Theo cử tri Nguyễn Nguyễn Văn Sơn (phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội), việc lấy phiếu tín nhiệm với 47 chức danh vừa qua đã có kết quả tích cực, nhân dân rất đồng tình ủng hộ. Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng giúp cho người được lấy phiếu thấy độ mức độ tín nhiệm của mình, từ đó nỗ lực sửa chữa, khắc phục.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri chiều 27/9. |
Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng với quy định ba mức tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp như hiện nay, kết quả tín nhiệm cao phần lớn thuộc về các chức danh đứng đầu các ủy ban của Quốc hội. Ngược lại mức tín nhiệm thấp lại rơi vào những người trực tiếp quản lý, điều hành như vị trí của các bộ trưởng.
Theo ông Sơn, như vậy giữa mức độ tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp chưa phản ánh rõ năng lực, trình độ quản lý điều hành và phẩm chất, đạo đức của người cán bộ. Theo đó, để đảm bảo thực chất của việc lấy phiếu tín nhiệm, cử tri Sơn đề nghị chỉ nên áp dụng hai mức lấy phiếu tín nhiệm, đó là tín nhiệm và không tín nhiệm.
Cùng đề cập đến việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, bà Nguyễn Thị Xuân Diệp (phường Đội Cấn, quận Ba Đình) cho biết, qua thường xuyên theo dõi các phiên họp, qua ý kiến của các cử tri cho thấy việc lấy phiếu tín nhiệm dù được coi là bước tiến, thành tựu mới nhưng mới chỉ là kết quả bước đầu.
Ông Nguyễn Văn Dũng (phường Kim Mã, quận Ba Đình) kiến nghị: "Thực tế cũng có đại biểu còn phân vân đề mức độ tín nhiệm với một số chức danh. Nên chăng cần thay đổi hình thức lấy phiếu tín nhiệm theo hướng cho các bộ trưởng, chức danh trả lời chất vấn trước rồi lấy phiếu tín nhiệm sau. Như vậy mới rõ được hiệu quả năng lực và giám sát được việc nói đi đôi với làm".
Sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn
Phúc đáp băn khoăn của cử tri về chủ trương, hình thức lấy phiếu tín nhiệm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định việc lấy phiếu tín nhiệm đã được cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá bước đầu có tác dụng tốt.
"Hiệu quả bước đầu chí ít là răn đe, cảnh báo, ngăn chặn. Trong đó lấy giáo dục là chính chứ không phải thay người này bỏ người kia, nếu cần thiết thì vẫn phải thay", Tổng bí thư nhấn mạnh.
Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau lần đầu tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, dư luận cũng còn ý kiến khác nhau.
"Đây là vấn đề lớn, vấn đề khó, chúng ta chưa làm bao giờ và trên thế giới cũng chưa nước nào làm giống chúng ta. Của ta là lấy phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh, cùng một lúc lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 người, từ Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ trở xuống.
Khi tiếp xúc cử tri các bác cũng góp ý kiến tại sao không hai mức, rồi bây giờ lấy phiếu tín nhiệm dày quá, năm nào cũng lấy phiếu như thế này rồi chỉ loay hoay đối phó với lấy phiếu tín nhiệm thì còn làm ăn gì nữa. Tại sao cứ phải hàng năm hay 5 năm lấy phiếu tín nhiệm hai lần thôi, như vậy là đang còn nhiều ý kiến khác nhau.
Trước tình hình ấy và hôm nay sau ý kiến của cử tri, chúng tôi tiếp thu, lắng nghe, sẽ cho tổng kết, rút kinh nghiệm để làm sao cho tốt hơn, tác dụng hơn, phù hợp hơn", Tổng bí thư nhấn mạnh.