Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Chỉ có Việt Nam lấy phiếu tín nhiệm'

"Không gì bằng việc được cả Quốc hội hay HĐND đánh giá. Tự người được lấy phiếu phải thấy hạn chế của mình để sửa", Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Trao đổi bên lề Quốc hội sáng 6/6, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ quan điểm về một số phương án sửa đổi của Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chọn phương án mỗi nhiệm kỳ của Quốc hội, HĐND chỉ lấy phiếu một lần vào giữa nhiệm kỳ (năm thứ 3). Quy định này đã được tham khảo thông lệ quốc tế như thế nào khi ở các nước, nhiều quan chức chỉ làm việc ít tháng đã phải đối mặt với việc bỏ phiếu bất tín nhiệm?

- Thực ra chỉ có Việt Nam mới lấy phiếu tín nhiệm. Mình lấy phiếu cả Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Thường vụ Quốc hội. Ở các nước họ bỏ phiếu bất tín nhiệm luôn.

Không phải Việt Nam không lấy thông lệ quốc tế để so sánh mà việc lấy phiếu của Việt Nam là góp vào một kênh để đánh giá cán bộ. Nếu thấy người được lấy phiếu năng lực hạn chế do tín nhiệm thấp thì phải có cách xử lý.

- Ủy ban thường vụ Quốc hội vẫn đề nghị giữ 3 mức tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp trong khi có tới 20 đoàn đề nghị chỉ để 2 mức tín nhiệm “tín nhiệm” hoặc “không. Luồng quan điểm này sẽ được xem xét như thế nào?

- Ở đây cần phải có sự phân biệt giữa "lấy phiếu" và "bỏ phiếu". Mình lấy phiếu chứ không phải bỏ phiếu. Nếu bỏ phiếu tín nhiệm thì dứt khoát chỉ 2 mức. Còn lấy phiếu là để đánh giá xem uy tín của anh thế nào, để góp phần cho việc đánh giá.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Nguyễn Hưng.

- Sau lần lấy phiếu đầu tiên vào năm ngoái, cử tri cả nước đánh giá rất cao. Đến nay, quy trình lại được xây dựng theo hướng giảm dần tần suất, giữ nguyên 3 mức lấy phiếu. Có ý kiến cho rằng quy trình này đang trở nên hình thức, người được lấy phiếu được bao bọc quá an toàn, ông nghĩ sao?

- Tôi nghĩ rằng đã rút kinh nghiệm thì  phải tốt hơn. Cũng chính là chúng ta lo một năm lấy phiếu một lần thì hình thức nên mới phải sửa đổi, để cho người thuộc diện được lấy phiếu có thời gian khắc phục, sửa chữa, phấn đấu. Sửa đổi nghị quyết 35 chính là vì mục tiêu đó.

Năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội lấy phiếu đánh giá tín nhiệm, việc này cũng là thực hiện nghị quyết Trung ương 4. Trong quá trình làm phải có sơ kết, tổng kết xem kết quả vừa qua có gì ưu, nhược để rút kinh nghiệm. Ngay sau đó, Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiến hành việc này, tổ chức rất nhiều hội nghị rút kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, nhiều ý kiến đề nghị về mặt phiếu, hình thức phiếu, thời gian, đối tượng…

Chính thế phải có động tác là báo cáo lại Quốc hội quy tình lấy phiếu để có điều chỉnh cho phù hợp, cho tốt hơn, vì ta chưa làm bao giờ.

- Có biện pháp nào để kết quả lấy phiếu tăng cường tính thực chất với cá nhân người được lấy phiếu thay vì chỉ có tính tham khảo?

- Không gì bằng một vị được cả Quốc hội hay HĐND lấy phiếu, đánh giá thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình. Tự người đó phải thấy hạn chế của mình để sửa.

Cái thứ hai không gì tốt bằng nhân dân. Người dân đánh giá lĩnh vực đó lãnh đạo làm tốt chưa, nếu thấy đánh giá chưa tốt thì có ý kiến, đưa vào lấy phiếu thì kết quả thấp cao chính là thể hiện sự đánh giá điều đó. Nếu sửa chữa tốt thì đương nhiên lĩnh vực đó sẽ tốt lên chứ làm sao mà anh sửa không tốt mà tôi bỏ phiếu anh tốt được.

Sáng 6/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. 

Quá trình xin ý kiến đại biểu trước kỳ họp cho thấy khá nhiều nội dung của nghị quyết còn có các quan điểm rất khác nhau.
Với đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, có ý kiến đề nghị bổ sung cả các chức danh giữ vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội như tổng giám đốc các công ty, tập đoàn 100% vốn nhà nước.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên đối tượng lấy phiếu. Theo đó, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm với Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Chủ tịch và các phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, các chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thủ tướng, các phó thủ tướng chính phủ, các bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.

Thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm cũng còn nhiều quan điểm, song số đoàn đại biểu tán thành tiến hành định kỳ hàng năm như quy định hiện nay chiếm tỷ lệ áp đảo so với một hoặc hai lần một nhiệm kỳ.

Nhấn mạnh là đã thảo luận, cân nhắc nhiều mặt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chọn phương án mỗi nhiệm kỳ của Quốc hội, HĐND tiến hành lấy phiếu một lần vào giữa nhiệm kỳ (năm thứ 3). Nhằm tạo sự đồng bộ với quy định về thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trong cả hệ thống chính trị theo tinh thần kết luận tại Hội nghị Trung ương 9 (khóa 11).

Riêng đối với thời gian còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 và nhiệm kỳ hội đồng nhân dân 2011-2016, tiếp tục tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm 2014, tờ trình nêu rõ.

Liên quan đến mức đánh giá tín nhiệm, trên 20 đoàn và đại biểu ở 5 đoàn khác đề nghị chỉ nên quy định 2 mức đánh giá “tín nhiệm” hoặc “không tín nhiệm”.

Ủy ban thường vụ Quốc hội vẫn đề nghị giữ 3 mức tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp.

Theo tờ trình, người được lấy phiếu khi có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ quá nửa nhưng chưa đến 2/3 tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, thường trực HĐND trình HĐND dân bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tiếp theo.

Người có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì sẽ trình bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp đó. 

Ủy ban Pháp luật, cơ quan thẩm tra dự thảo nghị quyết sửa đổi, về cơ bản đều tán thành với các quan điểm lớn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị đối với người có trên 2/3 tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì không cần bỏ phiếu tín nhiệm mà chuyển ngay sang quy trình xem xét miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm chức vụ đối với người đó.

Nguyễn Hưng

Bạn có thể quan tâm