Chiều nay (10/11), thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sẽ trình dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ra Quốc hội. Luật được thông qua sẽ cho phép thành lập các đặc khu kinh tế, tạo nền tảng cho sự hình thành 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Trong buổi sáng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã trả lời báo chí một số vấn đề liên quan.
Tạo ra cực tăng trưởng mạnh mẽ
- Thưa Bộ trưởng, mục tiêu chủ đạo của việc xây dựng Luật khu hành chính - kinh tế đặc biệt là gì?
- Luật khu hành chính - kinh tế đặc biệt, trước hết chúng ta mong muốn là tạo ra một sân chơi, thể lệ mới cho người chơi mới để đón nhận làn sóng đầu tư đang dịch chuyển mạnh mẽ trên thế giới. Hiện có làn sóng đầu tư vào Việt Nam rất lớn. Đây là cơ hội để mình đón nhận làn sóng đó.
Chủ trương của Đảng, Hiến pháp đã có, giờ nhiệm vụ của chúng ta là luật hoá. Mục đích để thành lập các đặc khu, tạo ra những thể chế tốt nhất, vượt trội so với hệ thống pháp luật trong nước, cạnh tranh được với khu vực và quốc tế.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Thanh Tuấn. |
Chúng ta cũng rút ra bài học kinh nghiệm về thất bại của các đặc khu trên thế giới. Chúng ta tranh thủ được mô hình tốt, cách làm tốt, xu hướng phát triển tốt, dựa vào điều kiện thực tế của Việt Nam trong việc phát triển các khu kinh tế công nghiệp công nghệ cao 25 năm qua.
Đây cũng là cơ hội, thời cơ tốt nhất để chúng ta tổng kết, đánh giá và đưa ra mô hình mới, tạo ra thể chế mới, đón nhận và thu hút làn sóng đầu tư. Qua đó tạo nên các cực tăng trưởng mạnh mẽ, đột phá, táo bạo để có thể đóng góp lớn cho nền kinh tế.
Đặc khu cũng tạo động lực, sự lôi kéo, lan toả cho cả kinh tế trong nước và doanh nghiệp trong nước phát triển.
Kỳ vọng của chúng ta là tạo ra được một thể chế mới này sẽ thu hút được nguồn lực đầu tư phát triển hết sức tự do, cạnh tranh trong khuôn khổ hiến pháp.
- Khi xây dựng Luật cũng như đề án, Chính phủ có đặt ra mục tiêu và kết quả mà 3 đặc khu sẽ mang lại?
- Phải thống nhất một nhận thức đây là việc chúng ta chủ động đưa ra, tạo dựng nên để đón nhận và hấp thụ một cách hiệu quả làn sóng đầu tư của quốc tế và của trong nước. Như vậy chúng ta chủ động đưa ra thì chúng ta phải biết mình muốn gì, nhà đầu tư cần gì.
Chúng ta nên đưa những cái nhà đầu tư cần và thể chế của chúng ta có thể cho phép, chứ không đi theo cách tiếp cận là chúng ta có gì cho nhà đầu tư.
Nó phải hài hoà cả hai cái, người ta muốn gì và chúng ta có thể cho gì, chứ không phải chỉ có cái mình cho người ta. Nhưng có cái mình cho nhưng người ta không muốn, người ta không cần thì mô hình đó hiện nay đều thất bại.
Sẽ phát triển những ngành phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương
- Ông có thể nói cụ thể về mục tiêu đặc khu đưa lại cho nền kinh tế ra sao?
- Về kinh tế, đây là những vị trí hết sức chiến lược, có lợi thế so sánh để phát triển. Thứ hai, là cái mình tạo ra thể chế mới ở khu này.
Chúng ta cũng lựa chọn cho các khu này những ngành phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, nhưng nó cũng phù hợp với xu thế của quốc tế.
Đây đều là những ngành cạnh tranh trong thời kỳ mới. Ví dụ như ngành dịch vụ, công nghệ cao, y tế giáo dục, vui chơi giải trí, thương mại. Đây là những ngành có giá trị gia tăng cao.
- Chúng ta kỳ vọng mô hình này đóng góp với con số ra sao?
- Tôi không nhớ con số cụ thể là bao nhiêu. Các con số về tốc độ tăng trưởng, đóng góp ngân sách bao nhiêu, thu nhập bình quân đầu người, hài hoà lợi ích Nhà nước và lợi ích địa phương, doanh nghiệp. Các con số cụ thể đã có trong từng đề án cụ thể.
Kỳ vọng đột phá về thể chế
- Mô hình kinh tế đặc khu có những ưu điểm lớn. Tuy nhiên việc tách ra thành các mô hình quản lý hành chính riêng, chúng ta có cần tính lại?
- Đây là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Do đó, cả những vấn đề về tổ chức hành chính cũng phải đặc biệt, thể chế về kinh tế cũng phải đặc biệt. Chúng ta muốn gì, nhà đầu tư cần gì? Nếu chúng ta không tiếp cận theo hướng đó thì rất khó có thể thành công, thu hút được.
- Chúng ta có cơ chế giám sát, kiểm soát đặc biệt nào tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không thưa ông?
- Hiện nay chúng ta có 2 phương án để dành quyền tự chủ cho Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Thứ nhất là không tổ chức UBND và HĐND. Điều này không trái Hiến pháp, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, làm sao dành quyền tự chủ, chịu trách nhiệm, thẩm quyền trong điều hành hàng ngày của Trưởng đơn vị.
Tuy nhiên khi uỷ quyền nhiều, phân cấp, phân quyền nhiều cho Trưởng đặc khu thì chúng ta phải có cơ chế giám sát đi kèm.
Ban soạn thảo, Chính phủ cũng đã tính đến phải có giám sát từ UBND cấp tỉnh, HĐND tỉnh, giám sát từ các Bộ ngành trung ương, của Chính phủ theo ngành dọc. Thậm chí cả theo chiều ngang để có cơ chế giám sát lại các cơ quan của đơn vị kinh tế hành chính đặc biệt này và Trưởng đơn vị.
Vấn đề đặt ra khi chúng ta trao thẩm quyền nhiều thì phải thiết kế được cơ chế giám sát đi kèm. Cái này đã được tính đến.
- Có ý kiến cho rằng Trưởng đơn vị hiện nay không ai muốn làm, vì trách nhiệm nặng nề, vị trí “chơi vơi” không ra Bí thư Huyện ủy, không ra Chủ tịch UBND tỉnh?
- Đây là cơ chế mới, chưa có ở Việt Nam mình bao giờ nên nó cũng là chuyện bình thường thôi. Tôi nghĩ, nếu có những thẩm quyền riêng gắn với trách nhiệm thì chắc chắn vừa là nhiệm vụ, vừa là trách nhiệm của một số người được dân cử và trung ương giao.
- Ông có đồng ý với phương án miễn trừ một số trách nhiệm của Trưởng đơn vị như đề xuất của Quảng Ninh?
- Cái đó chúng tôi đang nghiên cứu. Có thể có một số cái có thể miễn trừ trách nhiệm, một số cái thì không. Cái này phải nghiên cứu.
- Cơ chế này đã đưa vào Dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chưa thưa Bộ trưởng?
- Chưa!
Nhà nước sẽ đầu tư vốn 'mồi' ban đầu tại các đặc khu
- Bộ trưởng có thể cho biết nguồn lực tài chính để đầu tư các Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có khả thi không?
- Khi thành lập các đơn vị này chúng ta không đi đầu tư, mà tạo ra một không gian đầu tư, một thể chế cạnh tranh để người ta vào đầu tư. Từ việc làm hạ tầng đến kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp đến phát triển các dự án ở đây đều do các nhà đầu tư hết.
Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy nếu Chính phủ không tham gia hỗ trợ ban đầu một phần cũng rất khó để hình thành một số cơ sở hạ tầng cơ bản. Do đó trong thiết kế lần này, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần là vốn mồi, để hình thành một số cơ sở hạ tầng ban đầu để lôi kéo, thúc đẩy nhà đầu tư.
Có thể chế tốt, các nhà đầu tư vào sẽ làm hạ tầng, quy hoạch rồi xúc tiến đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp vào rồi hình thành các dự án theo các định hướng ngành nghề, và theo các quy hoạch mà chúng ta đã xác định từ ban đầu.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Nhà nước sẽ đầu tư vốn mồi tại các đặc khu để làm cơ sở hạ tầng. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Theo Bộ trưởng, liệu vốn mồi có khả thi trong kế hoạch trung hạn hay không? Nhiều người vẫn còn băn khoăn về tính khả thi dù Nhà nước chỉ bỏ ra một phần vốn?
- Vốn chủ yếu hiện nay đang tính từ nguồn thu để lại. Ngoài ra các địa phương phải tham gia, trung ương hỗ trợ một phần. Chúng tôi đang tính toán trong khả năng nguồn lực.
'Nhà đầu tư có một quyền rất quan trọng là không làm'
- Có ý kiến chuyên gia cho rằng trong quá trình làm thì phải “lùi một bước”. Vậy trong quá trình làm này ông đã “lùi bước” nào chưa?
- Nói thế thì hơi khó. Phải nói đây là bộ luật rất khó, mới, liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực và nó có phạm vi ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống pháp luật của Việt Nam. Có người đã nói rằng đây là bộ luật có một số vấn đề có thể vượt trên các luật khác và chỉ dưới Hiến pháp.
Đây là luật rất quan trọng và mới mẻ. Sự thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào tư duy của chúng ta. Nếu tư duy của chúng ta không cởi mở, chúng ta chỉ nghĩ chúng ta có quyền cho nhà đầu tư cái nọ, cái kia, thì nhà đầu tư có một quyền rất lớn là quyền không làm.
Chúng ta có rất nhiều quyền, có quyền cho thể chế này, có quyền cho dự án kia, yêu cầu nọ. Tuy nhiên tôi nhấn mạnh nhà đầu tư có một quyền thôi, quyền rất quan trọng là người ta không làm.
Cho nên như tôi đã nói, là phải đồng hành, phải xuất phát từ nhu cầu nhà đầu tư. Người ta cần cuộc chơi đó với thể lệ nào thì mình phải tiếp cận theo cách đó, và mình phải nghiên cứu để xem có thể cho ở mức độ nào và không thể cho mức độ nào. Những vấn đề nào phải bàn, thỏa thuận để hai bên cùng có lợi, để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư.
Chúng ta cũng không thả ra hết để nhà đầu tư làm mà Nhà nước không được gì hết, thậm chí ảnh hưởng đến vấn đề cốt lõi quốc phòng, an ninh, chủ quyền, người dân, môi trường...
Nhưng những vấn đề chúng ta có thể linh hoạt, chúng ta có thể cởi mở thì nghiên cứu mô hình các nước, xu thế hiện nay và thực tiễn của nước ta trong suốt 25 năm. Mục đích để làm sao có thể chế tốt nhất, cạnh tranh nhất, mà vẫn giữ được những vấn đề cốt lõi phải giữ và giữ bằng được.
- Có quy định cơ quan giám sát theo chiều ngang, thay vì HĐND cấp huyện thì đặt ra Hội đồng tư vấn giám sát. Nhiều ý kiến cho rằng, hội đồng tư vấn giám sát chưa thuyết phục, vì đó vẫn là những người ở trên cao cử xuống?
- Tôi đã nghe một số ý kiến nên phải nghiên cứu tiếp.