- Thưa Bộ trưởng, ông nghĩ sao khi có đại biểu đặt vấn đề ở ta cấp phó trong các cơ quan hưởng ngân sách nhiều quá, ảnh hưởng đến khả năng của ngân sách, trong khi nhiều nước thường có số cấp phó rất ít?
- Việt Nam không thể học tập mô hình nào. Ví dụ nước Nga chuyển đổi sang mô hình thị trường, nhưng cấp phó của họ 6-7 người hoặc 8 người. Bộ tôi có 4 thứ trưởng, phân công đi họp đã là vấn đề rồi. Có nhiều cuộc họp mà để cho cán bộ cấp vụ đi họp thì không được đồng tình…
Bộ trưởng Hà Hùng Cường. |
Vậy thì làm sao giảm cấp phó và quy định cứng cấp phó? Tất nhiên, chúng ta không được tuỳ tiện. Quan trọng nhất là quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, lĩnh vực nào cũng đòi hỏi chuyên sâu thì phải có người phó giúp cấp trưởng phụ trách lĩnh vực chuyên sâu, giúp cấp trưởng hoàn thành nhiệm vụ. Nhìn vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị để đánh giá thừa hay thiếu.
Nhiều nước ở cấp bộ chỉ có một tổng thư ký của bộ là cấp phó. Đó là công chức điều hành công việc, bất kể bộ trưởng là ai. Bộ máy của họ hoạt động theo luật pháp hàng trăm năm nay. Bộ trưởng là chính khách, giải quyết vấn đề về chính trị, vấn đề cử tri đang quan tâm. Một bộ trưởng mới chủ yếu thay đổi chính sách chứ không thay đổi công vụ của nền hành chính.
- Thưa Bộ trưởng, việc sửa đổi Luật tổ chức Chính phủ lần này có nên đưa vào quy định từ chức?
- Nói chung về vấn đề từ chức thì phải để cho xã hội đón nhận một cách bình thường, ngày càng trở nên bình thường.
Người được giao chức vụ, tự mình thấy không phù hợp, có thể về chuyên môn nghiệp vụ, về năng lực, sở trường, có thể do sức ép công việc, có thể do đề xuất lên vấn đề gì mình tâm huyết nhưng không được thì từ chức. Không nhất thiết vì là yếu kém hay vì vi phạm đạo đức, vi phạm công vụ thì mới đặt vấn đề từ chức.
Việc từ chức không chỉ đặt ra đối với thành viên Chính phủ mà với tất cả những người có chức vụ, quyền hạn được luật pháp giao và được các cơ quan có thẩm quyền giao.
Như vậy, nếu chỉ quy định trong Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương thì không toàn diện. Nếu có thì để cho toàn diện phải quy định trong các đạo luật khác như Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức TAND, Luật tổ chức VKSND…
Đương nhiên ở các nước thì hành pháp bao giờ cũng thử thách gay gắt nhất vì phải thực thi công việc hàng ngày.
- Lâu nay chưa có cán bộ nào từ chức dù cũng đã có những vấn đề này, vấn đề khác xảy ra. Lý do vì sao thưa ông?
- Nói không có cán bộ nào từ chức thì cũng cần nhìn rộng hơn. Tiến tới luật pháp phải quy định rõ, mỗi chức danh có chức năng nhiệm vụ thế nào cho rõ. Khi chức trách rõ ràng rồi thì bất kỳ một người nào có tự trọng nhận nhiệm vụ gì cũng phải cân đong đo đếm cẩn thận.
Hiện nay thực chất là phân công nhiệm vụ. Giữa cá nhân và tập thể chưa rõ ràng. Có thể người đó làm nhưng là thực hiện quyết định của người khác, của một cơ quan có thẩm quyền, của một tập thể, cho nên một người thực hiện quyết định của cả một tập thể. Như vậy, không thể quy trách nhiệm hoàn toàn cho một người được.
Tôi hy vọng rồi mọi thứ sẽ chặt chẽ, các quy định của Hiến pháp sẽ được quy định cụ thể trong các luật. Tiến tới việc từ chức sẽ đến.