Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Kim Tiến: Tai biến y khoa gây đau lòng cho y, bác sĩ

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định tai biến y khoa là sự cố gây đau lòng cho đội ngũ bác sĩ và cán bộ y tế. Nếu không tuân thủ quy trình, các sai sót sẽ xảy ra.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn Quốc hội Ngày 14/6, Bộ trưởng Bộ Y tế đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội về các vấn đề giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh, giá thuốc, đầu tư y tế và nhân lực ngành y.
  • Người dân chưa hài lòng với y đức

    Phát biểu kết thúc phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định ngành đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới chất lượng khám chữa bệnh. Tỷ lệ giường bệnh trên bệnh nhân tăng theo hàng năm, tình trạng chuyển tuyến giảm, được quốc tế đánh giá cao.

    Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ những hạn chế trong hạ tầng kỹ thuật, quản lý vật tư, số lượng cán bộ y tế còn thiếu nhưng chất lượng chưa cao, y đức bác sĩ chưa làm người dân hài lòng. Bên cạnh đó là tình trạng bệnh nhân vượt tuyến gây quá tải bệnh viện truyến trên, lãng phí tuyến dưới. Tai biến y khoa, trục lợi quỹ bảo hiểm, mua thuốc không có đơn... là những điểm mà ngành y tế cần khắc phục.

  • Tai biến y khoa gây đau lòng cho y, bác sĩ

    Trả lời các câu hỏi về trách nhiệm và giải pháp để hạn chế tai biến y khoa, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định tai biến y khoa là sự cố gây đau lòng cho đội ngũ bác sĩ và cán bộ y tế. Bộ Y tế đã thành lập Hội đồng an toàn bệnh nhân. Bên cạnh đó, bộ cũng ban hành quy trình khám chữa bệnh chặt chẽ.

    Bà Tiến cho rằng nếu không tuân thủ quy trình, các sai sót trong y khoa sẽ xảy ra. "Chúng tôi cam kết sẽ xử lý nghiêm với các sai phạm dẫn đến sự cố y khoa", Bộ trưởng Tiến nói.

  • Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) cho rằng bệnh viện tư nhân đã giảm tải cho bệnh viên công, song cũng có một số tồn tại khó khăn. Ông đề nghị Bộ Y tế nói rõ những chính sách quản lý gì khuyến khích, cho loại hình bệnh viện này phát triển. Đại biểu Hiền cũng quan tâm việc trong quá trình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội có nhưng bất cập.

    “Tới đây việc khắc phục thực trạng này như thế nào để đảm bảo quyền lời cho người dân?”, ông Hiền đặt câu hỏi.

    Đai biểu Nguyễn Phước Lộc (đoàn TP.HCM) quan tâm tới vấn đề khám chữa bệnh gói dịch vụ cơ bản cho bảo hiểm y tế chi trả và đánh giá cao Bộ trưởng Y tế đã tiếp thu và trả lời sớm ban hành thông tư về vấn đề này. Song song, ông đề nghị Bộ trưởng Tiến chỉ đạo sớm nghiên cứu, ban hành phác đồ điều trị đúng khắc phục bất cập trong khám chữa bệnh.

    "Một trong những mục tiêu của ngành y tế là nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, giảm thiểu tối đa tai biến, sự cố ý khoa. Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp chỉ đạo sắp tới để đáp ứng mong mỏi của cử tri", đại biểu Lộc đặt vấn đề.

    Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) dẫn báo cáo của Bộ Y tế phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2020 không còn tình trạng quá tải bệnh viện. “Bộ trưởng có cam kết để thực hiện mục tiêu, có giải pháp gì mới để giải quyết vấn đề này không”, ông Cầu hỏi.

    Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) cho rằng một số bệnh viện đầu ngành của Việt Nam hiện nay có đội ngũ y bác sĩ giỏi và trang thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, người nước ngoài đến Việt Nam khám bệnh rất tốt. Trong khi đó, người Việt Nam chi phí số tiền khá lớn cho việc ra nước ngoài chữa bệnh. Ông Nghĩa đề nghị Bộ trưởng Y tế báo cáo số liệu cụ thể trước Quốc hội.

  • "Bảo hiểm xã hội nên xem lại trách nhiệm của mình"

    Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) tranh luận với Tổng giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh: Tôi chia sẻ với những phát biểu của Tổng giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam về tình trạng trục lợi quỹ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, đưa ra nhận xét phải trên quan điểm toàn diện, tức là làm sao để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Người dân mới chính là chủ của số tiền trong quỹ bảo hiểm xã hội hiện nay. Tại sao, chỉ tập trung vào việc lạm dụng, trục lợi của bệnh viện và người dân. Tiêu cực có thể xảy ra bất cứ nơi đâu.

    Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là bảo hiểm vẫn chưa liên thông được số liệu, làm thủ công, người này chẳng biết người kia làm gì. Tôi nghĩ rằng Bảo hiểm xã hội nên xem lại trách nhiệm của mình, không nên đổ hết lỗi cho người dân và ngành y tế, tất cả do cái nghèo mà ra.

    Bài toán đặt ra từ lâu với bảo hiểm là thu rất ít nhưng muốn chi nhiều. Đến lúc nào đó, nó sẽ vỡ. Nếu không muốn vỡ quỹ phải đa dạng hoá các loại hình bảo hiểm chứ không thể nhăm nhăm siết chi. Có tình trạng là bảo hiểm cứ gọi điện, email xuống các bệnh viện về việc siết chi. Việc này tiềm ẩn tiêu cực không kém trục lợi bảo hiểm y tế.

    Bác sĩ và cán bộ y tế phải tập trung vào chuyên môn nhưng hiện nay phải xem xét cả loại thuốc nào, phương pháp chữa trị nào nằm trong danh mục bảo hiểm. Bên cạnh đó, Bộ Y tế với tư cách là cơ quan đầu ngành cũng phải xem xét lại các thông tư, quy định, mà dựa vào đó bảo hiểm từ chối chi. Những người làm y tế chúng tôi thì không thể từ chối sử dụng những loại thuốc, phương pháp y khoa tốt nhất cho bệnh nhân được.

    Bo truong Y te tra loi chat van cua Quoc hoi anh 1

    Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cũng phản ánh rằng cử tri là bác sĩ rất bức xúc về việc các giám định viên nhiều khi không có chuyên môn nhưng xuống "thích cắt gì thì cắt". Vì vậy cử tri đề nghị phải có bộ quy chuẩn, quy định về phương pháp cụ thể, chứ không để xảy ra chuyện xin - cho như vậy.

    Theo đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa), đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng), Luật bảo hiểm xã hội quy định địa phương nào số chi vượt số thu thì sử dụng quỹ dự phòng của bảo hiểm nhưng Bảo hiểm Xã hội lại yêu cầu địa phương tự dùng ngân sách để bù vào.

  • Bệnh viện giữ bệnh nhân để trục lợi bảo hiểm y tế

    Giải trình thêm về tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN Nguyễn Thị Minh cho biết tình trạng này còn khá phổ biến thậm chí có những bệnh viện đã thực hiện cả cách kéo dài ngày nằm của bệnh nhân. Ví dụ về việc mổ Phaco thì trung bình chỉ cần nằm viện 2 ngày, nhưng có bệnh viện để bệnh nhân nằm tới 7 ngày. Bệnh viện huyện thường sử dụng số giường không đến 100% công suất, nhưng hiện nay, các tỉnh báo lên có tình trạng sử dụng đến 200-300% công suất.

    "Năm nay quỹ bảo hiểm y tế đã phải chi khoảng 80.000 tỷ đồng, tăng lên khoảng 7.000 tỷ đồng so với năm trước. Chúng tôi tính toán thấy số tăng này không bình thường", bà Nguyễn Thị Minh nói.

    Bo truong Y te tra loi chat van cua Quoc hoi anh 2

  • Dược liệu chất lượng kém lọt vào các khoa y học cổ truyền

    Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng): Tình trạng kinh doanh thuốc đông y cổ truyền loạn giá, thả nổi chất lượng. Kiểm tra được số lượng, trọng lượng nhưng không kiểm tra được chất lượng. Từ đó dẫn đến tình trạng dược liệu chất lượng kém nhưng giá rẻ nên trúng thầu vào các khoa y học cổ truyền của bệnh viện. Trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng?

    Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội): Giá thuốc, đặc biệt là giá thuốc ngoại dù giảm 100% thì cũng rất cao so với khả năng của người dân. Xin hỏi Bộ trưởng có giải pháp căn cơ, hữu hiệu gì để tập trung phát triển công nghiệp dược, sản xuất cung cấp thuốc giá rẻ, xuất khẩu ra nước ngoài. Ngoài ra, xin Bộ trưởng cho biết ngành y tế đã tham gia vào chiến dịch người Việt Nam dùng hàng Việt Nam hay chưa? Vì chúng tôi đi khám bệnh thì bác sĩ thường có xu hướng kê đơn cho các loại thuốc nhập ngoại.

    Đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng): Thời gian gần đây có tình trạng các cơ sở y tế tư nhân có nhiều bác sĩ hành nghề khám chữa bệnh dù không đúng chuyên môn. Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp của mình trong việc quản lý cơ sở y tế tư nhân đặc biệt là các cơ sở có yếu tố nước ngoài?

    Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Về tình trạng y học cổ truyền, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều hội thảo về quản lý nguyên liệu và thuốc y học cổ truyền. Tất cả thuốc nhập chính ngạch đều phải được kiểm nghiệm và sau đó chất lượng khám chữa bệnh đã tăng lên. Chúng tôi phối hợp với Ban chỉ đạo 389 cả Trung ương và địa phương để hạn chế buôn lậu thuốc qua biên giới.

    "Công tác đấu thầu thực hiện rất nghiêm túc chứ không phải là loạn giá", bà Tiến nói. "Hơn nữa, bộ cũng phối hợp với Ban chỉ đạo 389 để tăng cường công tác phòng chống buôn lậu thuốc qua biên giới. Thứ ba là công tác đấu thầu thực hiện rất nghiêm túc chứ không phải là loạn giá", bà Tiến nói.

    Bà đồng ý với ý kiến đại biểu việc tăng cường trồng, sản xuất dược liệu trong nước là rất tốt. Bộ trưởng cũng khẳng định luôn khuyến khích người Việt Nam sử dụng thuốc Việt, có cả các cuộc bình bầu “ngôi sao thuốc Việt” dành cho các doanh nghiệp sản xuất các loại thuốc tốt.

  • Ca trực của bác sĩ trước không đủ bát phở, nay đã lên mức 25.000 đồng

    Bộ trưởng Kim Tiến cho biết Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các nghị định, quy định về chế độ đặc thù. Chúng tôi đi đến các xã miền núi ở tỉnh Điện Biên, hỏi trạm trưởng y tế xã thì họ nói rằng tổng thu nhập, bao gồm phụ cấp, được 12 triệu đồng/tháng, anh em yên tâm làm việc.

    "Lương của bác sĩ mổ ở tuyến huyện có thể được 12 triệu đồng, tuyến tỉnh có thể 15 triệu đồng mỗi tháng. Tiền trực cũng cải thiện, trước anh em nói tiền trực mỗi ca không đủ bát phở, nay đã lên mức 25.000 đồng, có ca lớn thì cũng đến 100.000 đồng", Bộ trưởng Y tế nói.

  • Bác sĩ đi làm ngoài kiếm thêm không chỉ có ở Việt Nam

    Đầu giờ chiều ngày 14/6, Bộ trưởng Y tế trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Như hiệp, Đặng Thị Mỹ Hương, Lê Quân về vấn đề y tế cơ sở. Trong đó có vấn đề phát huy vai trò của tuyến y tế cơ sở tình trạng cấp trên cấp trang thiết bị xuống cơ sở nhưng không phù hợp với nhu cầu, cơ sở không đáp ứng nguồn nhân lực, hướng xử lý sắp tới thế nào.

     

    Về vấn đề y tế cơ sở, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến hứa sẽ cố gắng giải quyết trong nhiệm kỳ này. Hiện Bộ đã ban hành các thông tư, nghị định, quyết định về trạm y tế xã . Mỗi huyện chỉ có 1 trung tâm y tế huyện và dưới có trạm y tế xã là cơ quan chuyên môn.

    Theo Bộ trưởng Y tế, nếu các tỉnh tập trung đầu mối thì cơ sở hạ tầng sẽ tập trung hơn như vậy tiết kiệm về cơ sở, quản lý dễ, giao ban dễ. Nhưng hiện việc sắp xếp tiến hành chậm vì công tác sắp xếp cán bộ như ở tuyến tỉnh trước có tới 8-9 giám đốc nay chỉ còn 1.

    Bo truong Y te tra loi chat van cua Quoc hoi anh 3

    Về nhân lực, Bộ trưởng Y tế cho biết nhân lực y tế vừa thiếu lại vừa yếu ở tuyến dưới và có tình trạng tuyến dưới chuyển lên tuyến trên và các thành phố lớn. Ngoài ra còn có thực tế bác sĩ ra ngoài làm để có thu nhập cao hơn. Đó không chỉ tình trạng ở nước ta mà cả ở các nước khác.

    Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết thứ nhất, Bộ có mô hình cử tuyển để đào tạo các bác sĩ vùng sâu, vùng xa. Thứ hai, đào tạo theo hình thức thí điểm, bác sĩ trẻ tốt nghiệp loại giỏi, loại khá, sau đó đào tạo thêm 3 năm chuyên sâu rồi đưa về vùng sâu, vùng xa. Với nam thì sau 3 năm, với nữ là sau 2 năm sau công tác vùng sâu, vùng xa thì vào biên chế, tăng lương nhanh và sẽ tạo điều kiện học chuyên khoa 1, chuyên khoa 2. Thứ ba là đào tạo các bác sĩ gia đình, tư vấn cho bệnh nhân về sức khỏe sinh sản, phòng chống tai biến, chăm sóc trẻ em suy dinh dưỡng, tiêm chủng.


  • Khâu quản lý kê đơn bán thuốc còn yếu kém

    Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội): Tình trạng bán thuốc không cần kê đơn, lạm dụng kháng sinh khiến bệnh nhân kháng thuốc sốc thuốc phải nhập viện. Gần 3.000 hiệu thuộc ở nông thôn và thành thị không bán theo đơn của bác sĩ. Giải pháp của Bộ trưởng là gì?

    Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Có chuyện người dân đến hiệu thuốc nào cũng mua được không cần kê toa. Chúng tôi cố gắng kiểm soát nhưng rất khó. Bộ Y tế cũng ban hành nhiều quy định quản lý kê đơn, hệ thống quầy thuốc theo tiêu chuẩn GPP. Tôi thừa nhận đây là khâu yếu kém cần phải đổi mới toàn diện.

    Cả nước chưa có đến 300 thanh tra ngành y tế cả trung ương và tỉnh. Về tình trạng lạm dụng kháng sinh, Bộ Y tế trình Chính phủ chương trình phòng chống kháng sinh. Cố gắng hạn chế bằng các quy định về đơn thuốc, bệnh án điện tử.

  • Hơn 7.000 cán bộ y tế bị kỷ luật

    Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội): Thái độ phục vụ người bệnh chưa tốt, cán bộ y tế có lời lẽ khiếm nhã thiếu tôn trọng, thậm chí xúc phạm người bệnh. Hỏi Bộ trưởng có biện pháp nào cải thiện phục vụ, cải thiện lương y.

    Bo truong Y te tra loi chat van cua Quoc hoi anh 4

    Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đây là chuyện con sầu làm rầu nồi canh. Đâu đó có cán bộ không tốt. Hiện nay, chúng tôi đã triển khai chương trình đổi mới thay đổi thái độ phục vụ người bệnh. Có đường dây nóng, thùng thư góp ý, quay camera tăng cường giám sát chuyên môn. Trong thời gian qua, hơn 7.000 cán bộ y tế bị kỷ luật từ cảnh cáo rời khỏi ngành. Kèm theo đó là đổi mới tài chính tăng thu nhập của cán bộ y tế. Như vậy giải pháp tạo nên đổi mới toàn diện.

     

    Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội): Báo cáo kiểm toán cho thấy nhiều thiết bị đắp chiếu, mới dùng đã hỏng. Giá vật tư giữa các bệnh viện khác nhau, thậm chí chênh lệch giá đến gần 7 lần. Trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc này như thế nào?

    Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đúng là có tình trạng có máy đắp chiếu do ở nhiều máy phải đợi bảo trì nước ngoài đến. Một số thiết bị sử dụng chưa hiệu quả. Tuy nhiên Việt Nam là nước sử dụng công suất khá lớn. Do đó, đáng ra phải mua nhiều máy hơn và tốt hơn nữa.

    Về báo cáo kiểm toán chỉ ra chênh lệch giá cao gấp 6-7 lần, tôi nghĩ rằng, kiểm toán có quyền kết luận. Tuy nhiên, các bệnh viện cơ sở y tế không đồng thuận. Trang thiết bị y tế đa dạng về mẫu mã, cách đóng gói, cách sử dụng. Ví dụ cùng loại kim tiêm cánh bướm nhưng Bệnh viện Việt Đức mua 6.000-7.000 đồng. Nhưng Bệnh viện Chợ Rẫy mua với giá cao gấp 7 lần do loại này có khoá, van, đầu vát hơn tránh đau cho người ghép tạng. Dù cùng hãng, cùng mẫu mã, cùng tên gọi nhưng giá cả và công năng sử dụng khác biệt.


  • 8 hạn chế, tồn tại của ngành y tế

    Sáng 14/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Trước đó, Bộ Y tế đã có báo cáo trả lời những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Theo đó, ngành y tế còn 8 hạn chế, tồn tại.

    Tình trạng quá tải bệnh viện vẫn xảy ra ở một số chuyên khoa ung bướu, tim mạch, nhi khoa, chấn thương… hoặc bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến cuối như Bạch Mai, Chợ Rẫy, Ung bướu và Nhi đồng TP.HCM.

    Bên cạnh đó, chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới vẫn còn hạn chế, chưa được người dân tin tưởng, từ đó, dẫn đến tình trạng bệnh nhân vượt tuyến, đổ dồn về bệnh viện tuyến trên gây quá tải.

    Đặc biệt, Bộ Y tế nhận định tai biến y khoa xảy ra rải rác tại các bệnh viện cả tuyến dưới và tuyến trên. Vẫn còn nhân viên y tế chưa thực sự tận tình và trách nhiệm đối với người bệnh. 

    Tình trạng mất an ninh, trật tự trong bệnh viện thời gian gần đây tại một số bệnh viện đang có xu hướng gia tăng. Thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh nói chung và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vẫn còn phiền hà.

    Báo cáo cũng dẫn ra những chỉ số cho thấy có sự cải thiện trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ người dân. Theo kết quả đo lường sự hài lòng của người bệnh tại 22 bệnh viện năm 2016 cho thấy 89,9% số người được hỏi hài lòng về phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế.

    Kết quả khảo sát chỉ số PAPI do UNDP công bố ngày 4/4 cho thấy “người bệnh đã đánh giá khá tích cực về dịch vụ y tế công, đặc biệt trong lĩnh vực khám, chữa bệnh". Cụ thể, nhận thức của người dân về y tế công lập cải thiện rõ rệt do số lượng người có bảo hiểm y tế tăng từ 62% năm 2015 lên 73% năm 2016; chất lượng chăm sóc sức khỏe miễn phí cho trẻ em tăng mạnh, 32% người khảo sát cho biết dịch vụ dành cho trẻ em dưới 6 tuổi “rất tốt”.

     



Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm