Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Nguyễn Đình Tứ viết thư tình xin lỗi vì lỡ tát vợ trong mơ

Trong cuốn “Chuyện tình của các chính khách Việt Nam”, tác giả Nguyệt Tú - Nguyệt Tĩnh ghi lại không ít những bức thư tình của các nhà lãnh đạo.

Không cầu kỳ, không quá nhiều mỹ từ, lời lẽ chân thành, giản dị, những bức thư thể hiện tình cảm lãng mạn, thủy chung của các chính khách Việt Nam với những người bạn đời và sự ân cần trách nhiệm đối với gia đình.

Gia tài 500 bức thư tình của Bộ trưởng Nguyễn Đình Tứ

Trong “Chuyện tình của Bộ trưởng Nguyễn Đình Tứ”, tác giả sách cho biết anh Tứ và chị Nhạn (Nguyễn Thu Nhạn) quen biết và yêu nhau từ những năm 50-60 thế kỷ 20, hồi hai người còn đi du học ở bên Trung Quốc. Lúc đó chị Nhạn học trường Y, anh Tứ học Đại học Thủy lợi. Trong khoảng thời gian này, hai người đã có 500 bức thư gửi cho nhau. Sau khi cưới, anh Tứ sang làm việc Liên Xô, chị Nhạn tiếp tục học Đông Y ở Bắc Kinh. Họ lại tiếp tục xa nhau và gặp nhau qua những bức thư tình:

“18/7/60

Em yêu dấu vô cùng của anh

Tuần này thế là anh đã liên tiếp cho em bốn bức thư. Em lại bị cảm rồi, thầy thuốc mà không biết đề phòng gì cả. Em nhớ làm sao cho chóng khỏi và đừng bị lại nữa nhé. Bên em, anh thấy thật sung sướng, hạnh phúc. Không có ai yêu anh, chiều chuộng, săn sóc anh như em, không có ai làm lành và nhịn anh mỗi khi anh nổi nóng giỏi như em. Chỉ có em, chỉ có vợ của anh mới đối với anh được như thế mà thôi. Càng nghĩ, càng yêu em, nhớ em không kể xiết.

Hôn em trăm ngàn lần, nhớ em rất nhiều”.

Có lần, anh Tứ mơ hai tuần liền không nhận được thư chị Nhạn. Anh viết thư kể lại giấc mơ này cho chị. Anh còn xin lỗi mãi, vì trong giấc mơ đã đánh chị một cái.

“16/10/1960

Em vô cùng yêu dấu của anh

Thư em đã đến rồi. Anh hôn lên thư rồi mới đọc. Anh đọc thư em và nước mắt giàn giụa, anh khóc mãi. Anh cứ nghĩ đến cảnh em trở về nhà một mình. Trưa em cũng nằm nghỉ ở cái giường ấy nhưng bây giờ lại chỉ có một mình em. Rồi tối về em lại cũng dùng cái lò ấy để hâm cơm, luộc trứng nhưng không còn có anh ở bên em nữa. Rồi tối em về lên giường nằm ngủ cũng chỉ có một mình. Anh khuyên em đừng buồn nhưng chính anh lại đang buồn biết mấy. Nhưng cũng như em viết ở trong thư vừa rồi “chúng ta sẽ cố gắng không để lãng phí mất thời gian hy sinh và chịu đựng quý giá này của anh và của em”.

thu tinh chinh khach,  To Huu, Nguyet Tu,  Le Quang Dao anh 1
Vợ chồng Bộ trưởng Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Thu Nhạn hồi trẻ.

“Bé yêu” trong thư tình Tố Hữu

Nhà thơ Tố Hữu có một mối tình đẹp, lãng mạn với cô nữ sinh trường Đồng Khánh, Vũ Thị Thanh. Anh chị cưới nhau vào một ngày tháng bảy mưa ngâu năm 1947. Sau tuần trăng mật ngắn ngủi, hai người thường xuyên phải xa nhau do điều kiện công tác. Năm 1954, nhà thơ về tiếp quản thủ đô trước vợ một năm. Trong thời gian xa cách anh đã gửi gắm nỗi nhớ vợ mình trong sự lưu luyến chung của mọi người khi chia tay căn cứ Việt Bắc. Anh viết thư cho chị:

“Ngày 27 tháng 10 năm 1954

Bé yêu!

Hôm qua anh được thư bé, tự nhiên anh vui cả ngày, vui hơn cả mọi ngày. Trên đường về Hà Nội, anh nhớ đến công việc và chập chờn từng lúc nhớ đến bé của anh, như anh nhớ đến Việt Bắc của chúng ta vậy. Anh làm bài thơ “Việt Bắc” hình như nói với cả em của anh đang ở lại. Tự nhiên trong lòng, tình chung và tình riêng lẫn lộn, hòa làm một. Và tình cảm ấy thấy nó tha thiết hơn nhiều. Chưa bao giờ anh yêu em, yêu cuộc đời của chúng ta thiết tha như vậy trong thơ của anh”.

Nhà thơ Tố Hữu rất chăm gửi thư cho vợ, người bạn đời, bạn thơ của mình. Trong các bức thư anh thường gọi vợ là “bé” như hồi mới yêu nhau:

“Anh lo cho bé lắm, nằm queo một mình, nghĩ lung tung thì hư lắm. Mà bé không đủ ấm, chỉ có cái chăn với cái áo mỏng thôi. Áo bông, áo len bé để ở nhà cho út hết, thế có hư không?”.

Sau này, chị Thanh làm Phó ban Tuyên huấn của Đảng, thường xuyên phải đi công tác nước ngoài. Tuy công việc bận rộn, Tố Hữu luôn dành thời gian chăm sóc các con. Anh viết thư, kể tỉ mỉ chuyện nhà, chuyện các con cho chị nghe:

“Ôi, mấy đêm đầu, mẹ đi vắng thật là lâm ly. Mấy đứa con cứ tranh nhau mà ấp cái gối của mẹ cho đỡ nhớ mà. Cái Hoa lại chảy nước mắt ra nữa chứ. Chả nhẽ ba lại mếu. Đành phải động viên kịch liệt và tạm làm mẹ cho hai cô con gái vậy”.

thu tinh chinh khach,  To Huu, Nguyet Tu,  Le Quang Dao anh 2
Vợ chồng Nhà thơ Tố Hữu, Vũ Thị Thanh hồi trẻ.

“Võng trăng” trong thư tình của Trung tướng Lê Quang Đạo

Trong “Chuyện tình của Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo và tôi”, nhà văn Nguyệt Tú, tác giả và là nhân vật xưng tôi cho biết tình yêu của họ xuất phát từ cái nhìn đầu tiên. Hai người cưới nhau năm 1948. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Lê Quang Đạo ở chiến khu Việt Bắc, còn Nguyệt Tú ở khu 4. Hai người viết cho nhau rất nhiều thư. Những bức thư thắm thiết tình yêu của Lê Quang Đạo làm cho Nguyệt Tú vơi đi nỗi vất vả khi sinh con đầu lòng không có chồng bên cạnh.

“Có người nói có con sẽ yêu con hơn yêu vợ. Anh không tin. Anh không sống gần con nên tình yêu con có lẽ chưa thật đầy đủ. Nhưng anh cho rằng nó là thứ tình cảm không thể nói hơn hay kém mà chỉ làm tăng thêm tình cảm vợ chồng. Đúng không em? Em thấy thế nào giữa tình yêu con và tình yêu chồng”.

Trong chiến trường Quảng Trị, Trung tướng Lê Quang Đạo làm chính uỷ, Phó tư lệnh mặt trận Quảng Trị, nhà văn Nguyệt Tú gửi thư chép tặng chồng bài thơ Võng trăng của Nguyễn Duy.

Cong cong võng bạt anh nằm

Khuyên lên nền lá vành trăng lưỡi liềm

(…) Đêm nay em anh ở đâu?

Cứ nhìn trăng ấy nhìn lâu thấy người

Rừng già ngát một tiếng nai

Cây ngái ngủ đánh rơi vài giọt sương

Khuya dần thiêm thiếp trăng non

Trông rôm rả gió hãy còn võng trăng

Em ơi dù có mưa giăng

Đêm trường trăng sáng vẫn sáng trăng lưỡi liềm.

Tác giả Nguyệt Tú cho biết: "Tôi không hy vọng nhận được thư trả lời nhanh. Nhưng anh đã viết thư ngay cho tôi:

'Anh đã đọc kỹ bài thơ Võng trăng, đúng là bài thơ khá hay vì nó hợp tình cảnh bọn mình. Nhiều lần anh nằm võng ngắm trăng, trăng cũng ‘đánh võng’ trên rừng cây. Anh nghe tiếng nai kêu và nhớ Tú nhiều. Không biết người yêu của tác giả có phải cũng tên là Trăng không? Hoặc Nguyệt, hoặc Hằng, hay Nga gì đó'.

Chuyện tình đẹp, lãng mạn của các chính khách Việt Nam

Năm 1929, trong chuyến công tác, tướng Giáp khi ấy ấn tượng sâu sắc với một nữ sinh Đồng Khánh. Họ gặp lại nhau khi cùng tham gia cách mạng rồi nên duyên.


Minh Châu

Bạn có thể quan tâm