Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện tình đẹp, lãng mạn của các chính khách Việt Nam

Năm 1929, trong chuyến công tác, tướng Giáp khi ấy ấn tượng sâu sắc với một nữ sinh Đồng Khánh. Họ gặp lại nhau khi cùng tham gia cách mạng rồi nên duyên.

Người ta thường nói đằng sau người đàn ông thành đạt có công lao của một người phụ nữ. Sách Chuyện tình của các chính khách Việt Nam của đồng tác giả Nguyệt Tú - Nguyệt Tĩnh (NXB Phụ nữ, 2006) đem lại cho người đọc những dấu ấn riêng, không chỉ vì tác giả là người cùng thời, là bạn của các nhân vật, là một trong những nhân vật trong cuốn sách, mà bởi những chuyện tâm tình riêng tư (ở thời điểm xuất bản chưa mấy ai viết) về chuyện tình yêu, những người bạn đời của 12 nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Tác giả cho biết hầu hết mối tình trên xuất phát từ trong quá trình hoạt động cách mạng. Đó đều là những mối tình đẹp, lãng mạn, đầy chất thơ, nhưng cũng nhiều gian khổ, không ít hy sinh và có cả những cuộc biệt ly.

Mối tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Viết về mối tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với người vợ liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái (em gái Nguyễn Thị Minh Khai), tác giả mô tả lại cuộc gặp đầu tiên giữa hai người trên một chuyến xe lửa Hà Nội - Huế vào năm 1929. Lần đó, anh Giáp đi công tác với mục đích là hợp nhất các tổ chức Đảng. Lúc ấy anh còn rất trẻ, ăn mặc theo lối ký giả. Sau buổi gặp gỡ đầu tiên ấy, hình ảnh Quang Thái, cô nữ sinh Đồng Khánh Huế đã để lại ấn tượng sâu sắc.

Moi tinh dep cua cac chinh khach Viet Nam anh 1
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái.

Lần đầu tiên anh thấy xao xuyến với một người con gái. Nhiều lần anh Giáp đạp xe qua cổng trường Đồng Khánh, hy vọng gặp lại Quang Thái, nhưng mãi không gặp được. Sau đó, cơ duyên cho anh gặp lại chị. Một hôm có người thiếu nữ tìm gặp anh để nhận công tác đoàn thể. Anh Giáp sững sờ đó chính là Quang Thái, người mà anh đi tìm bấy lâu nay. Rồi do hoàn cảnh công tác, hai người gặp nhau nhiều hơn. Anh Giáp có tình cảm với Quang Thái. Nhưng thời điểm này chị vẫn chỉ coi anh như một người đồng chí.

Năm 1931, anh Giáp bị bắt khi tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, bị giam vào nhà lao Thừa Phủ. Đi qua nhà giam nữ, anh giật mình nhận ra Quang Thái cũng bị bắt. Thời gian trong tù, anh hiểu và yêu Quang Thái nhiều hơn. Cuối năm đó, hai anh chị được trả tự do. Anh và chị bắt đầu viết thư cho nhau. Anh Giáp cũng thường lui đến nhà chị Thái chơi. Chị cũng bắt đầu quý mến người con trai Quảng Bình hiền lành nhưng mạnh mẽ.

Đám cưới anh chị được tổ chức tại Vinh năm 1935, lúc đó anh Giáp 24 tuổi, chị Thái 20 tuổi. Sau khi cưới anh, chị ra Hà Nội. Anh Giáp dạy trường Thăng Long, vừa dạy vừa lãnh đạo đoàn thanh niên nhà trường. Chị Thái đỗ Đại học Y, nhưng sau bị đuổi học vì hoạt động cách mạng. Anh chị sinh con gái đầu lòng đặt tên là Hồng Anh.

Sau 1939, Mặt trận Bình dân đổ, Pháp khủng bố mạnh, anh Giáp rút vào hoạt động bí mật và được cử sang Trung Quốc học. Một buổi chiều tháng 5/1940 anh chị chia tay nhau ở Hồ Tây, nhưng không ngờ đó lại là giây phút vĩnh biệt. Năm 1942 chị Thái bị bắt, sau đó mất trong nhà giam Hỏa Lò năm 1944.

Khi chị Thái bị bắt giam, anh Giáp về nước theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Nhưng do hoạt động bí mật, anh không hay biết chị Thái bị bắt. Anh vẫn gửi thư trên mảnh giấy thuốc lá, với những lời chan chứa yêu thương cho người vợ đã mất. Cho mãi đến một ngày tháng 4/1945, trong Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, anh Giáp mới nghe đồng chí Trường Chinh nói tin dữ mà tưởng như anh đã biết.

Chuyện tình của các chính khách

Chuyện tình giữa anh Mười Cúc (Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh) và chị Bảy Huệ (Ngô Thị Huệ) cũng bắt đầu từ trong hoạt động cách mạng. Tác giả cho biết, ngay từ lần đầu gặp chị Bảy Huệ (thay mặt Tỉnh ủy Bạc Liêu đi đón các đồng chí trong Ban Xứ ủy Đảng Cộng sản Đông Dương ở nhà tù Côn Đảo về Sóc Trăng), anh Mười Cúc đã rung động những nét hiền dịu trên gương mặt chị.

Moi tinh dep cua cac chinh khach Viet Nam anh 2
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và vợ - bà Ngô Thị Huệ. 

Năm 1946, anh chị gặp lại ngày trong ngày chị đi họp Quốc hội khóa đầu tiên trở về Sài Gòn. Hôm sau, chị theo giao liên đi lên chiến khu Đồng Tháp Mười, đến cơ quan Xứ ủy và Phụ nữ Nam Bộ thì nhận được thư anh viết riêng cho chị trong xấp thư gửi Xứ ủy. Chị lấy làm lạ vì cả tối hôm trước ở lại ăn cơm cùng anh, không nghe anh nói gì, nay anh lại gửi thư theo.

Chị hồi hộp đọc bức thư, Những hàng chữ đẹp nghiêng nghiêng rắn rỏi của anh đối với chị thật đột ngột, bất ngờ: “Mấy năm ở Côn Đảo, các đồng chí ở Vĩnh Long, Cần Thơ đã nhắc tới chị. Tôi gặp chị lần đầu khi chị thay mặt Tỉnh ủy Bạc Liêu đi đón... cho đến hôm nay thấy trong lòng có tình cảm, Đây là lần đầu tiên. Tôi có ý định xây dựng gia đình với chị, không biết ý chị thế nào?”.

Mấy hôm sau, chị Bảy Huệ phải đi một đợt công tác ba tháng. Đến Bạc Liêu, chị viết thư cho anh ngay, sợ anh mong. Chị nói thật suy nghĩ của mình: “Tôi đã nhận được thư anh nhưng thật lòng chưa nghĩ tới. Gia đình tôi nhà cửa bị Pháp đốt hết, đã rời về U Minh. Mẹ già đi sơ tán, tôi chưa có tin tức. Tôi ở tù ra rồi đi họp Quốc hội, chưa gặp được mẹ”.

Sau đợt công tác đó, chị tìm gặp được mẹ. Sau đó chị được phân công về công tác với anh Mười Cúc ở Sài Gòn. Một ngày tháng 5/1948, lễ thành hôn giữa hai anh chị được tổ chức nhân một cuộc hội nghị Thành ủy mở rộng. Tiệc cưới là một bữa cơm đơn giản ở một nhà đồng chí ở Gò Xoài, huyện Bình Chánh. Sau năm 1950, Trung ương điều anh Mười ra Bắc. Rồi sau năm 1954 chị lại ra Bắc, anh ở lại miền Nam. Phải tới năm 1975 anh chị mới đoàn tụ. Nhưng phải đến khi nghỉ hưu, anh Mười Cúc và chị Bảy Huệ mới có những giây phút yên ả bên cạnh con cháu.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng quen cô Nguyễn Thị Cúc, sau này là người bạn đời từ hồi vừa mới tham gia cách mạng. Tác giả cho biết, lúc anh Thanh mới 20 tuổi, anh gặp chị Cúc ở Nam Dương. Vùng đất này con gái không đẹp, ít người biết chữ. Chị Cúc khác hẳn những cô gái nơi đây. Lần đầu tiên gặp nhau anh Thanh đã để ý cô gái có gương mặt trái xoan với đôi mắt đen, thông minh. Cô gái ấy lại có học.

Gia đình chị Cúc khá giả, là cơ sở cách mạng từ những năm 1924-1925. Bố chị là một trong những người thường lui tới nhà cụ Phan Bội Châu. Chị Cúc đi hoạt động cách mạng từ rất sớm. Chị Cúc cũng thầm mến anh tá điền thật thà, có nước da ngăm đen, tính tình nhân hậu, thẳng thắn. Anh Thanh chưa kịp ngỏ lời thì bị bắt, lúc này anh là bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên.

Moi tinh dep cua cac chinh khach Viet Nam anh 3
Một bức thư Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gửi cho vợ, ngày 10/10/1964, ký tên Thao.

Giữa năm 1946, anh chị gặp lại nhau ở Nam Dương, quê chị. Hai người làm đám cưới theo đời sống mới. Sau đó, anh chị tham gia chiến trường Bình Trị Thiên gian khổ. Sau kháng chiến chống Pháp, anh Thanh được phong đại tướng và được giao nhiều nhiệm vụ thường xuyên phải đi công tác.

Năm 1963, anh được phân vào miền Nam chiến. Những bức thư qua hai đầu Nam - Bắc đã trở thành cầu nối giữa hai anh chị và các con. Trong những bức thư gửi ra Bắc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đều nói với vợ là: “Làm ăn khấm khá. Sức khỏe tốt. Đừng lo cho anh....”. Vì nguyên tắc giữ bí mật nghiêm ngặt nên tên của hai vợ chồng cũng được đổi: Thanh là Nam và Thao, Cúc đổi thành Lý…

Bên cạnh những câu chuyện trên, sách còn viết về chuyện tình của GS Trần Văn Giàu với bà Đỗ Thị Đạo; chuyện tình của nhà thơ Tố Hữu với người bạn đời bạn thơ Vũ Thị Thanh, tình yêu từ những vần thơ của tướng Nguyễn Chánh với bà Phạm Thị Trinh, chuyện tình của Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch với bà Phan Thị Trúc, chuyện tình của chủ tịch Huỳnh Tấn Phát với bà Nguyễn Thị Nga...



Minh Châu

Bạn có thể quan tâm