Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Xây dựng yêu cầu tích cực cứu nạn nhân sập giáo

Ngay sau khi vụ sập giàn giáo ở Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) xảy ra, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã tới hiện trường để chỉ đạo công tác cứu nạn và khắc phục hậu quả.

Sập giàn giáo ở Formosa, 13 người tử vong

13 người được xác nhận đã tử vong, hàng chục người khác bị thương sau vụ sập giàn giáo ở Khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Liên quan đến vụ sập giàn giáo tại Dự án Formosa (Hà Tĩnh), chiều 26/3, hiện trường vụ việc cơ bản đã được dọn dẹp. Công tác tìm kiếm các nạn nhân kết thúc, 13 công nhân được xác định đã thiệt mạng, trong khi 28 người khác bị thương đang được điều trị tại bệnh viện.

Trước đó, sau khi đến hiện trường, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các lực lượng ưu tiên hàng đầu trong công tác cứu hộ. Chiều cùng ngày Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã đến thăm hỏi, động viên các nạn nhân của vụ sập giàn giáo đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh. Bộ trưởng yêu cầu các y bác sĩ tiếp tục tích cực cứu chữa cho các nạn nhân, đồng thời quan tâm đến thân nhân của họ. Phía Bệnh viện cho biết sẽ lo toàn bộ kinh phí chưa trị cho các nạn nhân.

Trắng đêm cứu nạn

Đây là công trình “xây dựng đê chắn sóng biển” do nhà thầu Samsung đảm nhận. Công đoạn đổ bê tông tấm chắn sóng này được giao cho nhà thầu phụ là Công ty Xây dựng Nibelc, có trụ sở tại tỉnh Quảng Bình trực tiếp thi công. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, có hơn 50 công nhân đang tiến hành đổ bê tông ở độ cao khoảng 20 m.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng và Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự có mặt tại hiện trường, chỉ đạo công tác cứu hộ và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Khi hệ giàn giáo thủy lực hạ xuống để chuẩn bị tiến hành đổ bê tông lần hai, thì toàn bộ hệ thống giàn giáo này đổ ụp xuống từ độ cao 17 m. Do độ cao và bị sắt thép đè lên nên 13 công nhân thiệt mạng tại chỗ, gần 30 người khác bị thương nặng.

Ngay sau khi nhận được tin báo về vụ tai nạn, tỉnh Hà Tĩnh đã huy động 700 cán bộ chiến sĩ Công an, Bộ đội Biên Phòng và hàng trăm công nhân tiếp cận hiện trường làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Quân khu IV cũng cử 50 chiến sĩ công binh từ Nghệ An vào tham gia.

Trắng đêm 25/03, toàn bộ lực lượng cứu nạn khẩn trương và thận trọng đưa người bị thương ra khỏi đống đổ nát. Xe cứu thương hú còi liên tục, đưa người bị thương đến bệnh viện. Phía bên ngoài hiện trường, hàng trăm công nhân khắc khoải chờ tin đồng nghiệp. Đến 13h ngày 26/03, hai thi thể cuối cùng được đưa khỏi hiện trường. Công việc cứu nạn cơ bản đã hoàn tất. Danh tính những công nhân bị tử nạn đã được xác định.

Các lực lượng cứu hộ đã thức trắng đêm để khẩn trương cứu nạn.

Cho đến tại thời điểm này, thi thể của 13 công nhân xấu số đã được bàn giao cho gia đình. UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định hỗ trợ mỗi nạn nhân tử vong 3 triệu đồng, các nạn nhân bị thương 2 triệu đồng. Đồng thời thành lập Ban chỉ đạo điều tra, giải quyết vụ tai nạn lao động tại cảng Sơn Dương để làm rõ nguyên nhân tai nạn.

Tai nạn đã được công nhân cảnh báo

Sau khi xảy ra tai nạn, các nạn nhân nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Kỳ Anh và Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, nơi 19 nạn nhân vụ sập giàn giáo tối ngày 25/3 đang được cấp cứu. Ngoài 4 công nhân bị thương nguy kịch đang được cấp cứu tại Phòng Hồi sức tích cực, thì các nạn nhân khác đã tạm thời bình ổn.

Theo những nạn nhân trong vụ tai nạn còn tỉnh táo, thì vụ sập giàn giáo này đã được các công nhân thi công cảnh báo. Họ cho biết trước đó giàn giáo đã có dấu hiệu tụt và lắc. Anh Nguyễn Văn Sỹ (SN 1990, quê Lâm Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) bị gãy xương đùi kể lại: “Trước khi sập khoảng 20 phút, thì giàn giáo này đã bị sụt và lắc mạnh. Các công nhân đã báo hiện tượng xấu trên cho chỉ huy người Hàn Quốc tại công trường, nhưng sau đó họ vẫn chỉ đạo công nhân tiếp tục quay trở lại làm việc”.

Công nhân bị thương khẩn trương được đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện Kỳ Anh và Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh cấp cứu.

Anh Nguyễn Văn Hạnh (SN 1991, Bố Trạch, Quảng Bình) cho biết: “Trước đó, hệ giàn giáo đã có dấu hiệu lắc mạnh và tụt. Một người đã hô tất cả 50 công nhân ra khỏi giàn giáo, thế nhưng ông chỉ huy công trình yêu cầu tất cả công nhân phải quay trở lại làm việc. Khoảng mấy chục phút sau là sập xuống. Hầu hết mọi người đang cấp cứu tại đây đều xác nhận điều này”.

Công nhân Nguyễn Văn Linh (SN 1992, trú tại Kỳ Anh) cho hay, anh không có bảo hiểm và hầu hết những người bị nạn khác cũng không có.

Lúc này phía sau nhà tang lễ, thi thể công nhân Trần Công Minh (SN 1995), trú tại Quảng Trạch, Quảng Bình đang được bàn giao cho gia đình. Đây là thi thể cuối cùng được đưa ra khỏi đống đổ nát. 

Theo gia đình, nạn nhân mới vào làm tại Công ty Xây dựng Nibelc được 4 ngày và cũng chưa có bảo hiểm. 

http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/bo-truong-trinh-dinh-dung-tich-cuc-cuu-chua-cho-cac-nan-nhan-vu-sap-gian-giao.html

Theo Tuyết Mây - Đình Hà/Báo Xây dựng

Bạn có thể quan tâm