Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Nội vụ: 'Cấp phó tăng vì họp hành nhiều'

Trước chất vấn về lạm phát cấp phó, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho hay, hiện tại cấp bộ quy định là 4 nhưng trung bình là 5,4 phó; cấp tổng cục là 3, bình quân là 3,69 phó.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình.

Mở đầu phiên chất vấn sáng nay, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nêu nguyên nhân và quan điểm của việc 'lạm phát cấp phó' hiện nay. 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, hiện nay tại cấp bộ quy định là 4, nhưng bình quân là 5,4; cấp tổng cục là 3, bình quân là 3,69 phó; cấp vụ là 3 nhưng bình quân là 3,04; cấp sở là 3 bình quân là 3,06.

"Bộ Nội vụ thống nhất việc gia tăng cấp phó gây tốn kém ngân sách", Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nêu quan điểm.

Về nguyên nhân, Bộ trưởng Bình nêu hàng loạt vấn đề như do nền hành chính họp hành nhiều, nên cần nhiều cấp phó để đi họp. Do áp lực công việc và do một số ngành đòi hỏi phải có nhiều cấp phó. Cũng có nhiều cơ quan, tổ chức có quá nhiều cấp phó mà không xuất phát từ nhu cầu thực tế, thậm chí có việc bổ nhiệm vì một lý do cá nhân, quan hệ.

"Riêng Bộ Nội vụ cũng làm gương, giảm từ 6 xuống còn 4 thứ trưởng nhưng việc làm gương này chưa lan tỏa", Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình trăn trở.

Trước đó, báo cáo giải trình của Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình gửi đến các đại biểu Quốc hội nêu 5 giải pháp quản lý số lượng cấp phó ở các cơ quan Trung ương. 

Đó là, tiếp tục thực hiện đúng quy định về số lượng cấp phó trong các tổ chức của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp huyện; thực hiện nguyên tắc Phó thủ trưởng cơ quan cấp trên không kiêm Thủ trưởng cơ quan cấp dưới; kiểm soát chặt chẽ số lượng cấp phó;  các cơ quan, đơn vị có số lượng cấp phó vượt quy định phải báo cáo cấp có thẩm quyền về kế hoạch điều chỉnh; xử lý trách nhiệm người bổ nhiệm cấp phó không đúng quy định.

​'Bộ tôi có bốn thứ trưởng mà bố trí đi họp không đủ'

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết như trên, trong cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề “lạm phát” cấp phó và đưa quy định từ chức vào dự thảo Luật.

Chậm tăng lương vì thiếu nguồn lực

Việc thực hiện lộ trình tăng lương, Bộ trưởng Bình nhắc lại định hướng đã trình Trung ương từ năm 2012 là “điều chỉnh mức lương tối thiểu khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo lộ trình tiến tới bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người hưởng lương gắn với đổi mới hoạt động sự nghiệp công và phù hợp với khả năng nền kinh tế”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ nhắc lại lý do việc triển khai các giải pháp tạo nguồn và đổi mới cơ chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy mới được 1 năm chưa có nhiều kết quả; kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng cao trong 1-2 năm tới nên khó bố trí đủ nguồn cho cải cách tiền lương.

Bộ trưởng Nội vụ hứa sẽ tiếp tục chỉnh lại đề án cải cách chính sách tiền lương để báo cáo cấp trên xem xét thông qua vào thời điểm thích hợp, khi có đủ điều kiện thực hiện. Trong thời gian Trung ương chưa thông qua đề án “không bổ sung các loại phụ cấp ưu đãi, trách nhiệm, đặc thù theo ngành, nghề”, Bộ sẽ căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội từng bước điều chỉnh tiền lương cho phù hợp.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cũng cho biết, tháng 4 vừa qua, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ dự kiến điều chỉnh mức lương cơ sở từ năm 2015 đến năm 2020 tăng bình quân từ 7-8%/năm. Theo đó, đến năm 2020 mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng (tăng thêm 56,5% so với hiện nay). 

Đồng thời với đó, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng được điều chỉnh bằng với mức tăng lương cơ sở, điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công bằng hoặc cao hơn mức tăng tiền lương của người tại chức.

Tuy nhiên, do khả năng ngân sách nhà nước năm 2015 không bố trí đủ nguồn thực hiện phương án nêu trên, ông Bình phân trần, Chính phủ đã trình Quốc hội thực hiện điều chỉnh tiền lương và trợ cấp từ ngân sách nhà nước tăng thêm 8% từ ngày 1/1/2015 đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống (tức người có mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng). 

Dự kiến ngân sách nhà nước bố trí khoảng 11.000 tỷ đồng để thực hiện việc này.

Công Khanh

Bạn có thể quan tâm