Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Trung Quốc đang phá hoại hệ thống quốc tế

Ông Mark Esper gửi thông điệp về ảnh hưởng độc hại của Trung Quốc và kêu gọi các quốc gia khác cùng nhau đẩy lùi sự trỗi dậy của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Chính phủ Trung Quốc đang phá hoại hệ thống quốc tế và cố gắng thay đổi nó thông qua sự cưỡng ép và ảnh hưởng độc hại, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark T. Esper nói với cây bút Josh Rogin của Washington Post trong chuyến công du 4 nước châu Á tuần này.

Người đứng đầu mới của Lầu Năm Góc đang cố gắng định hướng lại quân đội Mỹ để cạnh tranh với Trung Quốc, ưu tiên hàng đầu của họ, khi Mỹ đối diện những thách thức dai dẳng cả trong và ngoài nước.

Trung Quốc phớt lờ các quy tắc dù có thể tuân theo

Trong cuộc mặt gặp bên lề cuộc họp thường niên của các bộ trưởng Quốc phòng Đông Nam Á, ông Esper đã chất vấn Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa về sự chống đối cứng đầu của Trung Quốc trong việc tuân thủ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Trước khi gặp bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Esper đã kêu gọi các đồng minh của Mỹ cùng nhau đẩy lùi mô hình đe dọa và ép buộc của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

quan he My - Trung anh 1
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hoàng (trái) chào đón Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark T. Esper tại Bangkok vào ngày 18/11. Ảnh: AP.

Trong một cuộc phỏng vấn với Washington Post, ông Esper nói rằng khu vực này đang thức tỉnh trước việc Bắc Kinh sử dụng sức mạnh và ảnh hưởng gia tăng của mình để bắt nạt các nước nhỏ hơn và lạm dụng hệ thống quốc tế - trái với sự quả quyết của chính phủ Trung Quốc rằng họ hướng tới "sự trỗi dậy hòa bình".

"Khi chúng ta nói về trật tự dựa trên luật lệ, họ rõ ràng muốn thay đổi luật chơi để làm lợi cho họ. Họ không thích những gì được thiết lập sau Thế chiến II", ông Esper nói.

"Họ đang cố gắng thao túng trật tự dựa trên quy tắc hoặc sử dụng nó để chống lại chúng tôi và các quốc gia khác nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự của riêng họ", ông nhận định.

Ông đổ lỗi trực tiếp cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người mà ông Esper cho rằng đã đưa Trung Quốc đi theo con đường đáng ngại sau khi nhậm chức năm 2013.

"Chúng tôi không phải là những người tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh. Tất cả những gì chúng tôi đang yêu cầu là Trung Quốc tuân thủ các quy tắc, sống theo các chuẩn mực quốc tế, theo các cam kết và nghĩa vụ của họ", ông nói.

"Nếu Trung Quốc muốn làm điều đó, Trung Quốc có thể làm được. Nhưng Trung Quốc hoặc là không chọn điều đó hoặc bỏ qua nó", ông cho biết.

Thất bại trong việc trở thành cường quốc có trách nhiệm

Ông Esper không xa lạ đối với vấn đề Trung Quốc. Ông từng làm việc trong Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung Quốc một thập kỷ trước và nghiên cứu về Trung Quốc cho Phòng Thương mại Mỹ trước đó. 

Ông công tác tại Hong Kong vào năm 1997 và tham dự lễ bàn giao khi Trung Quốc tiếp quản thành phố từ Anh. Ông cho biết chính phủ Mỹ đã cảnh báo Bắc Kinh không sử dụng quân đội để đè bẹp các cuộc biểu tình ở Hong Kong.

quan he My - Trung anh 2
Các binh sĩ của lực lượng Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc có mặt ở Hong Kong. Họ chỉ rời doanh trại hai lần trong 22 năm. Ảnh: AP.

Quân đội Mỹ đã bị sa lầy ở các khu vực khác và giờ phải tập trung vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, một nhiệm vụ mà ông Esper cho biết là ưu tiên số một của ông với tư cách bộ trưởng Quốc phòng.

"Điều đó có nghĩa là sự tập trung lớn hơn nhiều vào Trung Quốc, xoay quanh các nguồn lực, hoạt động và tất cả những thứ khác", ông nói.

Điều đó có nghĩa là đưa quân đội trở lại, chủ yếu từ Trung Đông và châu Phi, ông giải thích. Ông Esper và tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã bắt đầu đánh giá toàn cầu về việc triển khai quân đội Mỹ với mục tiêu tái phân bổ từ những nơi không còn cần lực lượng vũ trang Mỹ. 

Theo tiêu chí "triển khai lực lượng năng động", ông Esper cho biết các khí tài lớn như tàu sân bay và đội máy bay ném bom có thể được đưa trở về quê nhà, khiến chúng linh hoạt hơn và do đó khó đoán trước hoạt động hơn.

Thông điệp bị phân tán

Trong chuyến đi thứ hai tới khu vực kể từ khi trở thành Bộ trưởng Quốc phòng vào tháng 7, ông Esper kêu gọi các quốc gia nhỏ hơn tham gia cùng Mỹ để đẩy lùi chiến lược của chính phủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, thông điệp của ông bị phân tán bởi sự khăng khăng đối đầu của chính quyền Trump trước các đồng minh về những gì Tổng thống Trump coi là mất cân bằng trong các mối quan hệ - ngay cả khi nhiều nước trong số đó lo ngại rằng cam kết của Washington đối với khu vực đang suy yếu.

Mỹ cung cấp cho các quốc gia Đông Nam Á sự bảo vệ hời hợt khỏi sức mạnh của Bắc Kinh và một vài lựa chọn thay thế cho chương trình tiếp cận kinh tế lớn của Trung Quốc, được gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Washington Post nhận định đây là điểm khó có thể tranh cãi khi các cơ quan tuyên truyền của Trung Quốc chỉ ra tài trợ thiếu hụt của Mỹ để minh chứng cho lời kêu gọi ủng hộ khu vực.

Tờ báo Trung Quốc Global Times bình luận về chuyến thăm của ông Esper tới khu vực: "Ông Trump đã thúc đẩy tôn chỉ 'Nước Mỹ trước tiên'. Các đồng minh của nước này nhận ra rằng nếu họ quấy rối Trung Quốc bằng cách đặt cược vào Mỹ, Washington sẽ không tới cứu họ, để họ tự làm tự chịu".

Ông Esper đưa ra ba câu trả lời. Đầu tiên, ông nói, Quốc hội không thể cung cấp cho Lầu Năm Góc nguồn tài chính ổn định. Ông cũng lưu ý rằng sự chuyển hướng đối với Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian để thực hiện. Và ông lập luận rằng sự xoay trục của chính quyền hiện tại sang châu Á là nghiêm túc, không giống lần trước.

Điều khác biệt là chính quyền hiện nay tin rằng cam kết (và hỗ trợ) hàng thập kỷ của Mỹ với Trung Quốc, với mục đích giúp nước này trở thành cường quốc thế giới có trách nhiệm, đã thất bại.

"(Trong nhiều thập kỷ), mọi người nghĩ rằng Trung Quốc sẽ chuyển hóa. Ông Tập rõ ràng đã đưa đất nước đi theo một quỹ đạo khác", ông Esper nhìn nhận.

Tàu sân bay Mỹ đi qua eo biển Hormuz

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln đã đi qua eo biển Hormuz trong bối cảnh căng thẳng với Iran vẫn âm ỉ.

Thượng viện Mỹ thông qua dự luật về Hong Kong

Thượng viện Mỹ thông qua dự luật có thể mở đường cho việc trừng phạt ngoại giao và kinh tế với chính quyền Hong Kong nếu mạnh tay với người biểu tình.

Tuyết Mai

Theo Washington Post

Bạn có thể quan tâm