hiện hiệu quả và đúng mục đích”, bà Vân đề xuất.

    Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Bắc Ninh cho biết hộ kinh doanh cá thể đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, lại chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể nào cho hộ kinh doanh cá thể như các doanh nghiệp.

    Vì vậy, đại biểu mong muốn Chính phủ ban hành những chính sách kịp thời để hỗ trợ đối tượng này, có thể gộp chung hộ kinh doanh với doanh nghiệp siêu nhỏ, hoặc có chính sách riêng gắn với chính sách vay vốn, tạo việc làm.

    Quoc hoi thao luan ve kinh te xa hoi anh 7

  • Kinh tế "rơi thẳng đứng" sau 4 tháng chống dịch

    Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đưa ra nhận định qua 4 tháng chống dịch, kinh tế Việt Nam đã “rơi thẳng đứng” từ mức tăng trưởng dương 6,61% ở quý II xuống -6,17% ở quý III. Trong khi đó, hàng chục nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa, hàng nghìn người mất việc làm phải rời bỏ về quê hương.

    “Điều đó cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế rất yếu, tiềm lực của nền kinh tế đang bị suy kiệt”, ông Cường nói.

    Để kinh tế Việt Nam không bị lỡ nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới, ông Cường cho rằng các doanh nghiệp không chỉ cần thêm nguồn lực để phục hồi trở lại mà còn cần vượt lên đặt chân vào khâu sản xuất có giá trị cao trong bối cảnh thế giới đang phân phối lại chuỗi cung ứng.

    Muốn vậy các doanh nghiệp và nền kinh tế phải được tăng cường thêm nguồn lực đầu tư theo 2 hướng chính.

    Ông đề xuất cần có chính sách cấp bù lãi suất để doanh nghiệp được vay vốn với mức lãi suất tương đương tỷ lệ lạm phát, vì hoạt động kinh doanh sau đại dịch còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mức lợi nhuận khó bù đắp được chi phí lãi suất vay cao như thị trường.

    Đồng thời, ông Cường cho rằng phải tăng cường trích lập quỹ dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu đang tiềm ẩn, gia tăng.

    Theo đại biểu, nếu ngân sách dành ra 30.000-40.000 tỷ để cấp bù thì Việt Nam sẽ có 1 triệu tỷ đồng tiền vốn lãi suất thấp để giúp doanh nghiệp phục hồi. Kèm theo đó, phải có cơ chế kiểm soát để các doanh nghiệp đều được tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ, không để tiền vay ngân hàng chạy vòng quanh trở thành tiền gửi để kiếm lời từ chênh lệch lãi suất, hoặc không để tiền vốn giá rẻ đổ vào các lĩnh vực đầu cơ tài sản như bất động sản, chứng khoán.

    Quoc hoi thao luan ve kinh te xa hoi anh 8

  • Công tác dự báo tình hình dịch Covid-19 chưa tốt

    Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề cập công tác dự báo về tình hình, mức độ nguy hại của dịch Covid-19 chưa tốt, dẫn đến chưa chuẩn bị tốt các điều kiện, thiết bị và con người để phòng chống dịch.

    Ông cũng nhấn mạnh hệ thống y tế không giám sát được hết F0, tỷ lệ lây nhiễm cao, có ngày số ca nhiễm mới đến 14.000 người và có thời điểm tỷ lệ tử vong cao hơn mức trung bình của thế giới. Một số chính sách hỗ trợ có tính khả thi thấp, gói hỗ trợ triển khai còn chậm và lúng túng.

    Đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch giai đoạn tới; đẩy mạnh việc bao phủ vaccine cho nhân dân càng sớm càng tốt; chú trọng xây dựng các kịch bản thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch bệnh.

    Quoc hoi thao luan ve kinh te xa hoi anh 9

  • Đề nghị ưu tiên phát triển giao thông liên vùng

    Đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) nhắc đến bối cảnh năm 2021 khi đợt dịch thứ tư bùng phát đã gây ảnh hưởng nặng nề tới mọi lĩnh vực.

    Ông kiến nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt trong phục hồi kinh tế, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, linh hoạt ưu tiên giữa nhiệm vụ phòng chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội.

    Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt các dự án trọng điểm quốc gia, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia, giải quyết dứt điểm các dự án yếu kém, chậm tiến độ làm tăng nợ công và làm giảm nguồn lực phát triển của quốc gia.

    Đặc biệt, đại diện cho cử tri Cao Bằng, ông Đức đề nghị Chính phủ, Quốc hội ưu tiên nguồn lực phát triển giao thông kết nối liên vùng, nhất là vùng núi biên giới phía Bắc để những nơi này có thể phát huy thế mạnh vốn có.

  • “Google, Facebook âm thầm theo dõi, định hướng người dùng”

    Đại biểu Phạm Trọng Nhân (tỉnh Bình Dương) cho rằng những khó khăn thách thức đang đè nặng lên nền kinh tế trong dài hạn. Theo ông, chuyển đổi số để hình thành kinh tế số, xã hội số với nền tảng là cơ sở dữ liệu trở thành nguồn động lực quan trọng cho tăng trưởng, cũng là công cụ phục vụ đắc lực cho quản trị quốc gia.

    “Tuy nhiên, chuyển đổi số với công nghệ nền phải được thực hiện thế nào để không những đem lại hiệu quả cho quản trị, mà còn đảm bảo an ninh con người, an ninh chính trị, an ninh kinh tế khi nền tảng Google, Facebook và gần đây là TikTok tưởng chừng hỗ trợ cho tăng trưởng nhưng lại đang âm thầm theo dõi, định hướng, can thiệp, chế tác lại hành vi người dùng. Các nhà khoa học đã đặt cho nó một cái tên đáng sợ là chủ nghĩa tư bản giám sát”, ông Nhân cảnh báo.

    Đại biểu tỉnh Bình Dương chỉ ra thông tin hành vi và định hướng hành vi công dân của quốc gia, chính là nguyên liệu cho quản trị lại nằm trong tay các nhà tư bản này. Quản trị quốc gia gắn liền với chuyển đổi số, cho nên chúng ta cần phải có những ứng phó kịp thời trước những nền tảng.

    Quoc hoi thao luan ve kinh te xa hoi anh 10

  • Đề nghị lấy ngày 27/4 tưởng niệm người chết do Covid-19

    Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận), đến nay, 22.000 đồng bào cùng với cán bộ chiến sĩ đã tử vong và hy sinh vì dịch Covid-19. "Để ghi nhớ những hy sinh, mất mát trên, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ lấy một ngày tưởng niệm đồng bào tử vong vì Covid-19 và tôi đề xuất ngày 27/4", ông Thông lý giải đây là ngày đợt dịch thứ 4 bùng phát.

  • Tranh thủ mọi nguồn lực để sớm có đủ 150 triệu liều vaccine

    Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đề xuất bộ, ngành, địa phương vận dụng linh hoạt mục tiêu kép, tùy từng thời điểm, diễn biến của dịch bệnh để điều chỉnh phù hợp, đảm bảo vừa phục hồi phát triển kinh tế, vừa đảm bảo phòng chống tốt dịch bệnh. Các quy định ban hành với đồng bộ quy định của Chính phủ, Thủ tướng và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.

    Ông cũng đề nghị kiểm soát chặt chẽ việc ban hành quy định của địa phương, tránh quy định không phù hợp, quá mức cần thiết gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Đại biểu tỉnh Hưng Yên đề nghị ưu tiên nguồn lực để phát triển y tế cơ sở, nhất là trung tâm y tế cấp huyện và các trạm y tế xã.

    “Tranh thủ mọi nguồn lực để sớm có đủ 150 triệu liều vaccine tiêm miễn phí cho người dân, để sớm tạo miễn dịch cộng đồng”, ông Thắng nói.

    Quoc hoi thao luan ve kinh te xa hoi anh 11

  • “Bộ GD&ĐT chưa có động thái ứng phó việc học với dịch”

    Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, nêu ý kiến của cử tri về lĩnh vực giáo dục đào tạo. Đánh giá về ứng phó từ phía các nhà quản lý giáo dục, bà cho rằng có nhiều biểu hiện chậm trễ và lúng túng.

    “Dịch Covid-19 bùng phát gần 2 năm nay nhưng Bộ GD&ĐT dường như chưa có động thái thể hiện tầm nhìn dài hạn để ứng phó với dịch”, nữ đại biểu đánh giá.

    Bà dẫn chứng đến ngày 4/8, khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 ban hành vẫn hệt như mọi năm, không có một dòng nào đề cập đến các biện pháp ứng phó với dịch để triển khai linh hoạt, an toàn.

    Gần 2 năm qua, Bộ cũng chưa đánh giá khả năng thực hiện việc học trực tuyến ở các địa phương, chưa hỗ trợ phương tiện dạy và học trực tuyến cho những vùng và đối tượng khó khăn. “Đây là những bất cập cần khắc phục ngay”, đại biểu đề nghị.

    Về việc thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông, bà Thúy thẳng thắn nhận xét bộ GD&ĐT, lãnh đạo chính quyền và ngành giáo dục ở không ít địa phương chưa quán triệt đầy đủ nghị quyết của Quốc hôi và Luật Giáo dục về sách giáo khoa.

    Nhắc đến tinh thần nghị quyết của Quốc hội là xã hội hóa để phát huy nguồn lực xã hội, bảo đảm đa dạng hóa và không ngừng nâng cao sách giáo khoa. Nhưng vừa qua, báo chí đã phải lên án khá gay gắt một số bài học thiếu tính khoa học, giáo dục trong các bộ sách giáo khoa của NXB Giáo dục Việt Nam.

    Quoc hoi thao luan ve kinh te xa hoi anh 12

    Báo chí cũng phát hiện một tác giả trong 2 năm viết đến 50 đầu sách giáo khoa, sách bài tập các loại ở cả 3 cấp học. Việc lựa chọn sách giáo khoa cũng có nhiều bất cập khi trao toàn quyền quyết định cho hội đồng tuyển chọn sách mà không quan tâm đến ý kiến của cơ sở.

    Nếu việc này tiếp diễn, đại biểu lo ngại nguy cơ quay trở lại tình trạng độc quyền của một doanh nghiệp trực thuộc Bộ GD&ĐT, đó là NXB Giáo dục Việt Nam.

    “Trước kỳ họp tôi đã nhận được đơn kiến nghị, tố cáo kèm theo tài liệu có liên quan, tôi sẽ chuyển đến cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo thẩm quyền”, bà Thúy và đề đề nghị Bộ GD&ĐT tiến hành thanh tra các công việc biên soạn, lựa chọn, phát hành sách giáo khoa.

  • Xây cụm công nghiệp nhưng không quan tâm nhà ở, hệ thống y tế

    Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) chia sẻ thực tiễn trong công tác chống dịch vừa qua cho thấy vai trò, vị trí của y tế cơ sở rất quan trọng. Vì thế, cần tập trung đầu tư, nâng cao hệ thống y tế cơ sở và việc đầu tư phải mang định hướng lâu dài do tình hình còn nhiều biến động.

    Để tập trung phát triển kinh tế, thời gian qua, bà Hạnh cho biết nhiều địa phương đã quy hoạch đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, xây dựng cụm công nghiệp lớn để thu hút nguồn lực tại chỗ và các địa phương khác đến. Nhưng việc đầu tư hạ tầng xã hội, y tế hay thiết chế nhà ở chưa được quan tâm. Do đó, khi có vấn đề xảy ra thì lúng túng, thậm chí khủng hoảng.

    “Nếu không phát triển hài hòa kinh tế - xã hội trong vùng, chỉ phát triển ở những nơi có lợi thế mà không có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau thì sẽ dẫn đến quá tải về dân số, hạ tầng, y tế, giáo dục ở một số địa phương. Đồng thời không tạo được động lực phát triển kinh tế - xã hội. Khi dịch bệnh xảy ra thì bệnh viện tuyến cuối quá tải, gây áp lực lớn cho công tác điều trị”, bà Hạnh nêu thực tế.

    Nữ đại biểu một lần nữa đầy nghị quy hoạch hạ tầng kinh tế phải gắn với hạ tầng xã hội.

  • Việt Nam đã hợp đồng mua 200 triệu liều vaccine Covid-19

    Được mời làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói rằng trong giai đoạn đầy khó khăn này, sự sẻ chia của nhân dân cả nước là nguồn động viên to lớn cho ngành y tế.

    Ông cho rằng đại dịch Covid-19 là đại dịch chưa có trong tiền lệ, đang diễn biến rất phức tạp và gây ra tổn hại lớn về sức khỏe, tính mạnh và kinh tế của tất cả quốc gia trên thế giới.

    “Làn sóng dịch hiện nay với biến chủng Delta đã làm đảo lộn kết quả phòng chống dịch của các nước trên thế giới”, ông Long nói.

    Kể từ khi phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên, Bộ trưởng Y tế cho biết Việt Nam đã trải quả 3 đợt dịch và đang trong đợt thứ tư với thực tế đợt dịch lần sau diễn biến phức tạp hơn đợt dịch lần trước.

    Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp về y tế, giãn cách xã hội, ông Long cho hay các địa phương ở tâm dịch đã bước kiểm soát được số ca nhiễm và số ca tử vong, cả nước đang dần thích ứng an toàn với dịch.

    Báo cáo của Chính phủ thẳng thắn nêu tồn tại, hại chế như dự báo chưa sát thực tiễn, chỉ đạo điều hành có lúc lúng túng, bị động, tổ chức thực hiện ở địa phương thiếu nhất quán, nhất là việc đi lại của người dân. Đặc biệt, hệ thống y tế bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng.

    Để ứng phó với đại dịch chưa có trong tiền lệ, ông Long cho rằng các nước trên thế giới cũng như Việt Nam phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh giải pháp chống dịch cho phù hợp thực tế.

    Ông cũng khái quát những kết quả bước đầu trong công tác phòng chống dịch thời gian qua, trong đó có sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, huy động mọi tầng lớp nhân dân chống dịch.

    Nhiều kinh nghiệm quý và các giải pháp chuyên môn cũng được áp dụng như cách ly, điều trị F0 tại nhà, xét nghiệm thần tốc, phân tầng điều trị, thiết lập trạm y tế lưu động; huy động lực lượng lớn nhân viên y tế, quân đội, công an vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam…

    Quoc hoi thao luan ve kinh te xa hoi anh 13

    “Ngành y tế xin được chia sẻ những mất mát, tổn thất nặng nề về con người ở TP.HCM và các địa phương khác trong thời gian qua”, ông Long nói.

    Về vacicne, ông khẳng định thời gian qua, Việt Nam triển khai chiến lược vaccine rất hiệu quả từ mua, nhập khẩu, tổ chức nghiên cứu trong nước, mở rộng chiến lược tiêm chủng.

    Đến nay, Việt Nam đã có những thỏa thuận, đơn hàng, hợp đồng lên tới 200 triệu liều; đã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều và thúc đẩy vaccine về trong cuối năm nay để tiêm miễn phí cho người dân. Chiến dịch tiêm chủng vaccine cũng đang được triển khai rất thành công. Tính đến hết ngày 7/11, cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều và hơn 40% số người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 liều vaccine. Số vaccine đảm bảo phủ đủ trong cuối năm nay, đồng thời triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối năm nay và đầu năm sau.

  • Cuối quý I/2022, thị trường lao động có thể phục hồi trở lại bình thường

    Phát biểu giải trình thêm, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tập trung 5 nội dung lớn: Chính sách an sinh xã hội; phát triển các trụ cột chính của an sinh xã hội; chăm lo các đối tượng yếu thế; kết quả triển khai các gói hỗ trợ; đào tạo bồi dưỡng nhân lực và chăm lo phục hồi thị trường lao động.

    Đánh giá về vấn đề an sinh xã hội tại Việt Nam, Bộ trưởng cho biết hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam từng bước hình thành 3 chức năng cơ bản: Phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro.

    Về ban hành và triển khai các gói hỗ trợ thời gian qua, Bộ trưởng Dung báo cáo với Quốc hội rằng tương đối chủ động, làm bài bản và thực hiện theo lộ trình, đi đôi với xử lý linh hoạt các phát sinh, tình huống cụ thể.

    Trong phòng chống dịch, Đảng, Nhà nước, trực tiếp là thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và giải pháp tình thế trong trường hợp đặc biệt.

    Gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42, có trên 14 triệu đối tượng thụ hưởng; gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68, qua 4 tháng triển khai đã phê duyệt 25.900 tỷ đồng, hỗ trợ cho 26,71 triệu đối tượng thụ hưởng. Gói hỗ trợ cho người lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã rà soát hỗ trợ 363.000 người sử dụng lao động, hỗ trợ tiền từ kết dư quỹ bảo hiểm cho trên 8 triệu người lao động (đạt 85%) với 20.644 tỷ đồng.

    Về thị trường lao động, theo báo cáo của các tỉnh phía Nam và rà soát, tình hình phục hồi sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất 50-80%, số lao động phục hồi 70-75%, cá biệt có địa phương tới 90%. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội dự báo đến hết quý I và đầu quý II/2022, nếu không có diễn biến phức tạp, thị trường lao động có khả năng phục hồi trở lại bình thường.

    Quoc hoi thao luan ve kinh te xa hoi anh 14

Có cán bộ ứng xử với dân vừa không đúng luật, vừa không đúng đạo lý

Những yếu kém của cán bộ được nhiều đại biểu nêu ra với điển hình gây bức xúc như cán bộ đi chơi golf khi giãn cách, ứng xử không chuẩn mực với dân...

Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm