Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tình yêu từ cái nhìn đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo

Không chỉ viết chuyện tình của người cùng thời, của những người bạn, tác giả Nguyệt Tú còn tiết lộ cả chuyện tình của mình với Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo.

Có lẽ, ít tác phẩm nào khai thác được nhiều chuyện đời tư, chuyện tình yêu của các chính khách ở Việt Nam như cuốn Chuyện tình của các chính khách Việt Nam của nhà văn Nguyệt Tú và đồng tác giả Nguyệt Tĩnh, con gái của nhà văn (NXB Phụ nữ, 2006).

Nguyễn Nguyệt Tuệ, bút danh Nguyệt Tú, là con gái họa sĩ nổi tiếng Phan Chánh, đồng thời là bạn đời của cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo. Hiện nay, ở tuổi 95 bà vẫn miệt mài viết sách.

Bạn của những nhân vật trong cuốn sách

Để có câu chuyện về tình yêu, bạn đời các chính khách, tác giả sách được những người bạn đồng thời là những nhân vật trong cuốn sách “gửi gắm” rất nhiều tư liệu.

Mở đầu câu chuyện Người đàn bà đầu tiên và duy nhất của Giáo sư Trần Văn Giàu, nhân vật tôi bắt đầu bằng chuyến thăm vợ chồng giáo sư tại TP.HCM. Lúc đó vợ chồng giáo sư đã 93 tuổi. Tác giả hồi tưởng lại kỷ niệm với bà Đỗ Thị Đạo, vợ GS Trần Văn Giàu. Khoảng những năm 1950, trong đợt nằm trị bệnh ở bệnh viện Việt - Xô, tác giả viết: “Chị trò chuyện tâm sự với tôi nhiều điều về quê hương về mối tình của anh chị”.

Vợ chồng anh chị Giàu cùng tuổi Tân Hợi. Lấy nhau từ những năm 1930, nhưng tính ra chỉ sống với nhau được mấy tháng đến ngày hòa bình, vì anh Giàu đi học, bị bắt đi bắt lại, nhiều năm bặt tin tức. Chị cũng hỏi dò bạn bè xem anh Giàu có ai khác không, nhưng giáo sư chẳng có ai. Hồi đi học cũng không có bạn gái.

Ngày trẻ, anh Giàu rất sôi nổi. Năm 16 tuổi anh đã tham gia phong trào để tang Phan Chu Trinh, ủng hộ Nguyễn An Ninh. Năm 1928, trước khi đi Pháp học anh đồng ý gia đình đi hỏi vợ. Chị Đạo đẹp, biết cả chữ Nho lẫn Quốc ngữ. Bên nhà chị thấy anh Giàu có chí đồng ý làm đám hỏi nhưng chưa cưới. Hai bên trầu cau đàng hoàng thì anh Giàu mới đi.

Sang Pháp học, anh Giàu bị trục xuất về nước vì tham gia các phong trào, các cuộc biểu tình. Về nước, bên nhà gái giục cưới ngay. Đám cưới được tổ chức vào tháng 10 năm 1930. Anh Giàu làm ở trường tư thục, ở trọ và hoạt động Sài Gòn, chị Đạo ở quê nhà, thi thoảng lên thăm.

Năm 1933, anh bị bắt nhưng được thả về. Khi về anh ở với chị được 2 tháng thì sinh bé gái đặt tên Lan. Con gái anh chị bị mất khi còn rất nhỏ. Năm 1935, anh Giàu bị xử 5 năm và bị đi đày Côn Đảo, sau khi có Mặt trận Bình dân được đưa về Khám Lớn. Sau đó giam ở Tài Lài, Biên Hòa. Năm 1941, anh vượt ngục không về nhà mà chỉ lo đi làm cách mạng. Sau cách mạng tháng Tám, chị Đạo vào chiến khu Tiền Giang, anh Giàu ra Bắc. Năm 1954, chị Đạo tập kết ra Bắc anh chị mới đoàn tụ.

Chuyen tinh cac chinh khach,  Nguyet Tu,  Nguyet Tinh anh 1
Vợ chồng nhà thơ Tố Hữu. Ảnh: Tư liệu.

Chuyện tình của nhà thơ Tố Hữu cũng xuất phát từ việc chị Thanh - vợ nhà thơ đã cung cấp cho tác giả rất nhiều tư liệu.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, nhà thơ Tố Hữu được cử phụ trách lớp học chính trị đào tạo cán bộ thị xã Thanh Hóa. Ở đây anh đã phải lòng cô nữ sinh trường Đồng Khánh người Hoằng Hóa xinh xắn, dễ thương, đó là chị Vũ Thị Thanh.

Sau một thời gian học tập, công tác, một hôm anh Tố Hữu gặp chị Thanh trong một ngôi nhà đã bị phá theo lệnh tiêu thổ kháng chiến. Tại đây anh đã thổ lộ tình cảm và ngỏ lời của mình với chị.

Đầu tháng 8 năm 1947, lễ cưới anh chị được tổ chức vào đúng tháng mưa ngâu, trời mưa tầm tã. Đêm tân hôn, đôi vợ chồng trẻ bị mẹ chị Thanh bắt ngủ riêng. Sáng hôm sau anh chị đèo nhau về cơ quan tỉnh Thanh Hóa. Nhà cửa bị phá gần hết, chị cấp dưỡng cơ quan tìm mãi mới bố trí được cho vợ chồng trẻ “phòng hạnh phúc” trong cái nhà kho. Mấy hôm sau, anh chị đi thuyền ngược sông Lô lên Việt Bắc. Tuần trăng mật của họ trôi qua lãng mạn trên chiếc thuyền nan.

Lên An toàn khu, anh chị công tác mỗi người một nơi, thỉnh thoảng mới gặp được nhau. Năm 1949, anh chị lại bịn rịn chia tay nhau. Anh về Tuyên Huấn, chị về Phú Thọ công tác. Mỗi tháng một lần anh đi bộ một ngày đường từ Thái Nguyên về thăm chị, chỉ để gặp nhau một đêm hôm sau chia tay sớm. Không có chỗ ở anh chị phải làm một cái chòi trên đồi bằng cây sim và lá cọ.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, anh về tiếp quản Hà Nội sớm hơn chị một năm. Những lúc xa nhau anh chăm viết thư cho chị. Anh vẫn gọi chị là “bé” như hồi mới yêu nhau. Hòa bình anh chị mới được sống bên nhau. Sau 9 năm đám cưới, chị mới sinh con đầu lòng. Sau đó sinh thêm hai con nữa. Mặc dù là nhà thơ, nhưng do bận công tác, nên anh Tố Hữu ít có thơ riêng tặng cho vợ. Mãi đến khi hai người tóc bạc, ở tuổi bảy mươi, anh mới dành nhiều thời gian hơn bên vợ.

Chuyen tinh cac chinh khach,  Nguyet Tu,  Nguyet Tinh anh 2
Ông Lê Quang Đạo và bà Nguyệt Tú. Ảnh: Tư liệu.

Chuyện tình của tác giả với Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo

Không chỉ viết chuyện tình của người cùng thời, của những người bạn, tác giả Nguyệt Tú còn tiết lộ cả chuyện tình của mình với Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo.

Trong câu chuyện tình của mình, tác giả Nguyệt Tú, nhân vật xưng tôi cho biết “Yêu anh từ lần gặp đầu tiên. Tuy xây dựng cho mình hình tượng người bạn đời phải cao to, đẹp trai nhưng tôi lại phải lòng người con trai trắng trẻo, nhỏ nhắn, thư sinh. Người ấy đã mang trong mình một sức mạnh làm tôi tin tưởng gửi gắm cả cuộc đời”.

Tác giả cũng cho biết, buổi gặp đầu tiên giữa hai người diễn ra vào năm 1946, ở Thành ủy Hà Nội, khi đó tác giả là được đoàn thể giới thiệu ra học ở trường Phan Chu Trinh.

Tôi còn gặp anh Đạo một vài lần nữa trong các buổi họp. Anh Đạo trình bày đơn giản, dễ hiểu các vấn đề lý luận phức tạp. Anh lại dí dỏm vui tính. Tôi rất phục anh. Anh đã trở thành thần tượng của tôi trong những ngày đầu tham gia cách mạng" - tác giả viết.

Gặp lại nhau năm 1948, đôi bên hẹn ước. Trước khi chia tay, Nguyệt Tú chép tặng Lê Quang Đạo bài thơ Đợi anh về và tặng anh tấm ảnh chân dung của mình. Một lần qua vùng địch hậu, bơi qua sông Đuống lên Việt Bắc suýt chết đuối, anh vẫn giữ lại được tấm ảnh đó.

Một năm sau, đám cưới giữa Lê Quang Đạo và Nguyệt Tú diễn ra. Chú rể mặc bộ quần áo nâu thường ngày. Tóc cô dâu uốn theo kiểu "lô cốt". Đêm tân hôn, tác giả viết: “Anh Đạo cười hóm hỉnh nói rằng 'Từ khi đi làm cách mạng, anh đã nhiều lần lấy vợ giả, lần này mới được lấy vợ thật!'. Con gái đầu Nguyệt Tĩnh của chúng tôi cũng được sinh ra từ đêm hôm ấy”.

Thời kháng chiến chống Pháp, Lê Quang Đạo vào quân đội, công tác tại chiến khu Việt Bắc, còn tác giả ở lại khu Bốn: “Chúng tôi viết cho nhau rất nhiều thư. Những lá thư của anh thắm thiết làm tôi vợi đi nỗi vất vả khi sinh con đầu lòng”.

Trong câu chuyện, tác giả còn cung cấp nhiều chi tiết trong sinh hoạt cuộc sống đời thường của gia đình mình trong thời gian sau hòa bình lập lại và khi Lê Quang Đạo làm Chủ tịch Quốc hội.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm