Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter dự một sự kiện tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN ở Malaysia. Ảnh: AFP |
Người đứng đầu Lầu Năm Góc và Tướng Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, đã có cuộc họp khoảng 40 phút bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đang diễn ra ở Kuala Lumpur, Malaysia.
"Ông Carter tái khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở mọi bầu trời và vùng biển mà luật pháp quốc tế cho phép. Bộ trưởng cũng nói rõ rằng Biển Đông không phải trường hợp ngoại lệ", một quan chức quốc phòng Mỹ nói với hãng AFP.
Bộ trưởng Carter tiếp tục thảo luận về những lo ngại của Washington về an ninh mạng cùng cáo buộc tin tặc Trung Quốc đứng sau những vụ việc này. Nguồn tin từ phái đoàn Mỹ mô tả cuộc gặp diễn ra trong không khí "thân mật".
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn lặp lại quan điểm sai trái của Bắc Kinh về chủ quyền với các hòn đảo trên Biển Đông, đồng thời bày tỏ không hài lòng về sự xuất hiện của tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak tiếp bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đến công tác ở Kuala Lumpur ngày 3/11. Ảnh: Xinhua |
"Phía Trung Quốc nói rõ rằng họ không thích những hành động của Mỹ. Tuy nhiên, ngôn từ lần này không dữ dội như những gì các bạn đã nghe trên truyền thông từ các quan chức Trung Quốc khác trong những ngày trước", một thành viên trong đoàn Mỹ cho biết.
Theo báo South China Morning Post, bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nói với phái đoàn Mỹ rằng, hoạt động của Bắc Kinh trên Biển Đông về cơ bản mang lại lợi ích cho các nước khác trong khu vực.
Trung Quốc đã mô tả về một "điểm giới hạn" mà nếu vượt qua nó thì Trung Quốc sẽ hành động để bảo vệ các đảo họ đang chiếm đóng. Phái đoàn Mỹ không xem đây là tối hậu thư nhằm ngăn cản việc tàu Mỹ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông. Thay vào đó, ông Carter cho rằng đây là một cách Trung Quốc giải thích quan điểm của nước này.
Ngày 4/11, bộ trưởng Quốc phòng của 10 nước ASEAN sẽ cùng họp chính thức với bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc, Nga, Australia và một số nước khác trong khu vực.
Trước đó, tại Đại học Bắc Kinh, Đô đốc Mỹ Harry Harris hôm 3/11 phát biểu, quân đội Mỹ sẽ tiếp tục điều tàu và máy bay ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, bao gồm Biển Đông.
Theo ông Harris, hành động Mỹ đưa tàu tới Biển Đông không nên coi là mối đe dọa cho bất kỳ quốc gia nào. Vị đô đốc cũng chính là người tuyên bố Mỹ cần thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh bằng việc tuần tra gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp trái phép.