Ấn Độ và Mỹ đã tổ chức cuộc tập trận kéo dài 9 ngày mà các nhà phân tích cho rằng rất quan trọng để bảo vệ lợi ích chung của hai nước trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, một khu vực mà Trung Quốc đang cho thấy thái độ ngày càng quyết liệt hơn, Nikkei Asia Review cho biết.
Cuộc tập trận mang tên “Tiger Triumph”, bắt đầu từ ngày 13-21/11 dọc theo bờ biển phía đông Vịnh Bengal. Đây là lần đầu tiên lục quân, không quân và hải quân Ấn Độ phối hợp tập trận với Hải quân Mỹ. Trọng tâm của cuộc tập trận là hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và phát triển khả năng hợp tác giữa các lực lượng.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết cuộc tập trận còn bao gồm các hoạt động hàng hải và đổ bộ. Cuộc tập trận được cho là một động thái thể hiện sự hợp tác giữa New Delhi và Washington trong nỗ lực chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Các thủy thủ Mỹ trên tàu đổ bộ USS Germantown tham gia tập trận chung với Ấn Độ. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
“Chúng tôi vẫn chưa biết làm thế nào có thể sử dụng thỏa thuận an ninh Mỹ - Ấn năm 2018 trong môi trường đe dọa thực sự. Cuộc tập trận cho chúng tôi hiểu rằng thỏa thuận năm 2018 và bản ghi nhớ về hậu cần năm 2016 là những công cụ có thể được sử dụng khi cần thiết”, phó giáo sư Pankaj Jha về quốc phòng và chiến lược, Đại học OP Jindal Global ở bang Haryana, Ấn Độ cho biết.
Thỏa thuận năm 2018 cho phép Mỹ chia sẻ thiết bị và mã liên lạc nhạy cảm với Ấn Độ, cho phép hai bên hoạt động trên cùng một tần số trong thời gian thực. Trong khi đó, bản ghi nhớ về hậu cần cho phép hai bên tiếp cận với các cơ sở quân sự để cung cấp thực phẩm, nước và nhiên liệu trong các chuyến thăm và huấn luyện chung.
Cuộc tập trận lần này chủ yếu tập trung vào thử nghiệm các giải pháp công nghệ không gian mạng và chia sẻ thông tin liên lạc đã ký kết với Mỹ.
Trung Quốc đã đạt được ảnh hưởng quân sự ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhờ đầu tư mạnh vào thiết bị quốc phòng tiên tiến, theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Mỹ, có trụ ở tại Sydney, Australia công bố vào tháng 8.
Đối mặt với an ninh khu vực ngày càng phức tạp, cùng với đó là nguồn lực quốc phòng bị hạn chế, Mỹ không còn yên tâm về khả năng một mình duy trì cân bằng quyền lực ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, báo cáo cho biết.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác cho rằng cuộc tập trận không làm tổn hại đến lợi ích và tham vọng của Trung Quốc, nó như là một sự tiến bộ tự nhiên trong việc tăng cường quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ.