Một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay tại Tokyo, ông Ashton Carter sẽ khẳng định tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Nhật và sự hiện diện của 50.000 lính Mỹ tại đây. Lực lượng này nhằm đối phó với những động thái ngày càng cứng rắn của Trung Quốc và mối đe dọa ngày càng leo thang từ vũ khí hạt nhân Triều Tiên ở khu vực.
Tuy nhiên, Reuters nhận định những phát biểu của ông Carter trong chuyến công du sẽ bị hạn chế. Bởi ông đang ở "hoàng hôn nhiệm kỳ" và không đại diện cho các chính sách "còn mơ hồ" của tỷ phú Trump.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trong chuyến thăm tới Nhật Bản vào tháng 8/2015. Ảnh: Reuters. |
"Dù ông Carter nói gì thì cuộc bầu cử Mỹ và những động thái của Trump khiến nhiều nước dự tính một tương lai có thể không có sự hiện diện của Mỹ", Reed Foster, nhà phân tích quốc phòng của IHS Jane's, khẳng định.
Cũng trong chuyến công du, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ ghé thăm Ấn Độ. Vào tháng 8, hai quốc gia ký kết thoả thuận sử dụng các căn cứ quân sự của nhau để thực hiện tiếp tế, sửa chữa.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ khẳng định 2 nước sẽ sớm đạt được thỏa thuận về trao đổi thông tin thương mại hàng hải trước khi ông Obama rời nhiệm sở.
Chính quyền Tổng thống Obama luôn ưu tiên gắn kết với châu Á và những nước đồng minh của Mỹ ở khu vực này.
Trong khi đó, Tổng thống tân cử Donald Trump có vẻ khá "lạnh nhạt" với châu Á. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông từng tuyên bố sẵn sàng rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc, Nhật Bản nếu 2 nước này không tăng chia sẻ chi phí mà Washington phải chi ra để duy trì lực lượng.
"Đó không phải là một tối hậu thư, cũng không phải mệnh lệnh 'Hãy đè bẹp các đồng minh'. Đó là cuộc đàm phán mà chúng ta vẫn thường làm", ông Trump nhiều lần gợi ý Nhật Bản và Hàn Quốc xây dựng vũ khí hạt nhân để tự vệ, hơn là dựa vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ.
Hơn nữa, ông Trump còn có kế hoạch rút khỏi Hiệp định Tthương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), trụ cột kinh tế "xoay trục" của Obama ở châu Á, với Nhật Bản là đối tác chính.