Nghị trường Quốc hội sáng 5/11 tiếp tục nóng với nhiều vấn đề xã hội, dân sinh bức xúc. Thảm họa tự nhiên, thiệt hại về người và của do 4 cơn bão liên tiếp quét qua miền Trung tiếp tục được đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà bày tỏ sự thấu hiểu trước những đề xuất tâm huyết của các đại biểu khi nói về nỗi đau miền Trung đang gánh chịu.
“Tôi xin được chia sẻ với mất mát của người dân, khó khăn của cán bộ, chiến sĩ đang xẻ núi, mở đường để giải quyết những thảm họa này”, ông Trần Hồng Hà nói.
Thiên tai tăng gấp 4 lần trong 40 năm
Dẫn thông tin từ báo cáo rủi ro thiên tai của Liên Hợp Quốc, ông Hà cho rằng thời điểm này là lúc con người rất khó kiểm soát tính cực đoan của biến đổi khí hậu, thảm họa tự nhiên. Cường độ, tần suất của thiên tai tăng gấp 4 lần trong 40 năm qua. Trong đó, bão và lũ chiếm khoảng 40%.
Giai đoạn 1980-1999, chỉ có hơn 4.200 thiên tai lớn, trong khi từ năm 2000 đến 2019, con số này đã tăng lên hơn 7.400. Lũ chiếm phần lớn trong số đó với 3.200 lượt, bão là hơn 2.000 lượt. Đáng chú ý, Bộ trưởng cho hay số lượng thiên tai tăng trong 100 năm qua, nhưng thiệt hại ghi nhận về con người lại giảm.
Phân tích thêm về tình hình thiên tai ở nước ta, ông Hà cho hay Việt Nam nằm trong khu vực chịu bão của vùng Tây Nam Thái Bình Dương, đứng thứ 7 trong khu vực về rủi ro thiên tai và đứng thứ 16 trong số các nước chịu tác động của khí hậu cực đoan.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ông cho rằng vẫn cần đánh giá chi tiết từ phía các nhà khoa học, nhưng nhìn chung các điểm xảy ra sạt lở ở miền Trung là tổ hợp các dạng thiên tai. Bốn cơn bão, trong đó cơn bão số 9 mạnh nhất trong 20 năm, vùng áp thấp duy trì rất lâu ở miền Trung tạo ra lượng mưa vượt qua các chỉ số lịch sử…
“Có những ngày ở Quảng Nam, lượng mưa lên đến hơn 500 mm. Có những nơi trong suốt giai đoạn đó lượng mưa theo tính toán vượt qua các con số, lên đến 2.000-4.000 mm. Lượng mưa như thế là trời đổ nước xuống chứ không phải là mưa nữa”, ông Hà nói.
Ông nhấn mạnh đây là những sự kiện tự nhiên mang tính lịch sử và Việt Nam cũng chưa có đủ số liệu để tính toán được vấn đề như vậy. Các khu vực sạt lở có độ cao duy trì ở 300-900 m, mà toàn bộ khu vực này nằm trong đới đứt gãy địa chất, đất đá có tình trạng phong hóa, độ gắn kết rất thấp. Thảm họa vì thế dễ xảy ra với mức độ nghiêm trọng lớn.
Bỏ tư duy chế ngự tự nhiên
Nói về các biện pháp khắc phục, Bộ trưởng Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của vài trò cắt lũ từ các hồ chứa tại khu vực này. Ông cho rằng nếu điều tiết hợp lý, nhịp nhàng, các hồ chứa có thể giảm thiểu lượng mưa đổ về vùng hạ du 50-70%. Bộ TN&MT đã đưa ra 11 quy trình điều tiết trên 11 lưu vực sông. Chức năng vừa là điều tiết nước cho mùa cạn, bổ sung 30-50% nước cho mùa cạn vừa là chốt chặn an toàn cho mùa mưa lũ.
Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận thảm họa thiên tai vừa qua không phải lỗi do thủy điện nhỏ. Dẫn chứng ở Na Uy có rất nhiều thủy điện nhỏ, ông cho rằng lỗi chính là chúng ta chưa phân tích được hiệu quả và công nghệ thủy điện.
“Nếu chúng ta có thể kết hợp hài hòa với tự nhiên, thực tế là chúng ta có thể làm được, thì có thể duy trì được nguồn điện năng mà vẫn không biến đổi quá lớn đến tự nhiên”, Bộ trưởng nói.
Còn ý kiến về chuyển đổi mục đích rừng, đại diện ngành tài nguyên môi trường cho rằng nếu không chuyển đổi thì không thể có không gian để phát triển dân cư, đô thị khi đất nước sắp vượt mức 100 triệu dân.
“Nhưng cần xác định, khoanh định những khu vực cần phải giữ, phải bảo vệ, như rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên”, ông nói.
Nói về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường đang được lấy ý kiến, ông Hà cho rằng Bộ tiếp thu, cầu thị, tuân thủ nghiêm các chủ trương của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ trong phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế.
"Thay đổi tư duy con người phải khai phá, chế ngự tự nhiên bằng tư duy sống hài hòa với tự nhiên", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.